Bài 3: Làng sạch, phố sạch

19/05/2015 07:08

Khắc ghi lời dạy của Bác khi về thăm Hải Dương, tỉnh đã tích cực thực hiện bảo đảm "đường quang, làng sạch"...







Hơn 3 năm nay, ở TP Hải Dương không còn tình trạng để rác thải qua đêm. Ảnh: Lan Anh


Trong những lần về thăm Hải Dương, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường. Khắc ghi lời dạy của Bác, tỉnh ta đã tích cực thực hiện bảo đảm "đường quang, làng sạch".

"Phải đẩy mạnh phong trào vệ sinh nông thôn"

Ngày 26-7-1962, nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh ta tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân TP Hải Dương), Bác căn dặn tỉnh ta phải đẩy mạnh "vệ sinh phòng bệnh, đời sống mới ở nông thôn" nhưng phải tránh phô trương hình thức. Ngày 15-2-1965, khi về thăm xã Nam Chính (Nam Sách), nơi có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh, Bác căn dặn: "Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên".

Tại buổi nói chuyện với cán bộ, nhân dân và bộ đội tỉnh ta tại xã Hồng Thái (ngày 15-2-1965), Bác dặn dò tỉnh ta "phải đẩy mạnh phong trào vệ sinh nông thôn, học tập thi đua với Nam Chính, Hùng Sơn".

Sau những lần Bác về thăm, cán bộ và nhân dân tỉnh ta đều có quyết tâm thư gửi Bác. Ngày 18-2-1965, trong quyết tâm thư của xã Hồng Thái (Ninh Giang) gửi Bác có nêu rõ: "Quyết tâm xây dựng nông thôn mới, ăn ở theo nếp sống văn minh, bảo đảm mỗi nhà có một giếng nước, hố xí 2 hộp, đường sá phong quang, đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh". Trong quyết tâm thư gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ngày 19-2-1965, xã Nam Chính hứa: "sẽ phấn đấu hoàn thành việc xây dựng hố xí, giếng khơi, nhà tắm, chuồng lợn 2 bậc trong toàn xã". "Thi đua đuổi kịp và vượt xã Nam Chính về công tác vệ sinh phòng bệnh" là lời hứa của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang) gửi Bác ngày 17-3-1965.

Những năm qua, Nam Chính luôn nỗ lực trở thành xã "kiểu mẫu về công tác vệ sinh phòng bệnh" như mong muốn của Bác. Về Nam Chính hôm nay, ai cũng dễ dàng cảm nhận được bầu không khí trong lành, màu xanh mướt của cây cối. Hiện đường làng, ngõ xóm ở Nam Chính đều được  đổ bê-tông rộng rãi, sạch sẽ, xe ô-tô có thể vào đến tận sân, tận cổng từng nhà. Trên 90% số dân trong xã có nhà vệ sinh tự hoại, 100% số hộ được sử dụng nước máy.

Những năm qua, các xã trong tỉnh đều có những cách làm riêng, phù hợp để bảo đảm "ngõ sạch, đường quang, làng sạch, tốt ruộng" như lời dạy của Bác.

Từ năm 2007, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã thành lập được tổ thu gom rác thải ở cả 9 thôn và xây dựng hệ thống rãnh thoát nước có nắp đậy bằng bê-tông. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã được tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng bãi rác tập trung. Xã quy định rõ ngày tập kết rác để các hộ mang rác ra đổ, thành lập tổ môi trường do một đồng chí Ủy viên UBND làm tổ trưởng. Hằng tuần, tổ tiến hành kiểm tra thực hiện công tác vệ sinh môi trường (VSMT) ở các thôn. Nếu thôn nào làm không tốt, tổ sẽ nhắc nhở đồng chí bí thư chi bộ và trưởng thôn. Bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Lôi Xá phấn khởi: "Giờ ra đường, tôi không còn thấy chỗ này một túi, chỗ kia một đống rác. Khi trời mưa to cũng không ngửi thấy mùi nước thải bốc lên như trước nữa".

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch... nhằm bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nông thôn nói riêng. Việc điều tra, quan trắc hiện trạng môi trường nông thôn đã được chú trọng hơn. Công tác tuyên truyền về VSMT được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, gần 20 HTX VSMT và 5 công ty tham gia thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt. Đến hết năm 2014, khu vực nông thôn đã có 72 trạm cấp nước tập trung, tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 83%. Hiện tỉnh có 118 xã đạt tiêu chí môi trường NTM.

Bảo đảm vệ sinh đô thị

Không chỉ vùng nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến công tác vệ sinh thành phố. Trong lần về thăm và nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương ngày 31-5-1957, Bác phê bình cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã: "Về mặt vệ sinh thành phố, không biết cán bộ quan liêu thế nào? Lần này tôi đi thì đã khá, nhưng lần trước tôi đi bí mật thì một vài phố tương đối sạch còn một số đường phố tương đối bẩn". Bác nêu rõ: "Về vệ sinh phòng bệnh, thành phố ta kém như tôi vừa nói, bây giờ phải tăng cường".

Khắc ghi lời dạy của Bác, các phường, xã trên địa bàn thành phố đã tích cực bảo đảm VSMT. Theo ông Phạm Đình Việt Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương, trong những năm qua, TP Hải Dương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường tuyên truyền, phát động các đợt tổng vệ sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về trật tự xã hội, bảo đảm VSMT... 3 năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố cơ bản không còn tình trạng để tồn đọng rác qua ngày. Cuối năm 2013, thành phố phát hơn 200 thùng rác miễn phí cho các hộ trên tuyến phố Trần Hưng Đạo và Quang Trung. Việc làm này đã góp phần làm giảm tình trạng vứt rác bừa bãi ra mặt đường của các hộ kinh doanh và người tham gia giao thông. Các ao, hồ, kênh mương, cống rãnh được nạo vét hằng năm, phần nào khắc phục được tình trạng ngập úng.

Từ năm 2010 đến nay, TP Hải Dương xây dựng và triển khai thực hiện đề án "Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị". Ban đầu, đề án được triển khai thí điểm trên 7 tuyến phố với các nội dung chính như làm sạch đường phố; giải tỏa vi phạm bày bán hàng, làm thông thoáng lòng đường, vỉa hè; chấn chỉnh trật tự xây dựng, quảng cáo, thực hiện văn minh thương mại. Sau thời gian thí điểm, đề án đã thu được nhiều kết quả khả quan như các hộ dân đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định; đường phố cơ bản sạch sẽ, thông thoáng do việc tập kết và vận chuyển rác kịp thời, xe đạp, xe máy xếp dựng gọn gàng trên vỉa hè; tình trạng bày bán hàng bừa bãi đã giảm nhiều so với trước đây; các vi phạm về trật tự xây dựng, quảng cáo cơ bản được ngăn chặn... Thành phố đã xây dựng được trên 59 tuyến phố văn minh. Một số khu vực trước đây thường xuyên có những đống rác lớn nhỏ do các hộ dân đổ ra lưu cữu qua ngày nay đã không còn như khu vực ngã ba Mạc Thị Bưởi - Trương Mỹ, ngã ba Mạc Thị Bưởi - Bùi Thị Cúc và ngã tư Ngân Sơn -Trần Phú (phường Trần Phú, TP Hải Dương)...

Hoàng Ngân

(0) Bình luận
Bài 3: Làng sạch, phố sạch