Bài 3: Khách hàng "dễ tính"

01/04/2016 07:53

Trong khi chất lượng nông sản còn nhập nhèm thật, giả thì người tiêu dùng vẫn dễ dãi trong lựa chọn, sử dụng.


>>Bài 2: Đánh tráo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm




Hoa quả "ngoại" được bày bán tràn lan, không ai rõ nguồn gốc, chất lượng

Khuất mắt trông coi

Khi được hỏi về thói quen, cách chọn lựa loại quả tươi ngon, chị Vũ Thị Khuyên đang mua quả tại chợ Nứa, xã Tân An (Thanh Hà) cho biết: “Tôi thường mua táo, lê, quýt về cho cả nhà ăn. Tôi chỉ quan tâm tới mẫu mã bên ngoài, thấy rẻ thì mua chứ ít khi để ý đến nguồn gốc. Đôi lúc tôi cũng có lo lắng vì nhiều người nói hoa quả Trung Quốc độc hại nhưng cũng không phân biệt được”.

Ba năm nay, chị Vũ Thị Vinh ở đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) mua hoa quả ngoại nhập tại một cửa hàng quen ở trung tâm thành phố. Cửa hàng này đã niêm yết đầy đủ nguồn gốc nhập khẩu nhưng để khẳng định chất lượng sản phẩm thì theo chị Vinh phải… ăn mới biết. “Tôi thường mua táo đỏ, nho xanh không hạt của Mỹ với giá từ 99.000 - 150.000 đồng/kg. Loại quả nhập khẩu này ngoài màu sắc đẹp thì khi ăn thấy giòn”, chị Vinh cho biết. Đối với những chủ cửa hàng bán hoa quả ngoại, thông tin hàng hóa họ đang bán cũng rất mù mờ. Chị V.T.T, chủ một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu tại TP Hải Dương thẳng thắn nói: “Nhà tôi chủ yếu nhập hoa quả từ các mối bán buôn trên Hà Nội. Các loại hoa quả bán chạy nhất là táo đỏ, táo xanh, cherry, nho đen không hạt, nho đỏ không hạt của Mỹ. Khách hàng chủ yếu là những người có thu nhập khá. Thấy hàng bán chạy thì mình nhập vào chứ cũng không rõ quy trình nhập khẩu như thế nào”.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP Hải Dương, chúng tôi gặp không ít trường hợp mua thực phẩm về sử dụng mà không hề quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Những người cẩn thận hơn thì có cách riêng để lựa chọn thực phẩm nhưng cũng chỉ là cảm tính. Bà Vũ Thị Hoa mua thịt tại chợ đông Ngô Quyền cho biết: “Thịt lợn ở chợ có dăm ba loại nhưng không phải cứ gặp đâu là mua đấy. Thông thường tôi hay mua chỗ người quen, cứ lựa những miếng thịt tươi, ấn tay vào thấy có độ đàn hồi thì yên tâm còn nguồn gốc thế nào mình sao biết được”.

Đối với những người thu nhập thấp thì càng có ít sự lựa chọn hơn. Trong điều kiện kinh tế eo hẹp, giá cả thực phẩm dường như còn quan trọng hơn cả chất lượng. Bạn Vũ Thị Lam, sinh viên Trường Cao đẳng Hải Dương kể: “Sinh viên nên không có điều kiện mua rau sạch tại các siêu thị mà chỉ mua của những người bán hàng rong hoặc vào chợ Thanh Bình. Thông thường, bọn em đi chợ vào cuối buổi chiều vì thời điểm này giá các loại rau hạ nên có thể tranh thủ mua nhiều. Chúng em không mấy quan tâm tới nguồn gốc, chất lượng, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.

Âm thầm chịu đựng

Trước Tết Ất Mùi 2015, anh Nguyễn Văn H. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) có mua một số chai nước mắm có nhãn hiệu “Hạnh phúc - Nước mắm cá cơm” tại một siêu thị trên địa bàn TP Hải Dương. Sản phẩm được sản xuất và đóng chai tại Công ty CP Sản xuất thương mại và Đầu tư Vạn Phúc ở lô P4, đường Trung Tâm, khu công nghiệp Long Hậu mở rộng (ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An). Mặc dù hạn sử dụng ghi rõ trên vỏ chai là ngày 31-8-2016 nhưng anh H. chưa kịp bóc ra để sử dụng đã thấy trong chai lắng cặn. Lo lắng sản phẩm không bảo đảm chất lượng nên gia đình không sử dụng nhưng cũng không hề phản ánh với siêu thị. “Giá trị sản phẩm không quá lớn, mình cũng chưa sử dụng nên cũng ngại mang ra siêu thị ý kiến. Không biết đem ra phản ánh có được gì không hay lại phiền phức thêm”, anh H. giải thích.

Bên cạnh việc dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm, dễ gây hậu quả xấu đối với sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng thì công tác dự phòng ngộ độc thực phẩm cũng còn nhiều bất cập. Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc như sử dụng thực phẩm dư lượng kháng sinh, hoóc môn tăng trưởng cao, nguồn vi khuẩn, nấm, các thực phẩm biến đổi gen, nhiễm phóng xạ... Việc phòng chống, cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc là rất quan trọng trong bảo đảm ATVSTP. Đối với nông sản, việc kiểm nghiệm dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật phải được thực hiện thường xuyên để giám sát chất lượng, kịp thời phát hiện và cảnh báo nguy cơ đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa làm được do không có kinh phí, phương tiện”. Thời gian qua, nguyên nhân những vụ ngộ độc mà Chi cục ATVSTP tỉnh tiếp nhận đều do thực phẩm biến chất, chưa xác định được dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến ATVSTP trên địa bàn tỉnh hoạt động cũng chưa có cá nhân nào phản ánh. Thường chỉ những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, gây hậu quả nghiêm trọng thì các cơ quan chức năng mới nhận được thông tin, vào cuộc điều tra nguyên nhân. Còn vụ việc đơn lẻ thì người dân âm thầm chịu đựng, tự điều trị. Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, những năm qua số lượng đơn thư, hoặc những vụ việc mà người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi phản ánh, gửi về hội rất ít. Đặc biệt liên quan đến chất lượng rau củ quả thì không có vụ việc nào.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm mặc dù không nhiều nhưng số ca bệnh về đường tiêu hóa ngày càng tăng. Năm 2014, bệnh viện tiếp nhận 950 ca ung thư về đường tiêu hóa, 224 ca ngộ độc thức ăn thì năm 2015 tăng lên 1.371 ca ung thư và 290 ca ngộ độc. Theo bác sĩ Lê Quang Đức, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh ung thư đường tiêu hóa là do chất có hại cho cơ thể gây biến đổi gen, hình thành các tế bào ung thư. Những chất độc hại trong nông sản có thể gây ra những triệu chứng cấp tính. Bên cạnh đó, có những trường hợp chất độc trong nông sản ngấm dần gây hại cơ thể, âm thầm diễn biến thành bệnh, gây ung thư. “Thực phẩm nông sản là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu, hằng ngày đối với mọi người. Để phòng ngừa bệnh tật thì cách tối ưu nhất vẫn là sử dụng sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ”, bác sĩ Đức khuyến cáo.

Trước thực trạng thị trường nông sản phát triển như hiện nay thì việc kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm ngay cả đối với các cơ quan chức năng cũng không hề dễ dàng. Ngoài những người tiêu dùng có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm thì vẫn có người lại sử dụng thực phẩm nông sản theo kiểu “khuất mắt trông coi”. Hậu quả là nhiều người đang hằng ngày vẫn vô tư dung nạp vào cơ thể những thực phẩm độc hại, là một trong những nguyên nhân khiến bệnh tật gia tăng.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Khách hàng "dễ tính"