Sau 11 ngày chiến đấu khốc liệt, quân ta đã giải phóng thị xã Xuân Lộc, mở toan "cánh cửa thép" phía đông Sài Gòn.
Bộ đội kéo pháo vào chiến dịch Xuân LộcTrong đội hình Quân đoàn 4 tấn công cứ điểm Xuân Lộc, gồm có Sư đoàn 7, Sư đoàn 6, Sư đoàn 341 và các đơn vị hỏa lực tăng cường pháo binh, xe tăng. Giữa chiến dịch, Quân đoàn 4 được Quân đoàn 2 tăng cường Trung đoàn 95B. Sư đoàn 6 của Quân khu miền Đông là đơn vị tại chỗ, nên chiếm lĩnh trận địa được giao sớm nhất. Sư đoàn 6 bao vùng toàn bộ hướng nam, tây nam Xuân Lộc từ tỉnh lộ 2 sang quốc lộ 1 từ Dâu Giây đến Bàu Cá, Hưng Lộc. Trên đường hành quân vào chiến dịch, tôi nhận thấy các đơn vị của Quân đoàn 4 được bổ sung rất nhiều bộ đội, trong đó có nhiều người quê Hải Dương.
Trước trận Xuân Lộc, tình hình địch có nhiều thay đổi. Sau khi rút khỏi Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thiệu cho rút Sư đoàn dù ở Vùng 1 về Vùng 3 để phòng thủ miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn, khiến các lực lượng địch còn lại ở Vùng 1, Vùng 2 Việt Nam cộng hòa (VNCH) hoang mang, dao động tột độ.
Phòng thủ phần còn lại của Nam bộ, địch có các Sư đoàn bộ binh 18, 5 và 25, nhưng qua những trận đánh trong tháng 3, quân số của các sư đoàn này bị tiêu hao nghiêm trọng. Sư 18 của Lê Minh Đảo là đơn vị chủ công, trong khi nhiều tiểu đoàn chỉ còn khoảng 450 quân.
Đầu tháng 4, quân giải phóng nghi binh hướng Tây Ninh, các Sư đoàn 5, 25, một bộ phận của Trung đoàn 48 của Sư 18 VNCH bị hút về hướng Tây Ninh. Khi địch quay về Xuân Lộc, thì toàn bộ đoạn quốc lộ 1 từ Bàu Cá đến Dầu Giây đã bị Trung đoàn 33, Sư đoàn 6 của ta chốt cứng.
Ngày 3-4-1975, Quân đoàn 4 quân giải phóng bắt đầu hình thành thế trận bao vây cứ điểm Xuân Lộc. Sư đoàn 7 đang hành quân trên quốc lộ 20 tiến về Đà Lạt, được lệnh quay trở lại Xuân Lộc.
Ngày 6-4, bản đồ tác chiến cho thấy các đơn vị quân giải phóng đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu: Sư đoàn 341, Trung đoàn 266 sẽ đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố, Trung đoàn 270 đánh chiếm các căn cứ ở Kiệm Tân và Núi Thị, Trung đoàn 273 là lực lượng trù bị. Hai Trung đoàn 33 và 4 của Sư đoàn 6 vây Xuân Lộc ở hướng nam, chốt chặn địch tiếp viện trên quốc lộ 1 khu vực Bàu Cá, Hưng Lộc và tỉnh lộ 2, vận động đánh địch khu vực Dầu Giây. Sư đoàn 7 chịu trách nhiệm hướng bắc, hướng đông Xuân Lộc, Trung đoàn 165 đánh thẳng vào Bộ Chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy do Trung đoàn 52 trấn giữ, Trung đoàn 209 đánh chiếm tuyến quốc lộ 1 từ Suối Cát đến Tân Phong, Trung đoàn 141 làm lực lượng trừ bị. Các trung đoàn pháo mặt đất và phòng không chịu trách nhiệm hỗ trợ tối đa hỏa lực.
Đêm ngày 8 rạng ngày 9-4, chiến dịch bắt đầu. Pháo binh ta với đủ loại đã bắn cấp tập 10 ngàn quả đạn pháo các loại vào cứ điểm Xuân Lộc. Khi pháo dừng bắn, các mũi nhọn có xe tăng hỗ trợ ào ạt tấn công các mục tiêu trong thị xã.
5 giờ 40 sáng, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 tấn công dữ dội vị trí của Tiểu đoàn 1 và 3, Trung đoàn 43 ngụy; cùng lúc Trung đoàn 209 đánh thẳng vào Tiểu đoàn 82 biệt động quân từ hướng đông. Hướng tây, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 giao tranh ác liệt trong thị xã với hai tiểu đoàn địa phương quân.
Ngoài thị xã, những trận đánh phối hợp của Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 đạt hiệu quả cao. Mặt trận hướng tây, Trung đoàn 270 Sư đoàn 341 đánh chiếm các căn cứ Núi Thị và Kiệm Tân. Trung đoàn 4, Sư đoàn 6 tấn công căn cứ ấp Trần Hưng Đạo, chiếm giữ đèo Mẹ Bồng Con. Trung đoàn 33 hỗ trợ Trung đoàn 4 đánh căn cứ Hưng Nghĩa và Hưng Lộc, giữ vững chốt chặn quân chi viện của địch từ hướng Biên Hòa
Sau ba ngày công phá các tuyến tử thủ của địch trong Xuân Lộc, bộ đội Sư đoàn 7 và 341 giành giật từng căn nhà, góc phố, chiếm nhiều mục tiêu quan trọng nhưng không chắc chắn, do hầm hào boong ke của Tiểu khu và căn cứ Sư đoàn 18 khá kiên cố! Hướng tiến quân trực diện của xe tăng, bộ binh Sư đoàn 7 có ruộng, sình lầy không thuận lợi.
Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III VNCH quyết định đưa Lữ đoàn 3 kỵ binh khai thông quốc lộ 1, giải cứu Xuân Lộc. Lữ đoàn 3 kỵ binh tổ chức ba mũi xung kích gồm ba chiến đoàn, mỗi chiến đoàn gồm một chi đoàn xe tăng M48, kèm theo một tiểu đoàn Biệt động quân và một đội pháo binh. Lữ đoàn 3 kỵ binh từng là lực lượng xung kích của quân VNCH trên các mặt trận.
Ngày 11-4, đoàn chiến xa M48 địch theo Quốc lộ 1, nhanh chóng đến Hưng Lộc liền đụng độ ngay chốt chặn của Trung đoàn 33, Sư đoàn 6. Trung đoàn 33 vừa chốt cứng mặt đường, vừa vận động tấn công địch. Một mũi khác của địch bọc vòng phía sau, ba tiểu đoàn biệt động quân được gọi lên hòng bứng chốt của ta bị thiệt hại rất nặng, buộc phải quay lại Trảng Bom. Sau này, tôi có đọc hồi ký của một sĩ quan biệt động quân VNCH, anh ta viết: “Con đường từ Hưng Lộc đến Dầu Giây làm gợi nhớ con đường máu từ Chơn Thành đến Tàu Ô của Bình Long 1972, Sư đoàn 6 cộng sản bám chặt quốc lộ 1, giống như Sư đoàn 7 cộng sản giữ cứng ngắt quốc lộ 13 hồi mùa hè 1972”.
Trong khi Lữ đoàn 3 kỵ binh địch không thể giải cứu Xuân Lộc, ngày 12-4 Bộ Tổng tham mưu và Quân đoàn III VNCH điều Lữ đoàn nhảy dù số 1, gồm 4 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo binh dù, chúng chia 3 mũi nhảy trực thăng xuống Xuân Lộc. 14 giờ cùng ngày, không quân địch sử dụng máy bay C130 ném hai quả bom CBU-55, một trong những loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt xuống Xuân Vinh, sát thị xã Xuân Lộc, gây thương vong khoảng 200 bộ đội và người dân.
Ngày 13-4, Sở Chỉ huy Sư đoàn 6 nhận được lệnh từ Quân đoàn 4 về thay đổi cách đánh. Theo đó, chuyển thế bao vây tiêu diệt địch trong Xuân Lộc, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B chịu trách nhiệm tiêu diệt các căn cứ còn lại trên quốc lộ 20, từ Túc Trưng đến Dầu Giây.
Sau khi không quân VNCH ném hai quả bom CBU xuống mặt trận Xuân Lộc, tôi mở radio nghe được Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố báo chí: “Khả năng chiến đấu của quân lực VNCH đã được phục hồi”. Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư 18 thì nói rằng: “Việt Cộng muốn qua Long Khánh thì phải bước qua xác của Đảo này”. Tổng thống Ford mạnh miệng xác nhận với Quốc hội Mỹ để được chấp nhận khoản viện trợ 722 triệu USD năm 1975 cho VNCH: “Quân đội Nam Việt Nam rất muốn chiến đấu. Tại Xuân Lộc, mặc dù quân số ít hơn, nhưng họ đã chiến đấu rất anh dũng, đã giữ vững vùng đất của họ và đã gây thiệt hại nặng nề lên quân địch…”. Những lý lẽ của Thiệu và Ford không thể thuyết phục được các nhà chính trị Mỹ đã quá mỏi mệt về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Thượng nghị sĩ Jacob Javits là đại diện phái đa số ngày 14-4 có câu trả lời rất lạnh lùng: “Tôi sẽ thuận cho quý ngài một ngân khoản lớn để tổ chức một cuộc di tản, nhưng không một xu nào quân viện cho Thiệu”.
Ngày 15-4, phản ứng máy bay địch ném bom CBU và không kích các trận địa ở Xuân Lộc, lần đầu tiên đại pháo 130 ly quân giải phóng đặt ở Hiếu Liêm bắn phá cấp tập sân bay Biên Hòa, làm cho sân bay Biên Hòa không hoạt động được, địch phải chi viện yếu ớt bằng không quân từ sân bay Trà Nóc. Cùng ngày, Trung đoàn 4, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đánh tan Chiến đoàn 52, Chi đoàn 33 thiết giáp tại Túc Trưng, Kiệm Tân, Dầu Giây, căn cứ Nguyễn Thái Học, giải phóng hoàn toàn tuyến phòng thủ cuối cùng phía tây trên đường 20 từ Túc Trưng đến Dầu Giây, thu và phá hủy toàn bộ xe thiết giáp, 12 khẩu pháo, bắt nhiều tù binh. Hai tiểu đoàn địch thuộc Chiến đoàn 52 chỉ còn sống sót 200 tàn quân.
Ngày 16 và 17-4, các đợt phản công cuối cùng của địch tăng viện cho Xuân Lộc tiếp tục bị Trung đoàn 33, Sư đoàn 6 chặn đứng. Xung quanh Xuân Lộc, các Trung đoàn 43, 48, Lữ đoàn 1 dù của ngụy liên tục bị Sư đoàn 7 và 341 quân Giải phóng tập kích tiêu hao.
Ngày 18-4, các tuyến phòng thủ của VNCH tại Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân bị phá vỡ. Lữ đoàn xe tăng 203 đơn vị dẫn đầu của Quân đoàn 2 quân giải phóng đã có mặt ở rừng lá, chỉ cách Gia Ray, Xuân Lộc khoảng 10 km. Quân đoàn 2 được bộ đội địa phương hướng dẫn hướng hành quân đến ngã ba Suối Cát vào Sông Ray ra Xuân Mỹ. Quân đoàn 2 với hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới vào đến miền Đông Nam Bộ an toàn. Đến lộ 2, Quân đoàn 2 chia hai hướng tiến quân: Một theo lộ 2 giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, một mũi qua Cù Bị về hướng căn cứ Nước Trong, Long Thành, Nhơn Trạch.
Trước sức ép của quân giải phóng, ngày 19-4, Lê Minh Đảo Tư lệnh Sư đoàn 18 xin lệnh Bộ Tổng tham mưu VNCH rút khỏi Xuân Lộc để phòng thủ Biên Hòa, lập tức được chấp thuận và yêu cầu để lại một tiểu đoàn nghi binh, giữ bí mật.
Khuya 20-4, trong đêm tối, dưới trời mưa tầm tã, Lê Minh Ðảo chỉ huy đoàn xe quân sự các loại vận chuyển các đơn vị còn lại trong Xuân Lộc, rút quân theo lộ 2, sau đó vòng về Biên Hòa. Toán quân rút chạy sau cùng bị một tiểu đoàn của Tỉnh đội Long Khánh phát hiện tiêu diệt gần hết, viên đại tá Tỉnh trưởng Phạm Văn Phúc bị thương nặng, bị bắt, Trung tá Phó tỉnh trưởng chết ngay tại chỗ. Thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh được hoàn toàn giải phóng.
ĐỖ TRUNG TIẾN