Bài 3: Cải tiến các mô hình sản xuất

05/12/2015 07:42

Các mô hình kinh tế trong nông nghiệp đã đạt kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân...







Việc đầu tư ở đa số trang trại còn hạn chế


Những năm qua, tỉnh ta đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Các mô hình kinh tế trong nông nghiệp đã đạt kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều mô hình vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Chưa tận dụng thế mạnh


Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã đề ra nhiều biện pháp để hỗ trợ người chăn nuôi, trồng trọt. Đối với những cá nhân muốn xây dựng trang trại, tỉnh tạo điều kiện cho thuê đất, hỗ trợ làm đường giao thông, đường điện, chuồng trại, hỗ trợ lãi suất cho người dân khi vay vốn tại ngân hàng. Mặc dù vậy đến nay, số lượng trang trại ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả tỉnh có hơn 500 trang trại, trong đó có 345 trang trại nuôi lợn và 160 trang trại nuôi gia cầm, thủy cầm. Nhìn chung, quy mô các trang trại còn nhỏ, cơ cấu vật nuôi, cây trồng nghèo nàn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ.

Đã làm trang trại hàng chục năm nay nhưng hệ thống chuồng trại của gia đình ông Chu Trọng Thứ ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) vẫn còn rất đơn giản. Vào mùa đông, để ngăn những cơn gió lạnh ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, ông Thứ che một tấm bạt lớn ở trước cửa chuồng. Đối với vật nuôi mới sinh thì trong chuồng được lắp thêm một bóng điện sưởi ấm. Còn vào mùa nắng, để tránh cái nóng cho vật nuôi, ông cũng chỉ bơm nước lên mái chuồng. Ông Thứ cho biết: "Nếu trang bị hệ thống quạt thông gió hay sưởi thì rất tốn kém, làm giảm hiệu quả kinh tế". Cách tính của ông Thứ cũng là cách tính chung của nhiều người chăn nuôi hiện nay.

Không chỉ trong lĩnh vực trang trại, hiện nay nhiều mô hình kinh tế HTX vẫn chưa phát huy hết vai trò, mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo số liệu chưa đầy đủ của Chi cục Phát triển nông thôn, cả tỉnh có 301 HTX Dịch vụ nông nghiệp. Trong đó có 80% số HTX làm dịch vụ thủy nông, 59% số HTX làm dịch vụ bảo vệ thực vật, số HTX làm các dịch vụ khác như chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cung ứng vật tư, diệt chuột, làm đất, bảo vệ đồng ruộng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 3-17%. Ông Phạm Văn Sang, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết (Thanh Miện) thừa nhận: "Thời gian qua, HTX xây dựng được một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó tiêu biểu là mô hình trồng ngô AJ 600. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ có ở một số thôn chứ chưa nhân rộng ra quy mô xã. Nông dân vẫn phải tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm làm ra, HTX chưa thể hỗ trợ. Hiện nay, người dân trong xã có nhu cầu lớn về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... nhưng do năng lực tài chính, nguồn nhân lực hạn chế nên HTX vẫn chưa đáp ứng được".

Năm 2007, trang trại sản xuất rau an toàn trên diện tích 3 ha của ông Phạm Văn Hát ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) là trang trại sản xuất rau lớn nhất tỉnh. Trang trại được đầu tư bài bản, nhiều máy móc hiện đại, tường rào, lưới chắn... với tổng kinh phí lên tới 3 tỷ đồng. Ban đầu, trang trại mang lại hiệu quả cao. Nhưng chỉ sau đó 4 năm, trang trại phá sản, toàn bộ diện tích bị tháo dỡ, trả lại cho các hộ nông dân canh tác. Ông Trịnh Đức Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ cho biết: "Nguyên nhân chính do vốn đầu tư quá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, không cạnh tranh được với các hộ trồng rau nhỏ lẻ. Mỗi ngày, trang trại sản xuất ra gần 3 tấn rau, nhưng không có thị trường tiêu thụ nên sản phẩm bị ứ đọng, thua lỗ kéo dài dẫn đến phá sản".

Đến nay, toàn tỉnh có 262 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thu hút 13.500 lao động. Những năm qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò lớn trong tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, nên lĩnh vực hoạt động cũng nghèo nàn. Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc mua và đưa đi bán ở các tỉnh, thành phố lân cận. Số doanh nghiệp có khả năng chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài còn ít.

Thay đổi trong điều kiện mới

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã về các vùng nông thôn, tạo nhiều việc làm với mức thu nhập khá khiến nhiều nông dân không còn gắn bó với ruộng đồng. 3 năm gần đây, tỉnh ta đã đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn thuê đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hiện nay, trang trại mới chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trang trại trồng trọt còn ít. Dồn điền, đổi thửa đã tạo ra cơ hội thuận lợi hơn cho người dân thuê đất để phát triển trang trại trồng trọt. Người dân cần tìm hiểu, đưa các kỹ thuật mới như đầu tư máng ăn tự động, chuồng trại khép kín, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, tìm nguồn thức ăn sạch, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi ở các trang trại...

Hoạt động của các HTX cũng cần năng động, mở rộng hơn, không nên chỉ bó hẹp ở một vài dịch vụ như hiện nay. Thực tế đã có một số HTX như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ (Tứ Kỳ) tự đổi mới để phù hợp hơn với thực tiễn. Trước đây, HTX cũng chỉ thực hiện một vài khâu dịch vụ nhưng thời gian gần đây, HTX đã đầu tư mua máy làm đất, máy gặt để phục vụ người dân. Chất lượng các khâu làm đất, gặt... bảo đảm, giá lại rẻ hơn tư nhân nên được người dân tin tưởng. Qua đó cho thấy bản thân các HTX phải tự đổi mới, mạnh dạn mở thêm nhiều dịch vụ để thu hút nông dân, từ đó không chỉ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động mà còn làm tăng thu nhập cho chính những người hoạt động trong lĩnh vực HTX.

Bên cạnh sự nỗ lực của nông dân thì trong thời gian tới, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn thuê đất phát triển kinh tế trang trại, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân khi xây dựng cơ sở hạ tầng trang trại, vốn để mua con, cây giống. Đặc biệt là cần có giải pháp hỗ trợ nông dân về thị trường tiêu thụ để tránh tình trạng "được mùa, mất giá". Bên cạnh đó cũng cần có biện pháp bảo vệ, khống chế không để dịch bệnh lây lan và bùng phát, góp phần hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Cần hướng dẫn các HTX thực hiện chuyển đổi theo đúng Luật HTX năm 2012. Có biện pháp hỗ trợ kinh phí để các HTX có vốn hoạt động. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ HTX. Tỉnh cũng cần có những chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như nguồn vốn, thuê đất... Có như vậy thì các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Cải tiến các mô hình sản xuất