Bài 2: Vật lộn cùng sóng gió

01/03/2015 09:28

Trong cuộc đời mỗi người lính biển, những chuyến đi gian khổ, thiếu thốn là chuyện quá đỗi bình thường.






Chuyển người, hàng từ tàu xuống xuồng để lên nhà giàn

Lênh đênh trên biển, những con tàu hải quân luôn phải đối mặt những hiểm nguy rình rập từ tứ phía. Trong cuộc đời mỗi người lính biển, những chuyến đi gian khổ, thiếu thốn là chuyện quá đỗi bình thường.

Chuyển hàng bằng dây


Sóng biển cấp 7 chồm lên trên boong tàu. Bầu trời mù mịt và nặng trĩu. Con tàu HQ621 chạy vòng quanh nhà giàn DK1/15. Biển động mạnh, tàu không thể buông neo gần nhà giàn để chuyển hàng lên được. Các chiến sĩ trên nhà giàn thả những sợi dây thừng đã được cột chắc vào chân nhà giàn xuống biển. Tàu chạy vòng quanh để vớt dây lên, cột hàng vào dây rồi lại thả xuống biển. Người trên nhà giàn kéo dây thừng để chuyển hàng lên. Tất cả những công đoạn đó được tiến hành trong khi sóng đánh dữ dội dưới thân tàu, có những lúc sóng chồm lên cao, tưởng chừng như muốn nuốt chửng con tàu vào lòng đại dương. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đang có mặt trên tàu đều được huy động ra boong làm nhiệm vụ chuyển hàng. Từ chính trị viên đến đầu bếp đều ướt nhẹp, gào khản giọng để công việc được ăn khớp, suôn sẻ. Mất tới nửa ngày, toàn bộ hàng mới được chuyển hết lên nhà giàn, trong khi trời yên bể lặng thì chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ.

Đó là một trong số những chuyến tiếp tế cho các nhà giàn mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân thường xuyên thực hiện. Những con tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân vì thế có mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với hệ thống các nhà giàn đặt trên vùng biển này. Là người đã tham gia chỉ huy nhiều chuyến chuyển hàng ra các nhà giàn, thượng tá Hoàng Hà Bá, Trợ lý chính trị Phòng Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân cho biết, lần chuyển hàng này tuy có khó khăn nhưng chưa phải là gian khổ nhất. Có những lần gặp mưa gió dữ dội, xoáy thành những cơn lốc, không thể chuyển hàng lên ngay mà tàu phải neo chờ. Trên tàu, các cán bộ, chiến sĩ phải tìm cách chống chọi với sóng gió, chờ tới khi biển êm hơn mới chuyển hàng lên. Có những nhà giàn mất tới 2 ngày mới chuyển hết số hàng lên được. Theo thượng tá Hoàng Hà Bá, để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là người chỉ huy phải có kinh nghiệm, am hiểu về vùng biển, các dấu hiệu diễn biến của thời tiết. Như trong chính chuyến chuyển hàng cho 5 nhà giàn lần này, tàu có 1 ngày để vừa chuyển hàng vừa đưa người lên thăm nhà giàn DK1/10, lẽ ra việc bơm nước, bơm dầu lên nhà giàn có thể để sau; nhưng khi thấy dấu hiệu thời tiết có thể không thuận lợi, dầu, nước đã được bơm lên luôn trong buổi sáng. Đến chiều, nhìn sóng biển đổi hướng, những người lính thở phào nhẹ nhõm, chỉ cần chậm một chút thôi họ sẽ mất thêm rất nhiều thời gian và công sức.

Mỗi con tàu đến mang theo sự sống, niềm vui cho các chiến sĩ nhà giàn. Ý thức tầm quan trọng của nhiệm vụ này, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu thương. Mỗi chuyến hàng được vận chuyển an toàn, không thất thoát là một niềm vui lớn trong cuộc đời người lính hải quân.

Đối mặt khó khăn

“Mỗi khi có bão, những con tàu thông thường sẽ chạy vào bờ tránh bão. Còn riêng với những con tàu của chúng tôi thì có bão là lên đường ra khơi”, thượng úy Nguyễn Trần Thịnh, thuyền trưởng tàu HQ621 nói về một nhiệm vụ nguy hiểm một cách đầy tự hào. Không chỉ tiếp tế cho các nhà giàn, khi có bão, những con tàu của Vùng 2 hải quân còn phải đón các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn đi tránh bão. Trong 26 năm kể từ khi nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, đã có 4 nhà giàn bị đổ trong những cơn bão lớn. Các nhà giàn bây giờ đã kiên cố, vững chắc hơn trước nhưng để bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ thì mỗi khi có bão, những con tàu vẫn ra khơi. Tàu chạy phía trước, bão đuổi đằng sau, cứ chạy trốn cơn thịnh nộ của thiên nhiên như thế, cho đến khi bão tan.

Đi biển trong những ngày bão gió, những người lính hải quân không chỉ cần sức khỏe, sự can trường mà phải có cả ý chí, tinh thần thép, không nao núng trước những khó khăn, gian khổ khôn lường. Có năm dự báo thời tiết sai hướng bão, con tàu đâm thẳng vào tâm bão, vật lộn suốt mấy ngày trời, khi biển yên, anh em trên tàu mới hoàn hồn, nhìn nhau vui trào nước mắt. 2 năm trước, thượng úy Huỳnh Chí Cường, chính trị viên của tàu HQ621 cũng là một người lính nhà giàn. Anh đã từng phải cột dây vào người, bơi ra tàu, lên đường chạy bão. Chính con tàu HQ621 này đã đón anh khi ấy. Giờ đây, làm nhiệm vụ trên tàu, thượng úy Huỳnh Chí Cường càng thêm gắn bó với con tàu. Trong những chuyến chuyển hàng, anh đã cùng anh em bốc dỡ, cột hàng, đương đầu với những con sóng, những cơn gió dữ. “Có chuyến trực chúng tôi gặp tới 7 cơn bão lớn nhỏ. Sóng gió lớn nhưng tinh thần tốt thì vẫn vượt qua được thôi. Lúc sóng gió dữ dằn nhất, ai cũng lo chống bão, lo làm sao tàu vượt qua an toàn, đến mức quên cả say sóng”, thượng úy Huỳnh Chí Cường cười nói.

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thành mới có 10 năm tuổi quân nhưng đã làm nhiệm vụ ở nhiều nơi trên vùng biển phía Nam. Anh từng đóng quân trên đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa, là lính nhà giàn và giờ đây là nhân viên báo vụ trên tàu HQ621. Dịp Tết năm 2013, anh được nghỉ phép 62 ngày nhưng vừa về đến nhà thì nhận tin phải quay trở lại tàu làm nhiệm vụ đột xuất. Thế là kỳ nghỉ phép 62 ngày rút ngắn còn có 2 ngày. Những chuyện đột xuất như thế là bình thường trong cuộc đời người lính hải quân. Họ vui vẻ gác lại những chuyện riêng tư vì nhiệm vụ với đất nước được đặt lên trên hết. Trung úy Nguyễn Tiến Thành nhớ nhất chuyến đi dài ngày nhất trên  biển trong 86 ngày. Trước mỗi chuyến đi, bao giờ tàu cũng chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, nước uống nhưng chuyến đi đó kéo dài quá số ngày dự định vì họ nhận nhiệm vụ đột xuất. Những ngày cuối cùng, tàu hết cả đồ ăn, nước uống, các chiến sĩ phải sang tàu của dân xin nước. Biết chuyện, các ngư dân không chỉ nhường nước mà còn tặng cả bánh mì, sữa, cả một nồi cơm đang nấu để các anh ăn. Bình thường trên tàu dù nhiều nước, mỗi chiến sĩ cũng chỉ được tắm mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 20 lít nước. Nước luôn được tiết kiệm hết cỡ để còn dành cấp cho nhà giàn và ghe của các ngư dân nếu họ thiếu. Những sự sẻ chia trên biển đầy yêu thương ấy khiến những người lính luôn ấm lòng và không khi nào thấy cô đơn.

VIỆT HÒA


(0) Bình luận
Bài 2: Vật lộn cùng sóng gió