Bài 2: Lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền

07/06/2015 07:01

5 năm sau ngày thành lập, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 trên địa bàn tỉnh, giành chính quyền về tay nhân dân.


>> Bài 1: Mốc son chói lọi




Quảng trường Độc Lập, nơi cách đây gần 70 năm, Thành bộ Việt Minh và quần chúng nhân dân
 tổ chức mít tinh ủng hộ Việt Minh. Ảnh: Thành Chung

Linh hoạt trong chỉ đạo

Để có được thắng lợi này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại. Khi phong trào cách mạng của tỉnh đang trên đà phát triển mạnh thì cuối năm 1940, đầu năm 1941, các đồng chí Tỉnh ủy viên lần lượt bị bắt. Bọn đế quốc thực dân và bè lũ tay sai liên tiếp khủng bố đã làm nhiều cơ sở cách mạng của quần chúng yêu nước trong tỉnh bị phá vỡ. Đầu tháng 3-1945, sau cuộc đảo chính Nhật- Pháp, quân Nhật tuy hoang mang, lo sợ nhưng vẫn còn 400 lính Nhật và 300 lính bảo an có đầy đủ vũ khí trang bị trong tay chiếm giữ thị xã... Bên cạnh đó, do lũ lụt lớn khiến đường sá từ tỉnh xuống huyện, xã đi lại khó khăn trong khi nạn đói vẫn đang hoành hành khắp nơi.

Tuy khó khăn vô vàn nhưng quyết không bỏ lỡ cơ hội đang đến, Đảng bộ tỉnh đã có những chỉ đạo sáng suốt, kịp thời để lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Sau khi có Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương, Tỉnh ủy đã nhanh chóng triển khai nhiều công việc quan trọng, sẵn sàng cho khởi nghĩa.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Văn Kha, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương năm 1945 viết: "Cuối tháng 3-1945, một cuộc họp bí mật được triệu tập tại một ngôi nhà ở phố Hàng Lọng gồm các anh Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Công Hòa, Trần Cung, Hải Thanh và tôi. Sau khi nghiên cứu kỹ chỉ thị rất quan trọng nói trên, chúng tôi bàn làm thế nào để phát triển các hội cứu quốc ở các phủ, huyện... Chúng tôi tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng Hải Dương do tôi làm Bí thư. Cuối tháng 4-1945, chúng tôi tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ ủy viên được cử về để kiểm điểm, gây dựng phong trào lập Hội Cứu quốc". Hội nghị này cũng đã tuyên bố tái lập Tỉnh ủy, Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Kha, Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Công Hòa, Trần Cung, Hải Thanh, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Kha làm Bí thư.

Cuối tháng 5-1945, Tỉnh ủy họp quyết định 4 việc quan trọng, gồm: phát triển rộng khắp các Hội Cứu quốc, xúc tiến lập chiến khu Đông Triều; các huyện phía nam tỉnh như Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang, Vĩnh Bảo, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà... tùy điều kiện mà tổ chức tự vệ vũ trang, tước súng lính khố xanh huyện, huy động quần chúng phá kho thóc của Nhật để cứu đói và xúc tiến thành lập huyện ủy.

Trước tình thế rất khẩn trương của cách mạng, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Hải Dương triệu tập Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh từ ngày 13 đến 17-8 tại Đông Thôn, Thanh Tùng (Thanh Miện) để kiểm điểm lực lượng, chuẩn bị mọi mặt đợi lệnh. Tuy nhiên, khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, hội nghị quyết định phát động toàn dân trong tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền.

Nhanh chóng giành chính quyền

Ngày 17-8-1945, huyện Cẩm Giàng mở đầu cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Không khí ngày khởi nghĩa được tái hiện sinh động trong lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Giàng. "...quần chúng tự vệ từ căn cứ Phú Lộc và một số nơi khác đã tiến vào huyện đường thu vũ khí, sổ sách, triện bạ. Trước sức mạnh của quần chúng cách mạng, tri huyện Nguyễn Thiện Thuật hoảng sợ xuống thuyền chạy trốn nhưng y đến khúc sông thuộc thôn Phiên Thành (Tân Trường) đã bị bắt. Thu vũ khí, sổ sách, triện bạ xong đoàn quân khởi nghĩa kéo về thôn Nga Hoàng (Phượng Hoàng, Cẩm Hoàng ngày nay) mừng thắng lợi. Đoàn quân khởi nghĩa đi đến đâu cũng được quần chúng reo mừng hô vang khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm", tiếp đó cán bộ Việt Minh về thôn Bình Phiên (xã Ngọc Liên) họp, lập ủy ban cách mạng lâm thời".

Cùng ngày, quần chúng nhân dân các huyện Kinh Môn, Kim Thành cũng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.

Tại thị xã Hải Dương, Việt Minh các khu phố tổ chức may cờ, làm băng-rôn, khẩu hiệu với không khí khẩn trương, náo nhiệt. Ngày 17-8-1945, Thành bộ Việt Minh và quần chúng nhân dân đã biến cuộc mít tinh do chính quyền bù nhìn tổ chức thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành qua các phố lớn và dừng lại trước vườn hoa Bảo Đại (nay là quảng trường Độc Lập) tổ chức mít tinh. Đại biểu Việt Minh đứng lên nói rõ 10 chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh và kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia, ủng hộ Việt Minh giành độc lập cho dân tộc. Âm hưởng của làn sóng cách mạng mạnh như thác lũ lan nhanh khắp thị xã. Các đường phố đỏ rực màu cờ cách mạng và biểu ngữ, quần chúng rất phấn khởi.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hải Dương kết thúc chiều 17-8-1945, đánh dấu thắng lợi vang dội của Hải Dương trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy những ngày cách mạng Tháng Tám lịch sử này cũng được tái hiện trong hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Kha. "Cả ngày 18-8-1945, Thành bộ Việt Minh có đủ các giới cứu quốc đã bàn việc thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời thành phố do anh Bạch Năng Thi làm chủ tịch. Ngày 20 và 21-8-1945, Tỉnh ủy họp mở rộng, có các đồng chí phụ trách huyện để bàn việc thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh và các huyện. Chúng tôi nhất trí nguyên tắc là chính quyền cách mạng của Việt Minh phải tiêu biểu cho khối đoàn kết rộng rãi, vừa có đảng viên cộng sản có năng lực làm nòng cốt, vừa có nhân sĩ, trí thức yêu nước tiêu biểu. Hội nghị đã chọn anh Vũ Duy Hiệu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hải Dương và 9 thành viên khác của ủy ban, trong đó có 4 vị nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng. Ngày 25-8-1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra mắt trước 5 vạn người trong một cuộc mít tinh gồm đông đảo quần chúng từ tất cả các phủ, huyện kéo về thành phố trong rừng cờ đỏ sao vàng để ủng hộ chính quyền cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Những ngày cuối tháng Tám 1945 thật vô cùng hào hứng, chúng tôi lần lượt trao đổi với các bí thư huyện ủy về nhân sự chủ chốt trong Ủy ban Cách mạng lâm thời các huyện. Sau đó phân công nhau đi các huyện kiểm tra việc thành lập chính quyền cách mạng ở huyện và một số xã trọng yếu rồi chia nhau đi đôn đốc việc đắp đê chống lụt, sản xuất cứu đói...".

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 trên địa bàn tỉnh đã đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ tỉnh trong việc vận dụng đường lối lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong nghệ thuật lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

HOÀNG NGÂN


(0) Bình luận
Bài 2: Lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền