Để làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là công sức và hy sinh của biết bao người con đất Việt.
>> Bài 1: Làm phá sản kế hoạch bình định của địch
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những kỷ niệm về đồng đội, về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in đậm
trong tâm trí người cựu chiến binh Tăng Bá ToànMột trong số đó là cựu chiến binh Tăng Bá Toàn, sinh năm 1933 ở thôn Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà).
Lên đường vì yêu nướcHồi tưởng lại chuyện cũ, đôi mắt ông Toàn lấp lánh niềm vui: "Vừa tròn 20 tuổi, tôi vào quân ngũ khi cả nước đang hừng hực không khí chiến đấu, tất cả đồng lòng hướng về Điện Biên Phủ”. Vùng du kích, vùng tạm chiếm rung chuyển vì lực lượng kháng chiến của quân ta đang ngày càng lớn mạnh. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc giai đoạn này đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, huy động mọi lực lượng tham gia chiến đấu. Những ngày đầu ra trận thật gian khổ, rét tháng giêng mà chăn chiếu không có, chỉ dùng rơm, rạ giữ ấm, hành quân bí mật bất kể ngày đêm để bảo toàn lực lượng. Gian khổ càng tô đẹp tình đồng đội, họ cùng nhau đan mũ nan, lưới ngụy trang, làm ống đựng nước, may túi cơm, động viên mang vác giúp nhau lúc hành quân. Hạt muối cắn đôi, ngọn rau rừng chia nửa, điếu thuốc lào 7, 8 người cùng hút… Đi đến đâu bộ đội cũng được nhân dân thương yêu như anh em một nhà. Một kỷ niệm ông nhớ nhất trong lúc hành quân là khi đơn vị vượt đèo Pha Đin vào tháng 12-1953. Sau một ngày đêm hành quân vượt núi cao, khe vực hiểm nguy, chân mỏi nhừ không muốn bước, 8 giờ sáng hôm sau đơn vị tới được vị trí trú quân. Trong lúc chờ cơm, thấy bìa rừng rất nhiều ráy, ông đem về đốt lửa nướng. Lúc đó hai đồng chí cùng đơn vị đói quá lấy ăn, bị ngứa như xé, như cào, hai bên mép sùi bọt như hai quả ổi. Cả đơn vị vừa buồn cười vừa thương người “ăn vụng”, trêu “tại đồng chí Toàn nên anh em phải khổ”. Thật may đến chiều cơn ngứa dịu dần, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tháng 2 - 1954, ông đã đón xuân Giáp Ngọ trên chiến trường Điện Biên lịch sử. Lúc đó, ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đội 3, Trung đội 3, Đại đội 202, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.
Lập nhiều chiến côngMùa xuân năm 1954, hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc. Trước khi chiến dịch mở màn, Bác Hồ đã viết thư động viên tinh thần các cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận. Lời lẽ trong thư làm ấm lòng mọi người, ai nấy đều quyết tâm thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. Đêm 13-3-1954, đơn vị ông tham gia tiêu diệt địch trên cứ điểm Him Lam, thuộc phân khu phía bắc, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sáng 14-3, Bộ chỉ huy mặt trận điều đơn vị về khu đông chuẩn bị cho giai đoạn hai đào chiến hào vây ép địch, cắt đứt sân bay, cùng các cứ điểm, khu trung tâm, siết chặt vòng vây xung quanh Điện Biên Phủ. Địch ra sức phản kích, ta tích cực đánh lấn, bắn tỉa, siết chặt thòng lọng.
Trận địa cối 82 mm của đơn vị bố trí trên đồi Long Bua cách dãy đồi C, đồi D do địch chốt giữ khoảng 400 m về phía đông. Đồi Long Bua dài hàng trăm m, chiều rộng từ 15-25 m, không có cây cối lớn. Đơn vị có nhiệm vụ chi viện bộ binh đào chiến hào vây ép địch để đánh lấn, bắn tỉa, đồng thời chế áp địch ở dãy đồi C, đồi D khi ta tiến công các dãy đồi này. Cách trận địa 70 m về phía nam có một cây rừng đường kính khoảng 15-20 cm. Vì cây ở xa nên không ai để ý, không ngờ đó là vật chuẩn để pháo binh địch bắn thử rồi chuyển làn bắn cấp tập vào trận địa quân ta, làm một khẩu pháo hỏng, 4 đồng chí hy sinh, 2 đồng chí bị thương. Xác định được nguyên nhân, đơn vị đã giao cho ông Toàn và một đồng chí khác phải hạ xong cây trong đêm nhưng tuyệt đối giữ bí mật, không được phát ra tiếng động.
Trong điều kiện chiến đấu gần địch, lại chỉ có phương tiện duy nhất là dao nên thực hiện việc này không dễ. Hai đồng chí đã mài dao thật sắc, thu thập giẻ rách, dùi đục, dây rừng, cuốc xẻng. Vừa sẩm tối, hai người nhanh chóng đào hố cá nhân để lấy chỗ trú ẩn. Suốt 9 tiếng đồng hồ hai anh em thay phiên nhau chặt, đẽo, gọt, rồi dùng giẻ bọc thanh gỗ làm dùi đục đập vào sống dao. Người mệt lả, mồ hôi vã ra như tắm, bàn tay phỏng rát, tay chân mỏi nhừ. Bốn lần sơ suất phát ra tiếng động là bốn lần địch bắn như mưa xuống hố cá nhân trú ẩn. Tuy vậy, hai anh em vẫn động viên nhau chậm nhất 5 giờ sáng phải hạ được cây. Gần 5 giờ, xem chừng cây đã có thể kéo đổ, hai người lấy dây rừng buộc vào thân, kéo cây đổ từ từ. Xong việc, hai anh em quay về đơn vị báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Mất vật chuẩn, pháo địch bắn không chính xác, đơn vị phát huy hỏa lực đến mức tối đa, chi viện đắc lực cho xung kích đào chiến hào vây ép địch và tấn công các cao điểm ở phía đông thắng lợi.
Cũng trong trận Him Lam, ông Toàn đã mất đi hai đồng đội. Tổ “tam tam” gồm ông Toàn và các đồng chí Nguyễn Văn Súy, Nguyễn Văn Hính được lệnh sử dụng lựu pháo 105 mm bắn vào cứ điểm Him Lam. Sau khi chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định, tổ 3 người nhanh chóng phát hỏa, quyết liệt trút nhiều loạt đạn xuống trận địa. Nhưng rồi một loạt pháo địch đã nổ trúng khiến đồng chí Súy và Hính hy sinh. Lòng uất hận dâng trào, dù bị thương nhưng ông Toàn quyết không rời trận địa, tiếp tục giữ pháo và bắn liên tiếp về phía kẻ thù. Vài tiếng sau trận chiến kết thúc, thân thể ông thấm đẫm cả máu mình và máu đồng đội. Vì những chiến công đó, ông Toàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Sau này, ông tiếp tục phát huy hào khí Điện Biên bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thống nhất đất nước.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những kỷ niệm về đồng đội, về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm trí người cựu chiến binh Thanh Hà. Với thế hệ trẻ, câu chuyện của người lính Điện Biên năm xưa sẽ là những bài học quý giá về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
VIỆT QUỲNH