Bài 2: Bữa cơm trên đầu sóng

07/02/2015 04:07

Trong điều kiện sóng to, gió lớn, bảo đảm cơm dẻo, canh ngọt cho bộ đội là một công việc đã được họ nâng tầm thành nghệ thuật...






Chuẩn bị bữa cơm trên tàu vận tải 996


Nấu ăn - công việc vốn không hề đơn giản. Đối với những người lính phục vụ trên những con tàu chuyển quân ra Trường Sa, nấu ăn lại càng khó khăn gấp bội phần. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, bảo đảm cơm dẻo, canh ngọt cho bộ đội là một công việc đã được họ nâng tầm thành nghệ thuật.

Bếp cũng đu đưa

Phòng ăn trên tàu 996 - con tàu làm nhiệm vụ chuyển quân ra tuyến đảo phía bắc được mọi người gọi vui là “phòng rèn say sóng” đối với những người lần đầu đi biển. Do được bố trí gần mũi tàu nên biên độ dao động ở đây là lớn nhất. Bữa cơm đầu tiên ở đây, tôi nuốt vội lưng bát đã được chan đầy canh rồi chạy nhanh về phòng nằm bẹp xuống giường. Nếu cố ngồi thêm vài phút nữa, chắc chắn những gì tôi vừa ăn vào sẽ không thể giữ được do ruột gan đang cuộn lên.

Anh Nguyễn Quang Việt, cán bộ Lữ đoàn 146, người phụ trách bếp ăn an ủi: “Hôm nay sóng còn nhỏ đấy, như mấy hôm trước thì vừa ăn vừa phải giữ nồi canh, nếu không chỉ một đợt sóng xô, nồi canh sẽ úp chụp xuống đất ngay. Bát đũa thì cứ chạy từ đầu bàn bên này sang đầu bàn bên kia. Những người mới đi biển lần đầu ăn được miếng cơm cũng mệt mỏi lắm!”. Ngồi ăn còn khó khăn như thế này, chắc chắn việc nấu nướng trên tàu còn vất vả hơn nhiều lần.

Anh Lâm, người có thâm niên gần 7 năm nấu ăn trên tàu cho biết: “Nấu ăn trên tàu khó khăn gấp vạn lần nấu ăn trên đất liền. Mọi người hãy thử tưởng tượng mình đang nấu ăn trong một cái bếp đang đung đưa, đứng cũng không vững, còn nồi niêu, xoong chảo thì cứ như được ai đưa võng. Chỉ cần một cơn sóng lớn là chảo mỡ hoặc nồi nước sôi bắn tung tóe. Lúc đó, người đầu bếp phải dùng dây thừng chằng nồi thật chặt”. Có những lúc sóng to làm tàu nghiêng 450 thì dây chằng cũng không ăn thua. Bao công sức của anh em đổ xuống biển hết. Vì vậy, trực tiếp đứng bếp phải là những người có kinh nghiệm, biết lựa theo con sóng để giữ nồi sao cho cân bằng. Còn đồ đạc, vật dụng ở đây đều được làm bằng nhôm hoặc nhựa để không bị vỡ nếu rơi xuống sàn.

Nấu xong rồi, chuyển đồ ra phòng ăn cũng không hề dễ dàng. Nồi to, chảo lớn, phòng lại hẹp, hai người khênh thì chật, nên một người vừa bê vừa lựa theo chiều sóng. Người lính nấu ăn bước bên nọ vắt sang bên kia như làm xiếc, sao cho nồi canh đầy không bị bắn ra ngoài.

Tận tình, chu đáo

Đối với những người lính làm nhiệm vụ nấu ăn trên tàu hải quân, tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực là tiêu chí luôn được đặt lên hàng đầu.

Trước khi tàu xuất bến hàng chục ngày, họ đã phải triển khai công việc. Từ lên thực đơn, lựa chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm thực phẩm tươi ngon, rẻ và an toàn đến việc đóng gói, vận chuyển xuống tàu, tiến hành cấp đông... đều phải thực hiện nhanh chóng. Đồng thời, tổ phục vụ phải tính toán thời gian chuyến hành trình để mua những loại thực phẩm phù hợp, nhất là rau xanh cho suốt chuyến đi. Những loại rau để được lâu như bí xanh, bí đỏ, su hào, đu đủ, khoai tây được ưu tiên lựa chọn. Kế đến là các loại rau dùng trong thời gian ngắn như rau muống, rau cải, mùng tơi...

Việc nấu ăn trên tàu đã khó khăn, vất vả vì con sóng lại phải phục vụ nhiều đối tượng với các loại thực đơn khác nhau. Tổ phục vụ phải dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để lo bữa ăn cho mọi người. Bữa trưa cũng phải chuẩn bị từ 8 giờ sáng, còn bữa tối từ 2 giờ chiều. Anh Nguyễn Quang Việt cho biết: “Tổ nấu ăn chỉ có 10 người mà phải lo bữa cơm cho mấy trăm con người, thực đơn lại không thống nhất nên mọi người rất vất vả. Trên tàu có nhiều người lần đầu đi biển nên say sóng không thể ăn cơm, tổ phục vụ lại phải nấu cháo, mỳ tôm hoặc món nào đó phù hợp với thể trạng của từng người. Nhiều khi anh em trong tổ mệt rã người, nhưng nhìn thấy cán bộ, chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ lần đầu ra biển mệt lả vì say sóng, cơm không muốn nuốt, mọi người lại động viên nhau cố gắng”.

Mặc dù những người trong tổ phục vụ đều có kinh nghiệm và rất khỏe mạnh, nhưng nhiều lúc sóng to, gió lớn vẫn có người bị say sóng. Anh em lảo đảo chạy ra ngoài nôn xong lại vào làm tiếp.

Anh Lâm chia sẻ: “Đối với những khó khăn, vất vả, hy sinh mà người lính làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa phải đối mặt thì những khó khăn, vất vả của chúng tôi không thấm tháp gì cả. Sau mỗi chuyến công tác, chúng tôi lại được vào đất liền, còn anh em phải biền biệt trên đảo hàng năm trời, thiếu thốn, thiệt thòi đủ đường. Vì thế, chúng tôi luôn luôn động viên nhau cố gắng, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để người lính có bữa ăn ngon, bảo đảm sức khỏe làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đối với chúng tôi và những người lính trẻ lần đầu đi biển, lần đầu biết đến cảm giác khó chịu, nôn nao vì say sóng, thì những bữa ăn ngon miệng, hợp khẩu vị luôn là liều thuốc tinh thần giúp mọi người vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 VỊ THỦY

(0) Bình luận
Bài 2: Bữa cơm trên đầu sóng