Bài 2: Ba lần tích tụ và phân tán ruộng đất

12/06/2017 07:26

Sau khi lập lại hòa bình ở miền Bắc (năm 1954) và thực hiện cải cách ruộng đất, đến nay ruộng đất đã qua ba lần “tích tụ” rồi lại “phân tán”.






Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện để sản xuất lớn. Ảnh: Nguyễn Mơ

Các mô hình tổ chức sản xuất mới được nêu trong bài trước đều có điểm chung là cần có sự tích tụ hay tập trung ruộng đất để có diện tích đủ lớn làm cơ sở cho việc tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Nhưng trong điều kiện ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng như Hải Dương, quy mô diện tích canh tác của hộ nông dân quá nhỏ, việc tích tụ, tập trung ruộng đất đang vấp phải không ít rào cản.

Sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Bắc giành chính quyền về tay nhân dân (tháng 8.1945), nhất là sau khi lập lại hòa bình ở miền Bắc (năm 1954) và thực hiện cải cách ruộng đất, mang lại tư liệu sản xuất (là ruộng đất) về tay nông dân, tính từ đó đến nay ruộng đất đã qua ba lần “tích tụ” rồi lại “phân tán”.

Lần thứ nhất, từ “tích tụ”, ruộng đất phần lớn trong tay địa chủ, phú nông, được “phân tán” chia cho nông dân với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Việc này giải quyết được vấn đề cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ, mang lại sự công bằng cho người dân, xóa bỏ được cái sự mà ta thường gọi là sự bóc lột của địa chủ với người nông dân làm thuê. Trong giai đoạn này, dù tích tụ hay phân tán thì hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng không rõ nét, vì hầu hết vẫn sản xuất thủ công và dựa vào tự nhiên, chưa có tác động của khoa học kỹ thuật.

Lần thứ hai, từ chỗ “phân tán” cho nông dân, ruộng đất lại được “tích tụ” bằng cách vận động nông dân đưa ruộng đất vào sản xuất tập trung trong HTX nông nghiệp với phong trào “Hợp tác hóa”, tổ chức sản xuất tập trung theo sự điều hành của Ban chủ nhiệm HTX. Trong khoảng 20 năm tồn tại (từ những năm 1958, 1960 đến 1980), HTX nông nghiệp ở miền Bắc đã thực hiện và hoàn thành một sứ mệnh mang tính lịch sử, đó là việc đưa sản xuất nông nghiệp tiến lên một bước mới, năng suất cây trồng, vật nuôi, năng suất lao động cao hơn hẳn so với giai đoạn trước đó. Nhờ đó, huy động được lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo kiểu HTX đã bộc lộ những bất cập. Năng suất cây trồng, vật nuôi không những không được nâng lên mà lại giảm rõ rệt, do kiểu làm ăn “cha chung không ai khóc”, phương thức quản lý của HTX lỗi thời không được cải tiến, xã viên không còn gắn bó với HTX, hiệu quả sản xuất nông nghiệp giảm rõ rệt. Khi đó, nhu cầu về một mô hình sản xuất mới mang tính cấp bách, hiện tượng “xé rào”, giao khoán, chia ruộng cho xã viên tự tổ chức sản xuất đã xuất hiện ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc và một số địa phương (trong những năm 1977, 1980).

Lần thứ ba, ruộng đất từ chỗ “tập trung” trong các HTX nông nghiệp lại “bị phân tán”, được giao khoán sản xuất, rồi giao ruộng đất lâu dài cho nông dân tự tổ chức sản xuất với mô hình “kinh tế hộ” thay cho mô hình HTX theo các bước: từ “khoán 100” theo Chỉ thị của Ban Bí thư năm 1981, đến “khoán 10” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị năm 1988, đến thực hiện Luật Đất đai 1993, và cho đến nay.

Có thể nói, “kinh tế hộ” trong sản xuất nông nghiệp khoảng 25 năm, tính từ 1993 đến nay đã góp phần làm nên một kỳ tích trong nông nghiệp, từ chỗ cả nước thiếu lương thực, đến việc dư thừa và hằng năm xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo. Kết quả đó là nhờ kinh tế hộ đã tạo sự chủ động tối đa cho nông dân, họ tự quyết định việc tổ chức sản xuất trên thửa ruộng của mình, nhờ đó năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi đều được nâng cao.

Nhưng chính sự phân tán đất đai quá mức, dẫn đến quy mô sản xuất quá nhỏ của kinh tế hộ đang là rào cản của sự phát triển nông nghiệp, làm chững lại sự tăng trưởng nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế ở nước ta giai đoạn hiện nay.

Kỳ tích của kinh tế hộ trong “lần thứ ba” phân tán ruộng đất thì như vậy, nhưng nông dân vẫn không giàu, chênh lệch giàu nghèo khu vực nông nghiệp ngày càng rõ nét so với các khu vực khác.

Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô kinh tế hộ quá nhỏ bé (kể cả các trang trại), dẫn đến chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm cao khó cạnh tranh, tổ chức sản xuất hàng hóa khó khăn. Nói chung, sản xuất nông nghiệp ở ta hiện nay vẫn mang dáng dấp của nền kinh tế tự cung, tự cấp, có sản phẩm dư thừa thì đem bán, chưa thật sự là một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nền nông nghiệp thực sự là sản xuất nông sản hàng hóa thì mới có thể cải thiện được tình hình hiện nay, mới tạo ra bước ngoặt mới cho ngành nông nghiệp ở nước ta cũng như Hải Dương.

Nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phải dựa trên các yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, quy mô sản xuất trên một chủ hộ hay một tổ chức (doanh nghiệp, HTX) phải đủ lớn để có thể tổ chức sản xuất trên cơ sở nhu cầu của thị trường và áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa.

Thứ hai, bộ máy tổ chức (Ban quản trị HTX, bộ phận điều hành doanh nghiệp) có đủ khả năng quản trị từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hoặc đủ sức thực hiện liên kết giữa các chủ thể của các khâu trong chuỗi giá trị, mà kinh tế hộ với quy mô nhỏ bé không thể thực hiện được.

Thứ ba, có khả năng tự bảo đảm về vốn, hoặc đủ “tư cách” để vay vốn từ các tổ chức tín dụng đáp ứng sản xuất, kinh tế hộ cũng không thực hiện được yếu tố này.

Trong ba yếu tố cơ bản nêu trên thì yếu tố thứ nhất - quy mô sản xuất của một chủ thể là tiền đề để thực hiện các yếu tố tiếp theo. Để có được quy mô sản xuất đủ lớn, không cách nào khác là phải tích tụ ruộng đất. Và như vậy, cần có một cuộc tích tụ ruộng đất "lần thứ tư”. Thực tế các nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã chứng minh quy mô sản xuất liên quan trực tiếp đến hiệu quả sản xuất.

Nhưng tích tụ ruộng đất đang gặp phải những rào cản, cần có những giải pháp phù hợp mới có thể giải quyết được.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Ba lần tích tụ và phân tán ruộng đất