Chủ trương cấm xe tự chế lưu hành đã thực hiện từ lâu nhưng các phương tiện này vẫn hoạt động, lúc lén lút, lúc công khai, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Xe tự chế kéo theo phương tiện khác chở hàng cồng kềnh vẫn xuất hiện nhiều trên các tuyến đường
"Cần câu cơm"Phương tiện làm ăn của anh Nguyễn Văn Nam ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) là xe tự chế nên đã bị cơ quan chức năng tịch thu vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước đây, anh Nam làm nghề bốc vác. Thấy phương tiện này xuất hiện nhiều, cho thu nhập khá nên đầu năm 2016 anh Nam đầu tư 10 triệu đồng để làm một xe tự chế. Mỗi lần chuyên chở thuê hàng hóa và vật liệu xây dựng trong nội thành, anh được trả khoảng 100.000 đồng. Còn các khu vực khác ngoài thành phố thì tùy khoảng cách mà tính thêm tiền. Chủ yếu anh Nam chở cho các chủ hàng quen nên ngày nào cũng có việc dù mưa hay nắng.
Với anh Nam, mỗi ngày được vài trăm nghìn đồng là thu nhập mà trước đây anh luôn mơ ước. Do vậy, khi bị tịch thu phương tiện, anh hẫng hụt, tiếc xe, lo sẽ chuyển sang nghề gì để nuôi vợ con.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở khu 5, phường Tân Bình (TP Hải Dương) là chủ một xe tự chế bị cơ quan chức năng tịch thu trên đường Lê Thanh Nghị vào cuối tháng 9. Chiếc xe này gắn bó với anh từ năm 2014. Hai năm qua, chiếc xe được anh dùng để chuyên chở đồ gỗ cho các hộ ở phố Thống Nhất. Mỗi lần chở hàng, anh Tuấn được chủ hàng trả công khoảng 100.000 đồng. Trước khi bị tịch thu xe, anh Tuấn từng bị công an kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở nhiều lần. "Bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên khoản thu này cơ bản ổn định được cuộc sống. Với lại, không làm nghề này thì tôi chẳng biết làm nghề gì", anh Tuấn phân bua.
Không chỉ ở TP Hải Dương, hiện nay xe tự chế cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương khác trong tỉnh. Xe tự chế vừa chở hàng vừa đưa đón học sinh. Để thuận lợi cho việc chở các cháu từ nhà đến trường và từ trường về nhà, các chủ xe máy chế thêm mái che, khoang chở khách và ghế ngồi. Còn lại, hệ thống phanh hãm, còi đèn vẫn giữ nguyên. Tùy theo cung đường, mỗi gia đình học sinh trả từ 180.000 - 200.000 đồng/tháng. Một chiếc xe chở được khoảng 10 học sinh, mỗi ngày chỉ chở từ 2-4 chuyến nên chủ xe có thể tranh thủ làm công việc khác mà lại có khoản thu 2 triệu đồng/tháng nên xe tự chế chở học sinh ở các vùng nông thôn xuất hiện khá nhiều trong những năm gần đây.
Ông Trần Văn Bảo ở đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương), người chuyên thuê xe tự chế của những người như anh Nam, anh Tuấn chở hàng cho rằng thuê xe tự chế giá rẻ lại có thể chở hàng đến từng ngõ ngách. Cũng một lần thuê, không ai gọi ô tô tải vận chuyển hàng nếu có xe tự chế ở ngay đầu ngõ.
Như vậy, xe tự chế không chỉ là phương tiện mang lại thu nhập cho chủ xe mà còn giúp chủ hàng giảm chi phí và tiện lợi. Đây là lý do chính khiến xe tự chế xuất hiện ngày càng nhiều.
Mới chỉ giải quyết phần ngọnHiện không có thống kê chính xác về tổng số xe tự chế đang lưu hành thường xuyên từ các vùng nông thôn cho đến thành thị. Bởi lẽ nhiều chiếc xe chỉ cần tháo thùng hàng tự chế là trở về thành xe máy. Trong tỉnh đã xuất hiện một số nơi chuyên lắp ráp xe tự chế, thậm chí người dân tự thay đổi xe máy của mình thành xe tự chế.
Đa số xe tự chế này nghênh ngang tham gia giao thông, một số ít chỉ hoạt động trong các công trường xây dựng, khu lò gạch, vùng chuyển đổi. Nhiều xe được tận dụng lại từ mô tô, xe gắn máy nên mức độ an toàn rất thấp, nhiều xe không còi, đèn, hệ thống phanh kém... Nhiều xe chở hàng cồng kềnh, hàng sắc nhọn như tôn, kính, thanh sắt... cực kỳ nguy hiểm đối với tính mạng của người đi đường. Mặc dù chưa có thống kê về số vụ va chạm hoặc tai nạn giao thông liên quan đến xe tự chế, nhưng rõ ràng các loại xe này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Các xe chở hàng cồng kềnh, di chuyển chậm khiến tốc độ của các phương tiện khác bị ảnh hưởng.
Dù biết đây là phương tiện mưu sinh của nhiều người song không vì thế mà không xử lý. Bởi lẽ hầu hết các phương tiện này không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, con số phương tiện vi phạm bị xử lý còn rất ít, mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh khẳng định: Việc quản lý xe công nông, xe tự chế, phương tiện kéo theo xe khác, vật khác ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, cần kiên quyết xử lý loại phương tiện này để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
TIẾN HUY - LAN ANH
Để bảo đảm an toàn giao thông, xử lý xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, ô tô hết niên hạn sử dụng; xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, cuối tháng 9, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức kiểm tra ở 6 trong tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Theo đại diện đoàn kiểm tra, mặc dù trước đó cơ quan chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều chủ xe vẫn vi phạm. Qua đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 34 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 21 xe công nông, tự chế; 10 phương tiện kéo theo xe khác, vật khác; 1 ô tô hết hạn đăng kiểm...
|