Bài 1: Nghị quyết hợp lòng dân

04/03/2015 03:42

Chi bộ có mạnh thì Đảng mới mạnh. Do vậy, chi bộ thôn, khu dân cư đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương...




Hội nghị giao ban bí thư chi bộ cụm 4, huyện Ninh Giang ( ảnh tư liệu)


"Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm Đảng ta rút ra trong 85 năm xây dựng và trưởng thành. Đối với mỗi chi bộ, sự lãnh đạo đúng đắn thể hiện ở việc ra nghị quyết “trúng” và “đúng”. Nghị quyết của chi bộ phải gắn với yêu cầu của cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Sát yêu cầu cuộc sống

Đi trên những con đường sạch sẽ của phường Cộng Hòa (Chí Linh) hôm nay không thể tưởng tượng cách đây chỉ hơn 1 năm, những con đường này hằng ngày vẫn bị những chiếc xe tải hạng nặng chuyên vận chuyển khoáng sản khai thác trái phép cày nát. Đồng chí Nguyễn Thị Nụ, Bí thư Chi  bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cộng Hòa 1 nhớ lại, trước đây tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra phức tạp trên địa bàn, cả phường "như công trường", lúc nào cũng bụi mù mịt; vườn, đất nhiều nhà tan hoang vì bị xới lên đào xuống. Người già, trẻ em không dám đi ra đường.

Tình trạng trên chỉ chấm dứt khi Đảng ủy phường quyết tâm “vào cuộc” ngăn chặn bằng việc ban hành nghị quyết chuyên đề về quản lý đất đai, ngăn chặn, xử lý khai thác khoáng sản trái phép.

Khi nghị quyết được Đảng bộ thông qua, một số đảng viên vẫn muốn bán chui vườn, đất cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Nhưng với quyết tâm lập lại trật tự trên địa bàn, Đảng ủy đã đề ra các biện pháp cụ thể, trong đó coi trọng việc nắm tình hình dư luận, chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân, hội viên không lén lút bán khoáng sản…

Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Công Chương cho biết, ngay sau khi Đảng ủy ban hành nghị quyết, 10 chi bộ thôn, khu dân cư trong phường đồng thời cụ thể hóa bằng các nghị quyết riêng. Một số chi bộ thôn ở khu vực "điểm nóng" về khai thác khoáng sản trái phép như thôn Trúc Thôn, Cầu Dòng, Trúc Cương... đã xây dựng nghị quyết gắn với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên bằng việc xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm. Trong năm 2014, có 1 đảng viên ở thôn Trúc Cương cố tình vi phạm đã bị xử lý cảnh cáo. Căn cứ nghị quyết của các chi bộ, đảng viên, nhân dân các thôn, xóm trong phường đã xây dựng các barie chắn các tuyến đường xe ô-tô tải chở khoáng sản thường hay ra, vào. Chỉ sau 4 tháng thực hiện nghị quyết, tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi tại Cộng Hòa đã giảm dần rồi chấm dứt, nhân dân không thể bán chui khoáng sản.

Cũng xuất phát từ việc gắn bó, hiểu rõ nguyện vọng chính đáng của nhân dân muốn có những con đường sạch sẽ, khang trang trong thôn xóm, cuối năm 2013, Chi bộ thôn Vĩnh Mộ, xã Lê Hồng (Thanh Miện) đã nghiên cứu, ban hành nghị quyết chuyên đề về việc hoàn thiện đường giao thông nông thôn. Nghị quyết được đa số đảng viên tán thành, nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn như việc huy động nguồn vốn, vận động nhân dân hiến đất…

Tranh thủ ý kiến của đảng viên và nhân dân qua nhiều cuộc họp công khai, chi bộ đã tìm được cách huy động nhân dân các cụm, xóm dân cư với phương thức tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Sau gần 1 năm thực hiện nghị quyết, chính bí thư chi bộ cũng bất ngờ trước kết quả đạt được. Hơn 95% đường trong thôn được đổ bê-tông bằng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh và số tiền đóng góp gần 900 triệu đồng của nhân dân. Có cụm xóm, mỗi nhân khẩu đóng góp tới 3 triệu đồng để làm đường. Một số đảng viên, nhân dân hiến hàng chục m2 đất để mở rộng các tuyến đường.

Ông Trần Trung Thành, Trưởng thôn Vĩnh Mộ cho biết, nếu không có nghị quyết của chi bộ, thôn không thể hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa và xây dựng giao thông nông thôn sớm như thế. Từ việc phải tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các hội, đoàn thể, các phong trào đã nhanh chóng trở thành một “cuộc thi” giữa các cụm, xóm dân cư. Năm 2015, thôn sẽ tiếp tục hoàn thiện mục tiêu của nghị quyết với 100% đường trong thôn, đường ra đồng được bê-tông hóa.



Từ nghị quyết của chi bộ, nhân dân thôn Vĩnh Mộ (Lê Hồng, Thanh Miện)
 đã chung sức bê-tông hóa được 95% số đường thôn, xóm

Giải pháp phù hợp

Tại hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn tỉnh năm 2014, phát biểu về “thắng lợi” trong công tác dồn điền, đổi thửa ở huyện Thanh Miện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Miện Vũ Mai Lý một lần nữa khẳng định về sức mạnh to lớn của các cấp ủy đảng, đặc biệt của các chi bộ “chân tre” trong việc vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các nghị quyết. Vốn là một huyện có "tiếng xấu" về  việc có nhiều hộ nông dân viết đơn xin bỏ ruộng, đến nay Thanh Miện có 17/19 xã đã và đang tiến hành dồn điền, đổi thửa. Bình quân trước đây từ 5,3 thửa/hộ, giờ rút xuống còn 1,7 thửa/hộ, diện tích mỗi thửa nâng lên 1.230 m2. Cả huyện không còn cảnh bỏ hoang ruộng đồng. Đồng chí Lý khẳng định, ở nơi nào cấp ủy, đảng viên đoàn kết, thống nhất cao, chọn trúng, đúng vấn đề, nội dung nhân dân mong mỏi, xây dựng và ban hành nghị quyết gắn với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đề ra được giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi, nơi đó sẽ sớm thành công.

Không chỉ ở Thanh Miện, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các chủ trương của Đảng đã được từng chi bộ cụ thể hóa bằng các nghị quyết phù hợp. Một số nơi có những cách làm sáng tạo, như chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể tăng cường vận động xã hội hóa, phân kỳ đóng góp, có chính sách miễn, giảm các khoản thu đối với hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... trong xây dựng nông thôn mới.
Để nghị quyết của Đảng thực sự là “nghị quyết của lòng dân”, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân đòi hỏi mỗi cấp ủy đảng phải thực sự biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chọn đúng các vấn đề xuất phát từ thực tiễn để đưa vào nghị quyết. Đối với chi bộ "chân tre", những vấn đề trên càng có ý nghĩa.

NGUYỄN THU

(0) Bình luận
Bài 1: Nghị quyết hợp lòng dân