Bài 1: Mốc son chói lọi

06/06/2015 15:33

Ngày 10-6-1940 đã đi vào lịch sử Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà như một sự kiện chính trị trọng đại. Đó là ngày thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương


LTS: Chào mừng 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương (10-6-1940 - 10-6-2015), báo Hải Dương khởi đăng loạt bài "Đảng bộ tỉnh - những chặng đường phát triển"



Tại ngôi nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá, Hợp Tiến (Nam Sách), ngày 10-6-1940 đã diễn ra sự kiện
thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương . Ảnh tư liệu


Ngày 10-6-1940 đã đi vào lịch sử Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà như một sự kiện chính trị trọng đại, ghi một dấu mốc mới trên con đường đấu tranh cùng cả nước vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là ngày thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương

Những ngày đầu tháng 5, cùng 125 gương mặt xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh, chúng tôi trở lại thăm Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách). Nơi đây, nhà cụ Lê Thị Thạnh - địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh - nay đã được xây dựng thành nhà bia ghi dấu sự kiện trọng đại này. Công trình nhà bia có tổng diện tích trên 900 m2, kinh phí đầu tư khoảng 7 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh đã trở thành địa điểm tham quan, giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh, thiếu niên. Đọc xong những dòng chữ khắc trên tấm bia lưu niệm, bác Bùi Thanh Tân ở thôn Đan Bối, xã Ninh Thành (Ninh Giang) xúc động cho biết do được tham gia chuyến đi ý nghĩa này, bác mới biết đây là nơi Đảng bộ tỉnh ra đời, mới biết sự hy sinh, đóng góp của các đồng chí đảng viên lão thành cho sự nghiệp cách mạng lớn biết chừng nào.

Lời giới thiệu trầm ấm của cô nhân viên phụ trách văn hóa xã Hợp Tiến đưa đoàn khách tham quan trở lại dòng lịch sử vào cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX. Khi ấy, một số thành viên của tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng, như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Hới, Trần Cung... về tỉnh truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyên truyền vận động cách mạng. Nhiều cơ sở cách mạng đã hình thành như: Mỏ than Mạo Khê (Đông Triều), Thượng Cốc (Gia Lộc), Đọ Xá (Chí Linh), phố Cựu Thành (TP Hải Dương)… Phong trào vận động cách mạng giai đoạn này tuy chưa phát triển rộng khắp nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ quần chúng cách mạng, chuẩn bị cơ sở chính trị xã hội cho việc thành lập các tổ chức Đảng sau này.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới. Ngay sau khi Đảng ra đời, hai chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh cũng được thành lập, gồm: Chi bộ mỏ than Mạo Khê, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ tổ chức và Chi bộ Đọ Xá (Chí Linh) do đồng chí Trần Cung tổ chức. Các chi bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, kịp thời kêu gọi nhân dân đấu tranh, hưởng ứng phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh.

Cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (quê ở Thanh Tùng, Thanh Miện) - một cán bộ cách mạng của Đảng đã vượt ngục Hỏa Lò (Hà Nội) về Ấp Dọn (Bình Giang) hoạt động. Tại đây, đồng chí đã viết và phát hành báo “Công nông” - tờ báo cách mạng đầu tiên ở Hải Dương để tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển cơ sở cách mạng.

Mùa hè năm 1936, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm tập trung mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hoà bình. Từ đây, phong trào cách mạng ở tỉnh ta tiếp tục phát triển. Nhiều tổ chức dân chủ đã được thành lập ở thị xã Hải Dương, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng, Vĩnh Bảo... Năm 1937, đồng chí Lê Thanh Nghị (quê Thượng Cốc, Gia Lộc) được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Dương xây dựng cơ sở cách mạng, đã chủ trì cuộc họp thống nhất phong trào thanh niên dân chủ trên phạm vi toàn tỉnh.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào dân chủ, tháng 8-1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Xứ uỷ viên Bắc Kỳ đã về Hải Dương kiểm tra, chỉ đạo phong trào và công nhận việc thành lập 3 chi bộ đảng, bao gồm: Chi bộ Nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ thị xã Hải Dương, Chi bộ xã Cổ Am (Vĩnh Bảo). Sau khi các chi bộ được thành lập, phong trào cách mạng ở các địa phương được tiếp thêm sức mạnh mới. Sách báo công khai của Đảng, của các đoàn thể dân chủ như “Tin tức”, “Dân chúng”, “Đời nay”...được truyền bá rộng rãi. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, học sinh, trí thức đòi tự do lập hội... bước đầu đã đem lại một số quyền lợi thiết thực cho quần chúng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào tiền đồ cách mạng.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Chính phủ Pháp đã phản bội nhân dân Pháp và đi theo con đường phát xít. Trước tình hình trên, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11-1939) đã quyết định chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình mới, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt, thành lập Mặt trận phản đế và chuyển trung tâm hoạt động về nông thôn. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Liên tỉnh B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai) được thành lập và chọn Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách) làm trung tâm hoạt động. Tháng 5-1940, Chi bộ Tạ Xá, Chi bộ Trại Chua, Hàm Ếch (Chí Linh) được thành lập. Nhiều nơi trong tỉnh đã hình thành tổ chức phản đế và hoạt động tích cực.

Trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh. Được sự đồng ý của Xứ ủy Bắc Kỳ và Liên Tỉnh ủy B, ngày 10-6-1940, Đảng bộ tỉnh Hải Dương với Ban Tỉnh ủy lâm thời được thành lập gồm 3 đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Tấn Phúc, do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư.

Sự kiện thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời đã khẳng định bước trưởng thành và phát triển mới về chất của phong trào cách mạng Hải Dương. Đây là bước ngoặt của phong trào cách mạng khi có một tổ chức Đảng thống nhất trong toàn tỉnh. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh khẳng định sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Đảng Cộng sản trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương, đã vận dụng nguyên lý, tư tưởng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh thực tiễn cách mạng. Đây cũng là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới, cao hơn, quyết định hướng đi và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất phong trào cách mạng. Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường xây dựng lực lượng, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị cùng cả nước tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

PV


(0) Bình luận
Bài 1: Mốc son chói lọi