Bài 1: Khơi dậy nguồn lực trong dân

13/12/2012 04:43

Tuy mới làm trong diện hẹp nhưng nguồn lực trong dân bước đầu được khơi dậy, ý thức làm chủ của người dân được đánh thức...



Đến nay, xã Đồng Lạc (Nam Sách) đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới


Chúng tôi đến trụ sở xã Đồng Lạc (Nam Sách) đúng lúc các đồng chí lãnh đạo xã đang có mặt đông đủ trong phòng Đảng ủy. Sau ít phút thăm hỏi, chuyện trò, chúng tôi đặt câu hỏi:


- Đồng Lạc là một trong 4 xã của huyện Nam Sách triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1. Theo các anh, tâm tư của người dân trong xã trước vấn đề này thế nào?

Đồng chí Lê Văn Phàn, Chủ tịch UBND xã nói ngay:

- Dân rất phấn khởi. Vì qua xây dựng NTM bà con thấy rõ Đảng và Nhà nước thực sự quan tâm đến nông dân, nông thôn. Mà thực tế dân cũng được hưởng lợi do Nhà nước mang đến từ chương trình xây dựng NTM, qua việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa. Rõ nhất là dân được vay vốn thực hiện các đề án phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua máy móc, nông cụ…

Tiếp lời Chủ tịch Phàn, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Xuân Sơn cho biết thêm: Cũng qua xây dựng NTM mà quy tụ được các cấp, các ngành, đoàn thể hướng vào nông thôn, góp sức xây dựng nông thôn một cách thiết thực. Chẳng hạn, vừa qua xã đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về giúp xây dựng ở mỗi khu dân cư một tổ thu gom rác thải,  tạo cho người dân có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thôn xóm. Xây dựng NTM tạo niềm phấn khởi mới trong nhân dân và cũng đồng thời khơi dậy nguồn lực trong dân. Vì thế, mới triển khai chương trình xây dựng NTM được 2 năm, nhưng xã đã làm được một số việc mà nếu trước thì phải làm vài năm, như làm đường, làm khuôn viên các trường học, trạm y tế, nâng cấp  nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang nhân dân các thôn… Chỉ tính số tiền dân đóng góp đã tới 4,5 tỷ đồng, chưa kể hàng nghìn ngày công lao động.

Lâu nay không ít người cho rằng nguồn lực trong nông dân, nông thôn ta còn nhiều (cả nhân lực, vật lực, tài lực), nhưng làm thế nào để khơi dậy nguồn lực ấy thì vẫn là bài toán nan giải. Nhưng qua những gì “mắt thấy tai nghe” ở một số xã xây dựng NTM giai đoạn 1, chúng tôi thấy đây chính là “chìa khóa” giải bài toán về khơi dậy nguồn lực trong dân để công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần văn minh, hiện đại, thực hiện công bằng, dân chủ trong nông thôn. Xoay quanh vấn đề này, đồng chí Trần Văn Biếc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ, một trong 5 xã ở huyện Tứ Kỳ thực hiện giai đoạn 1 xây dựng NTM, cũng đồng tình với chúng tôi, và từ thực tế ở xã, đồng chí nói rõ thêm:

- Khi được quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, nông dân phấn khởi lắm. Vì đây chính là con đường nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo mặt bằng xã hội trong nông thôn, mà chủ thể xây dựng nông thôn mới chính là nông dân, đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước. Mọi việc như làm đường giao thông, thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lao động, phát triển ngành nghề đến xây dựng các công trình phúc lợi, văn hóa, giáo dục, y tế đều do dân làm là chính, trên cũng hỗ trợ, nhưng địa phương vẫn phải chủ động, chứ không thể trông chờ Nhà nước cấp kinh phí mới làm.

Đồng chí Biếc dẫn ra việc làm cụ thể để minh chứng cho sự đồng thuận của nhân dân trong xã với chương trình xây dựng NTM, từ đó khơi dậy được nguồn lực trong dân, nên gần như cùng lúc xã trùng tu được cả ba di tích. Xã Tân Kỳ có ba di tích được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1998, là chùa Nghi Khê, đình Quỳnh Đôi, đình Ngọc Lâm. Trước đây cũng đã trùng tu, nhưng chỉ làm được từng phần, chắp vá, vì kinh phí chủ yếu trông chờ trên cấp. Nhưng khi thực hiện chương trình xây dựng NTM thì xã vận dụng chủ trương xã hội hóa (XHH) và đưa ra đề án trùng tu toàn bộ kết cấu hạ tầng ba di tích, được nhân dân, cả người ở quê và người xa quê, đồng tình ủng hộ. Chỉ hơn một năm, từ giữa 2010 đến tháng 9-2011, Tân Kỳ hoàn thành trùng tu ba di tích xứng tầm di tích quốc gia, với tổng chi phí gần 4 tỷ đồng, trong đó, tỉnh đầu tư 800 triệu, còn 3,2 tỷ dân đóng góp. Nhưng cái được lớn nhất qua việc làm này là nhân dân trong xã thấy rõ lợi ích thiết thực của xây dựng NTM là tạo điều kiện phát huy nguồn lực trong dân, làm lợi cho dân bằng những công trình và đề án nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.



Xã Cộng Hòa (Kim Thành) bê-tông hóa nhiều tuyến đường xe ô-tô tải vào được


Không chỉ ở Tân Kỳ, Đồng Lạc, mà cả ở những nơi chúng tôi đến như Cộng Hòa (Kim Thành), Nam Chính (Nam Sách) đều nghe các đồng chí lãnh đạo xã hồ hởi báo tin vui, tuy mới triển khai được hai năm, nhưng chương trình xây dựng NTM đã và đang đi vào cuộc sống, được đông đảo nhân dân đồng thuận bằng những việc làm thiết thực, góp phần tạo ra sức bật mới trong nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn hôm đến xã Cộng Hòa, đồng chí Nguyễn Thị Diệu Huyền (Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã) cung cấp cho chúng tôi những “con số biết nói”: 13 km đường thuộc ba thôn Tường Vu, Lai Khê, Thanh Liên vừa được chỉnh trang, đều do nhân dân đóng góp. Chỉ tính số tiền tổ chức, cá nhân ủng hộ đã tới mấy trăm triệu, người góp tiền, người góp vật tư, có tập thể ủng hộ tới 500 m3 đá, trị giá 90 triệu đồng, hai ông Bùi Quang Sản, Bùi Quang Gắng ủng hộ 45 tấn xi măng, trị giá 45 triệu đồng, Đại đức Thích Quảng An 10 triệu đồng…

Qua làm việc, chuyện trò với các đồng chí và bà con ở những nơi chúng tôi đến đều toát lên một điều: từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, tuy mới làm trong diện hẹp (bình quân mỗi huyện 5 xã) nhưng nguồn lực trong dân bước đầu được khơi dậy, ý thức làm chủ của người dân được đánh thức, tinh thần cộng đồng được đề cao, đang là động lực tạo ra những thay đổi trong sản xuất và đời sống ở nông thôn.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 1: Khơi dậy nguồn lực trong dân