Bài 1: Khi tư tưởng đã thông

30/07/2015 04:28

Phong trào dồn điền đổi thửa bắt nguồn từ Thanh Miện đã lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh, tạo cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng...



Tuyên truyền, vận động tốt là một trong những yếu tố giúp nhiều địa phương ở Thanh Miện dồn điền, đổi thửa thành công.
 Trong ảnh: Sau dồn điền, đổi thửa, gần 100% diện tích ở xã Đoàn Tùng được làm đất bằng máy


Thực hiện chủ trương của tỉnh, nhiều địa phương đã tích cực triển khai dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, góp phần xóa ruộng hoang, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Phong trào DĐĐT khởi nguồn từ Thanh Miện đã lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh, tạo cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 241 thôn ở 73 xã đã triển khai DĐĐT trên thực địa với tổng diện tích đã DĐĐT là 10.064 ha. Báo Hải Dương xin giới thiệu một số kinh nghiệm bước đầu rút ra từ thực tế quá  trình DĐĐT ở các địa phương.


Coi trọng tuyên truyền

Cánh đồng thôn Ba Hai, xã Lê Hồng (Thanh Miện) mới sáng sớm đã nhộn nhịp như một công trường. Trên những thửa ruộng vuông vức, máy cày, máy cấy hoạt động hết công suất. Nông dân tranh thủ be bờ, bơm nước để cấy nhanh cho kịp thời vụ. Ông Nguyễn Phương Cam, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng kể: "Cuộc họp triển khai đề án DĐĐT đầu tiên của xã diễn ra căng thẳng. Cán bộ xã mỗi người một ý, người đồng tình cũng nhiều và người phản đối cũng không ít. Cuộc họp rơi vào bế tắc, cả hội trường im lặng mà không kết luận được có DĐĐT hay không. Do tư tưởng của một số cán bộ chưa thông nên tôi quyết định đưa mọi người đi tham quan mô hình DĐĐT ở thôn Đông Bích, xã Hồng Quang ngay cạnh. Sau khi được "mục sở thị" những cánh đồng lớn, cách làm ăn bài bản của người dân Đông Bích, tất cả cán bộ đã hiểu rõ được ý nghĩa và ủng hộ chủ trương DĐĐT của xã". Tháng 6-2013, Lê Hồng bắt đầu triển khai đề án DĐĐT thì đến năm 2014 tất cả 9 thôn trong xã đã hoàn thành DĐĐT.

Khơi thông tư tưởng cho cán bộ đã khó, vận động tuyên truyền để người dân đồng thuận còn khó hơn. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc DĐĐT đối với sản xuất nông nghiệp, một số khác vẫn còn hoài nghi, tính toán thiệt hơn, ngại thay đổi nên không dễ đồng tình DĐĐT. “Chúng tôi nghĩ ngay đến cách tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa. Những vấn đề gai góc, khó hiểu của DĐĐT đã được chúng tôi truyền tải thông qua vở chèo Tấc đất, tấc vàng. Vở chèo do Chi hội Phụ nữ thôn Lâm Cầu đảm nhiệm đã được biểu diễn tại tất cả các thôn xóm của xã. Bằng hình thức tuyên truyền này, người dân Lê Hồng không những đã hiểu thông mà còn đồng tình, ủng hộ việc DĐĐT của xã", ông Cam cho biết thêm.

Không chỉ ở Thanh Miện, công tác vận động, tuyên truyền cũng được huyện Cẩm Giàng đặc biệt coi trọng. Ông Vương Đình Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định: “Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền vận động thì việc DĐĐT ở nhiều địa phương của Cẩm Giàng rất khó thực hiện. Thực tế cho thấy chủ trương DĐĐT đúng nhưng làm thế nào để triển khai được trong thực tiễn lại không hề đơn giản. Do đó, trước hết, chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn về  DĐĐT cho cán bộ, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp của các xã chu đáo, tỉ mỉ. Trong quá trình tập huấn, chúng tôi đề cập đến những tình huống, vướng mắc ở các địa phương khác trong tỉnh hoặc những khó khăn ngay tại một số địa phương trong huyện cùng thảo luận tháo gỡ".

Bên cạnh đó, trước khi triển khai đề án DĐĐT, Cẩm Giàng đã chủ động đề xuất các giải pháp tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Đầu tiên, huyện tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Sau đó, huy động các tổ chức hội từ cấp huyện đến cấp xã vào cuộc. Cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ vận động người thân trong gia đình trước, sau đó đến những người cùng thôn, xóm. Một số địa phương còn tuyên truyền bằng cách tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số địa phương làm tốt của Ninh Giang, Thanh Miện... Hình thức tuyên truyền không chỉ đa dạng mà còn cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu đúng.

Dân hiểu, dân tin


Nhờ được nhân dân đồng thuận nên việc dồn điền, đổi thửa ở xã Hồng Khê (Bình Giang) hoàn thành sớm hơn so với dự kiến.
Trong ảnh: Máy gặt thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn sau dồn điển, đổi thửa


Để DĐĐT, nông dân xã Lê Hồng (Thanh Miện) phải đóng góp từ 300.000-350.000 đồng/nhân khẩu. Số tiền này không nhỏ nhưng khi người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của DĐĐT thì họ không chỉ sẵn lòng góp tiền của mà còn tình nguyện bỏ hàng chục ngày công, hiến hàng trăm m2 đất. Ông Phạm Văn Cường ở thôn Phí Xá cho biết: “Nhà tôi có 6 sào ruộng thì 4 sào đều ở gần nhà, gần đường, dễ canh tác nên tôi không muốn DĐĐT. Thế nhưng sau khi được xã cho đi tham quan mô hình sản xuất ở nhiều nơi trong huyện, tôi đã thấy được tác dụng thiết thực của việc tích tụ ruộng đất. Do đó, gia đình tôi đã tình nguyện hiến đất và dành nhiều ngày công cùng nhân dân trong thôn chỉnh trang đồng ruộng”.


Ban đầu việc triển khai DĐĐT ở Nam Hồng (Nam Sách) ngỡ như "đi trong hầm tối" bởi người dân Nam Hồng cho rằng cán bộ xã nóng vội, thấy nơi khác làm cũng làm theo. Để dân hiểu, đồng tình với việc DĐĐT của xã, Tiểu ban DĐĐT của các thôn đã "đi từng nhà, rà từng người", đặt hòm thư ở mọi nơi để nhân dân góp ý kiến. Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã cởi mở đón tiếp dân tại trụ sở, tại nhà bất kể sớm khuya để giải thích cho dân hiểu về DĐĐT... "Mới đầu chúng tôi băn khoăn nhiều thứ lắm. Liệu DĐĐT một số ruộng tốt có rơi vào tay ai đó, sau DĐĐT có canh tác thuận lợi không... Sau nhiều lần họp, được cán bộ xã giải thích cặn kẽ nên tôi thấy DĐĐT là cần thiết. Người dân chúng tôi cần phải dẹp ích kỷ cá nhân để DĐĐT. Như vậy mới mong khá lên được từ nông nghiệp", bà Nguyễn Thị Vui ở thôn Đụn nói.  

Ở Ninh Giang, việc DĐĐT trở nên dễ dàng hơn khi các địa phương chia sẻ với nhau kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục người dân hưởng ứng phong trào này. Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang cho biết: “Sẽ không có chuyện người dân sẵn sàng hiến hàng chục m2 đất, cùng nhau xuống đồng đắp bờ, đo ruộng nếu không thấm tác dụng của việc DĐĐT. Từ kinh nghiệm DĐĐT ở Hồng Thái và Ninh Thành, chúng tôi đã định hướng tuyên truyền về DĐĐT cho người dân các xã khác. Hình thức tuyên truyền đa dạng, từ tổ chức cho nông dân được đi tham quan những cánh đồng sau DĐĐT ở Thanh Miện đến tuyên truyền thông qua các hội nghị, các hội thi... Nhờ đó mà Ninh Giang luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tiến độ DĐĐT”.

Thực tế cho thấy, do thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động mà nhiều địa phương trong tỉnh đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó sớm hoàn thành việc DĐĐT. Để thực hiện tốt DĐĐT, phải coi trọng việc tuyên truyền, vận động, để từ cán bộ đến nhân dân đều hiểu và ủng hộ chủ trương lớn này. Đúng như ông Nguyễn Phương Cam, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng đã nói: "DĐĐT giống như một cuộc cách mạng trên đồng ruộng. Mà cách mạng muốn thành công phải coi trọng tuyên truyền, vận động".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua, nhờ vận động tuyên truyền tốt mà nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 24 tỷ đồng để thực hiện DĐĐT. Ngoài ra, nông dân còn bỏ hàng nghìn ngày công và hiến hàng nghìn m2 đất để phục vụ chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố kênh mương và làm đường nội đồng. Làm tốt việc tuyên truyền, vận động là một trong những nguyên nhân giúp nhiều địa phương trong tỉnh DĐĐT thành công.


NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 1: Khi tư tưởng đã thông