Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao tại thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng (TP Hải Dương)
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ngành nông nghiệp phát triển vẫn thiếu ổn định và còn nhiều hạn chế. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xu hướng tất yếuHải Dương được đánh giá là vựa nông sản của miền Bắc với những cánh đồng sản xuất lúa tập trung, vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả trù phú, tốt tươi. Mặc dù tiềm năng lớn nhưng giá trị sản xuất chưa cao, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp khiến nhà nông làm ăn ngày càng bấp bênh, khó kiểm soát hơn. Thiên tai sẽ kéo theo dịch bệnh đe dọa tới trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều năm gắn bó với nghề nông, ông Đỗ Văn Hoành ở xã Quyết Thắng (Ninh Giang) than thở: “Nông dân mất nhiều công sức nhưng thành quả lại phải trông chờ vào thời tiết. Do thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, nắng mưa không tuân theo quy luật nên nhà nông luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nếu không có giải pháp khắc phục tình trạng này thì e rằng người dân sẽ không còn thiết tha với đồng ruộng”.
NNCNC với những kỹ thuật sản xuất được tích hợp từ nhiều ngành, lĩnh vực sẽ giúp nông nghiệp không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trước. Thay vì ứng phó bị động, ngành nông nghiệp có thể chủ động thích nghi trước những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với quá trình công nghiệp hóa. Quy hoạch về giao thông, thủy lợi phục vụ nông nghiệp bị phá vỡ, chuyển dịch lao động theo hướng bất lợi, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp. Thực tế này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với ngành nông nghiệp. Nếu nắm bắt được cơ hội, chúng ta sẽ làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn tăng khả năng xuất khẩu. Ngược lại, nếu không vượt qua được thách thức, chúng ta sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà, tự biến mình thành thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các nước khác. Nhiều nông sản Hải Dương như vải thiều, cà rốt, cải bắp, dưa chuột... đang từng bước tiếp cận được những thị trường lớn, khó tính nhưng số lượng vẫn còn hạn chế do chưa bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Để nông sản có thể tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ đối tác thì sản xuất nông nghiệp phải bài bản, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang (Cẩm Giàng), nếu không phát triển NNCNC thì ngành nông nghiệp của Hải Dương nói riêng, của cả nước nói chung sẽ thụt lùi và tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Doanh nghiệp là đòn bẩy
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương)
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất NNCNC, Chính phủ không chỉ nâng gói tín dụng hỗ trợ NNCNC từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, mà còn đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai năm 2016 theo hướng mở rộng hạn điền, "cởi trói" cho việc tích tụ ruộng đất cũng như sửa đổi chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trong Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”, Hải Dương xác định phát triển NNCNC là nhiệm vụ trọng tâm, tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ cả khu, vùng; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù của địa phương, có tính cạnh tranh cao như lúa giống, rau, nấm, vải thiều, na, ổi, cá giống, nuôi thâm canh thủy sản, chăn nuôi lợn, gà tập trung quy mô công nghiệp... Quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hải Dương với quy mô 200 ha tại huyện Thanh Miện. Có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, vùng sản xuất NNCNC; ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ sấy, các chế phẩm sinh học... trong bảo quản, chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tỉnh phấn đấu mỗi năm xây dựng được 6.000 m2 nhà lưới, nhà màng có trang bị hệ thống tưới tự động, phục vụ sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như rau màu, hoa, cây giống. Để khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư, ứng dụng NNCNC, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà lưới, nhà màng có quy mô từ 500 m2 trở lên và cấp 30% kinh phí vật tư nông nghiệp lần đầu.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NNCNC là xu hướng phát triển tất yếu khi ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi. Hải Dương có đầy đủ những điều kiện để phát triển NNCNC. Tuy nhiên, để NNCNC có thể phát huy hiệu quả cần phải có sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tổ chức, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là đòn bẩy, thúc đẩy NNCNC.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ