Bạch Đằng hướng tới nông thôn mới nâng cao

24/10/2018 11:13

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã Bạch Đằng (Kinh Môn) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao...

Người dân xóm 12, thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng làm lại tuyến đường chính của thôn

Thu nhập tăng cao

Xác định cái đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên UBND xã Bạch Đằng đã đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. 3 năm gần đây, ngoài cây lúa, hành, tỏi, nhiều cây trồng mới đã bén rễ và phát triển mạnh mẽ trên đất Bạch Đằng. Theo thống kê, toàn xã hiện có 14 ha thanh long, cam và ổi... cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm. Xã vừa thành lập HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng với 29thành viên. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư kinh phí lớn để xây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng hiện đại. Ông Nguyễn Văn Thuấn ở xóm4, thôn Đại Uyên cho biết: "Gia đình tôi hiện có 1.500 m2 nhà lưới, chuyên trồng dưa Long Phụng. Tôi trồng mỗi năm 3 vụ. Mỗi vụ thu khoảng 6 tấn dưa, lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng 1 ha thanh long ruột đỏ cũng cho thu nhập kha khá".

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, xã khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động, tìm việc làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện xã có khoảng 100 người đi xuất khẩu lao động, thu nhập khoảng 15triệu đồng/người/tháng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, buôn bán nhỏ trong xã phát triển đa dạng, phong phú. Theo thống kê, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm ở đây đạt trên 95%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 38 triệu đồng, tăng 11,9triệu đồng so với năm 2014.

Hạ tầng hoàn thiện

Những năm qua xã Bạch Đằng đã đầu tư kinh phí lớn hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Xóm 12 của thôn Kim Lôi đang làm lại tuyến đường dài 700 m, rộng từ 4m lên 8 m, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đây là tuyến đường chính nối từ thôn đến xã nên hằng ngày có nhiều người và phương tiện qua lại. Tuyến đường xây dựng từ lâu, một số đoạn đã xuống cấp. Người dân xóm 12 đã tự nguyện đóng góp từ 200.000-300.000đồng/khẩu để làm lại đường, phần còn lại do ngân sách xã đầu tư và con em Bạch Đằng đi làm ăn xa ủng hộ.

Không chỉ vậy, nhiều hạng mục hạ tầng khác cũng được xã Bạch Đằng quan tâm tu sửa, xây mới. Năm 2015, UBND xã đã sơn, trát lại tượng đài, xây tường bao, làm nền nghĩa trang liệt sĩ xã. Xã xây thêm 10 phòng học cho trường tiểu học và trường mầm non. Để tránh ùn tắc giao thông vào giờ tan trường, xã đầu tư kinh phí làm 250 m đường tránh cho trường tiểu học...

Để có nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình, ngoài quy hoạch các khu dân cư mới để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, xã Bạch Đằng còn vận động nhân dân đóng góp và vận động con em xa quê ủng hộ. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: "Trong khi nhiều địa phương về đích NTM nhưng vẫn còn nợ xây dựng cơ bản thì chúng tôi đã huy động được nguồn lực lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong xã. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi đã nỗ lực nâng cao chất lượng sống cho người dân và nâng cao các tiêu chí NTM".

Không dừng lại ở đó, thời gian tới, xã Bạch Đằng sẽ tiếp tục làm lại một số tuyến đường, kênh mương, đường ra đồng. Xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Bạch Đằng thành vùng trọng điểm về cây ăn quả của huyện.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạch Đằng hướng tới nông thôn mới nâng cao