Từ những hiện vật đầu tiên có được một cách tình cờ, ông Mark Rapoport đã sưu tầm được 10.000 hiện vật về văn hóa các dân tộc Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ cho các bảo tàng để lan tỏa giá trị Việt.
Ông Mark Rapoport trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày 17.5. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Năm 1969, ông Mark Rapoport là một trong số ít các bác sỹ người Mỹ tình nguyện tham gia chữa bệnh cho những người dân tộc thiểu số tại miền Trung Việt Nam. Từ đó, ông Mark bén duyên với văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa.
Từ một bác sỹ, ông trở thành chuyên gia nghiên cứu về di sản, là nhà sưu tập nổi tiếng tại Hà Nội với hơn 10.000 hiện vật về văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bén duyên với văn hóa dân tộc Việt Nam
Sau thời gian đến Việt Nam làm tình nguyện viên, ông Mark trở về New York, Mỹ làm việc. Khoảng năm 2000, vợ chồng ông cảm thấy cần có một sự thay đổi trong cuộc sống. Họ đã đặt chân tới hơn 70 quốc gia ở mọi lục địa.
Năm 2002, khi vợ ông, Jane Hughes, có chuyến công tác tại Việt Nam, Mark và các con quyết định đi cùng. Vậy là cả gia đình họ chuyển đến sinh sống tại Hà Nội. Bà Jane làm đại diện cho Hội đồng Dân số, còn ông Mark thì tham gia nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc màu da cam.
“Cả gia đình tôi đều phải lòng đất nước Việt Nam và đặc biệt là thành phố Hà Nội. Sau 20 năm, chúng tôi đã trở thành những người dân Hà Nội thực thụ,” ông chia sẻ.
Mối duyên của ông Mark với văn hóa dân tộc Việt Nam bắt đầu khi ông đến một ngôi làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi. Lúc đó, người phiên dịch nói với ông rằng người dân trong làng rất nghèo, nếu ai muốn mua các vật dụng trong gia đình thì họ sẵn lòng bán.
Ông Mark Rapoport và chiếc gùi ba ngăn. (Ảnh: TTXVN)
Vậy là sự tò mò và lòng trắc ẩn đã thôi thúc Mark mua một chiếc giỏ dùng để đựng cơm và một chiếc gùi 3 ngăn trông giống như một chiếc ba lô. Từ những hiện vật đầu tiên đó, ông Mark đã có những bộ sưu tập hiện vật tuyệt vời về văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ông thành lập một bảo tàng tư nhân nho nhỏ mang tên Gallery 54 Traditions (54 dân tộc) tại địa chỉ 33 Hàng Bún, Hà Nội để trưng bày các bộ sưu tập của mình.
“Đôi khi tôi tình cờ bắt gặp một đồ vật sẽ đưa tôi đi theo một hướng sưu tầm hoàn toàn mới, chẳng hạn như những hiện vật tâm linh của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, điển hình là tranh thờ,” ông Mark kể.
Ông thấy rất thú vị khi hầu hết các bức tranh đều có dây để buộc lên trán của thầy cúng giúp họ có thể kết nối với vị thần linh được vẽ trên tranh. Hầu hết các khuôn mặt được khắc hoạ trên tranh là nam giới. Tuy nhiên, có khoảng 10% tranh về các vị thần nữ (như Cô Chín, Bà Mụ...). Điều này khơi gợi sự quan tâm của ông Mark vì thế, ông đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm những bức tranh nữ thần bổ sung vào bộ sưu tập của mình.
Chia sẻ một kỷ niệm vui trong hành trình sưu tầm di sản, ông kể: “Trong một chuyến đi đến các ngôi làng ở khu vực miền núi phía Bắc, tôi thấy một người phụ nữ lớn tuổi loay hoay tập trung vào chi tiết của một tấm vải dệt. Là một thầy thuốc, tôi biết bà ấy bị lão thị. Biểu hiện chính là không tập trung được vào vật ở gần. Cách chữa trị là đeo kính.”
Một phụ nữ dân tộc được ông Mark tặng kính. (Ảnh: Mark Rapoport)
Mark luôn mang theo hai cặp kính nên ông tặng một chiếc cho bà lão ấy. Thật may mắn, bà đã “nhìn” thấy trở lại. Ông nhận ra rằng cặp kính trị giá chỉ 1 đô la sẽ giúp những người phụ nữ ấy tiếp tục đóng góp kinh tế cho gia đình đồng thời bảo tồn nghề truyền thống. Vậy là, ông mua thêm 100 chiếc kính để tặng cho họ. Từ đó, dự án “Kính dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số” đã ra đời. Cùng sự giúp đỡ của bạn bè, sau gần 20 năm, ông đã tặng được 9.000 chiếc kính.
Lan tỏa văn hóa Việt
Đối với Mark, rào cản lớn nhất trong quá trình sưu tập là ngôn ngữ. May mắn là ông có những người bạn yêu di sản giúp phiên dịch và tìm kiếm thông tin. Từ các tài liệu thu thập được, Mark đã làm thành các bảng thuyết minh sau mỗi hiện vật để người xem có thể hiểu về nguồn gốc, câu chuyện của hiện vật đó trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là cách để ông ghi nhớ, tích lũy kinh nghiệm cho mình.
“Những nghi lễ thờ cúng được lưu truyền hàng trăm năm qua các thế hệ là một phần bản sắc dân tộc không hề bị pha trộn hay đồng hóa trước những đổi thay của lịch sử. Mỗi một cổ vật đều có câu chuyện của riêng nó và có yếu tố giáo dục bên trong mà càng tìm hiểu càng khám phá thì càng có những chất liệu hay,” nhà sưu tập chia sẻ.
Mark thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với cộng đồng người nước ngoài đang sống tại Việt Nam về các chủ đề văn hóa các dân tộc thiểu số. Du khách nào muốn tham quan, khám phá đời sống của đồng bào dân tộc sẽ được ông và cộng sự tư vấn thông tin cụ thể.
Ông Mark Rapoport và những người phụ nữ dân tộc thiểu số. (Ảnh: Mark Rapoport)
Nhờ công sưu tầm của ông, những hiện vật đặc trưng của 54 dân tộc Việt Nam cũng đã và đang được giới thiệu tại các bảo tàng lớn của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.
“Văn hóa Việt Nam vẫn chưa được biết đến và quảng bá rộng rãi ở bên ngoài đất nước. Thậm chí, tại các bảo tàng lớn nhất ở New York, cũng chỉ có vài hiện vật đến từ Việt Nam. Để khắc phục một phần nhỏ điều này, tôi đã trao tặng những hiện vật mình sưu tầm được cho một số bảo tàng tại Mỹ gồm Bảo tàng Mingei ở San Diego, Bảo tàng Đại học Bates và Đại học Brown...,” ông cho biết.
Không chỉ lan tỏa văn hóa dân tộc Việt Nam ở Mỹ, ông còn trao tặng nhiều hiện vật của gallery 54 dân tộc cho Bảo tàng Dân tộc học, Trường UNIS, Đại học Thái Nguyên và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Ngày 17.5, ông Mark Rapoport trao tặng 500 hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tính đến nay, ông đã trao tặng cho đơn vị này là 650 hiện vật với đa dạng các loại hình và chất liệu.
Ông biết rằng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không có nguồn ngân sách lớn cho công tác sưu tầm, vì vậy việc tiếp nhận hiện vật là một cách giúp họ làm dày lên các bộ sưu tập và hoàn thành sứ mệnh giáo dục mà không cần chuyển đổi ngân sách từ các hoạt động khác.
Ông Mark Rapoport chia sẻ: “Tôi trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vì tôi yêu quý và rất tin tưởng nơi này. Đây sẽ là nơi gìn giữ và phát huy tốt những giá trị của chúng. Chúng tôi đều mong muốn mang tới hiểu biết sâu về văn hóa của đất nước Việt Nam tới gần với công chúng và khách tham quan.”
Tiếp nhận món quà lớn này từ ông Mark Rapoport, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc bảo tàng khẳng định mỗi hiện vật sẽ luôn được nâng niu, bảo quản và khai thác hiệu quả phục vụ cho các hoạt động chuyên môn.
Theo Vietnam+