Bác sĩ "vẽ" 3D hai bé dính nhau trước ca mổ tách

21/07/2020 11:53

Bác sĩ Khánh đến phòng hồi sức siêu âm ổ bụng cho Trúc Nhi, Diệu Nhi trưa 20.7. Chị thở phào, hôm nay ruột hai bé co bóp tốt hơn.

Ngày 21.7 là ngày thứ 6 sau ca mổ tách hai cháu bé. Mọi việc đang diễn ra đúng như dự liệu của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.

Nữ bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Khánh, 29 tuổi, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, trở lại phòng làm việc sau khi hoàn tất siêu âm cho Diệu Nhi và Trúc Nhi tại phòng Hồi sức Tim.

Chị vui mừng nhiều hơn hôm qua, bởi dấu hiệu sinh tồn của hai bé ổn định hơn, nhu động ruột tốt, co bóp đều đặn, nước tiểu trong trở lại. Cả hai bé còn mở mắt khi bác sĩ nắm tay động viên.

Bác sĩ Khánh và ê kip chẩn đoán hình ảnh giống như nhà tiên tri, giúp dự liệu chính xác giải phẫu để cuộc mổ diễn ra thành công. Ảnh Thư Anh

Bác sĩ Khánh và ê kip chẩn đoán hình ảnh giống như nhà tiên tri, giúp dự liệu chính xác giải phẫu để cuộc mổ diễn ra thành công. Ảnh Thư Anh

Nhóm chẩn đoán hình ảnh ca phẫu thuật tách dính song sinh lịch sử Trúc Nhi và Diệu Nhi, trưởng kíp là bác sĩ Nguyễn Đức Trí, Trưởng Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sau cánh gà còn có kỹ thuật viên trưởng Phạm Văn Tài; bác sĩ Huỳnh Thị Vân, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại Pháp; bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa X-quang Bệnh viện Nhi đồng 1; bác sĩ Nguyễn Nghiệp Văn, Trung tâm y khoa Medic...

Trong đó, bác sĩ Khánh trẻ nhất, được các thầy cô giao nhiệm vụ trực tiếp chẩn đoán hình ảnh, đồng thời hướng dẫn, trợ giúp thực hiện.

Nhờ những hình ảnh từ chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), X-quang... được dựng thành phiên bản 3D chi tiết từng mạch máu nhỏ li ti, được chị chuẩn bị, các phẫu thuật viên mới phẫu thuật nhanh chóng, chuẩn xác, an toàn nhất cho các bé.

Bác sĩ Khánh không thể quên lần đầu tiên nhìn thấy hai cấu trúc cơ quan, cơ thể kỳ lạ trên phim X-quang của đôi song sinh dính nhau, được một đồng nghiệp gửi tới. Chị nheo mắt, cố gắng mường tượng phía sau tấm phim, hai bé gái ba tháng tuổi đang bị dính như thế nào nhưng bất lực. "Trong lòng dâng lên nỗi xót xa khó tả. Lúc ấy tôi vẫn chưa hình dung nhiệm vụ này lớn lao và khó khăn đến thế nào. Chỉ biết, mình phải làm gì đó để giúp các em", bác sĩ Khánh nói.

Từ hôm đó, bác sĩ trẻ gắn bó với hành trình trả lại cuộc đời cho hai chị em "song Nhi". Mỗi 3 tháng, hai bé được siêu âm Doppler tim, van tim, não, ngực bụng. Chụp CT bụng chậu có cản quang, chụp CT điện toán vùng bụng chậu, não. Các chẩn đoán phân bố giải phẫu (cơ thân và khung xương, não, tủy, ngực, bụng, ruột, hệ niệu dục, xương chậu) và phân bố mạch máu được thực hiện kỹ càng, chi tiết.

Ba lần chụp lúc 3, 6 và 9 tháng tuổi, hai bé còn yếu, thở rất mạnh, lồng ngực phập phồng liên tục, thuốc cản quang không thể hiện được hết các chi tiết. Hình ảnh rung nhòa, chỉ xác định được vị trí gan, lá lách, thận, tụy, bàng quang, tử cung. Còn mạch máu nhỏ quá, mới thấy có nhánh mạch máu từ Trúc Nhi băng qua phần trước bụng của Diệu Nhi, phần ruột dính ở đâu, phân bố mạch máu như thế nào, các dự liệu quá ít ỏi, chị chưa trả lời được.

Đến lần thứ 4, trước mổ một tháng, cơ thể hai bé lớn hơn, đạt gần 15 kg, các mạch máu mới hiện rõ trên hình ảnh. Chị thực hiện siêu âm toàn diện "từ đầu tới chân" cho các bé. Có film, bác sĩ dành cả tuần trời thức trắng trong bệnh viện để nghiên cứu và lên bản vẽ, dựng ảnh 3D.

Đây là lần đầu tiên chị có được câu trả lời rõ ràng, chi tiết cho bác sĩ phẫu thuật. Rằng bộ ruột bị dính ở đâu, các tạng được bé nào tưới máu như thế nào. Quan trọng nhất, hệ thống mạch máu thông nối giữa hai con phân bổ ra sao, được vẽ hoàn chỉnh và trình bày kỹ lưỡng khi hội chẩn.

Từ đó, các phẫu thuật viên mới tiến hành phân chia ruột, lựa chọn bàng quang, thận và cơ quan sinh dục chính xác cho mỗi bé.

"Chẩn đoán hình ảnh tốt đến đâu thì phẫu thuật viên bước vào phòng mổ tự tin tới đó. Mình cố gắng hết sức để các thầy không tốn thời gian thám sát bụng, lần tìm và đánh giá các mạch máu liên thông tưới máu như thế nào", bác sĩ Khánh chia sẻ.

Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, cố vấn ca mổ, và Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, nhờ chẩn đoán hình ảnh trước mổ chính xác nên cuộc mổ diễn ra đúng dự liệu. Thời gian mổ được rút ngắn, các bé không gặp biến chứng bất ngờ. Đặc biệt, không có bất kỳ mạch máu nào bị cắt sai, làm chảy máu không kiểm soát được, lượng máu dự trù không cần dùng hết.

Hiện tại, hai bé đã ở giai đoạn hậu phẫu ngày thứ 5, bác sĩ Khánh vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình. Hằng ngày chị đến siêu âm, khảo sát tại chỗ cho hai bé. Thời điểm này, việc chẩn đoán hình ảnh vẫn rất quan trọng, giúp cảnh báo bác sĩ lâm sàng nếu có biến chứng để xử lý sớm.

Hôm qua 20.7, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm hai chị em Trúc Nhi và Diệu Nhi sau ca mổ. Diệu Nhi tỉnh, nhoẻn miệng cười, khẽ vung tay khi được khen xinh và động viên. Trúc Nhi vẫn ngủ sâu do thuốc an thần. Hai bé được hỗ trợ thở máy, giảm đau và theo dõi hậu phẫu sát sao, chống loét, chống nhiễm trùng vết mổ tích cực.

Trúc Nhi, Diệu Nhi chào đời dính nhau vùng bụng ngực, thuộc ca hiếm gặp trên thế giới, tương tự ca song sinh Việt - Đức năm 1988. Hai bé được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh nuôi từ khi lọt lòng mẹ đến 13 tháng tuổi, đủ sức khỏe trải qua ca đại phẫu tách rời hôm 15.7. Ca mổ thành công bước đầu, hai cháu đang được chăm sóc hồi sức và theo dõi sát diễn biến. Giai đoạn hậu phẫu được xem là rất khó khăn. Tỷ lệ sống những ca mổ tách tương tự trên thế giới là 70-75%.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ "vẽ" 3D hai bé dính nhau trước ca mổ tách