Bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị F0

10/09/2021 10:07

Nhiều người nghĩ rằng trong khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các bác sĩ chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nhưng thực tế thì vai trò, trách nhiệm, sức ép của họ còn lớn hơn thế gấp nhiều lần.


Một bác sĩ đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh

Chu đáo

Suốt một tuần qua, bác sĩ Phạm Thanh Bình, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) cùng các đồng nghiệp trong ê kíp của mình thay nhau chăm sóc, điều trị cho một nữ bệnh nhân quê ở An Giang mắc Covid-19 nặng. Đây là một trong số 16 người nhập cảnh cách ly tại Trung đoàn 125 (Chí Linh) mắc SARS-CoV-2 và được chuyển lên bệnh viện điều trị từ ngày 26.8.

Kể từ lúc nhập viện, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu với những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, phổi bị tổn thương lan tỏa dạng kính mờ, nồng độ ô xy trong máu chỉ đạt khoảng 60-70% nếu không thở máy. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi điều trị cho một F0 nặng như vậy. Anh em lo lắng, ít ngủ vì phải theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân này 24/24 giờ, cứ 1-2 tiếng lại thăm khám một lần. Do bệnh nhân không đi lại được nên việc ăn uống, vệ sinh cá nhân… của bệnh nhân cũng đều do ê kíp thực hiện hết”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của bác sĩ Bình cùng các nhân viên y tế, sức khỏe của F0 trên hồi phục khá nhanh. Đến chiều 6.9, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, có thể ăn cơm sau nhiều ngày chỉ ăn cháo, uống sữa. Kết quả này một lần nữa minh chứng cho tinh thần làm việc tận tình, chu đáo của đội ngũ nhân viên y tế Hải Dương trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh là nơi điều trị cho những người mắc Covid-19 có triệu chứng. Bệnh viện bố trí khoảng 5 ê kíp (mỗi ê kíp gồm 3 người, trong đó có 1 bác sĩ) thay nhau làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Thường mỗi ê kíp làm việc liên tục 3 tuần rồi sẽ có một ê kíp khác thay thế. Có thời điểm, số lượng F0 điều trị tại bệnh viện lên tới hơn 40 người nên việc chăm sóc, điều trị rất áp lực, vất vả. Hằng ngày, họ phải dậy từ sớm để thăm khám cho từng bệnh nhân, kể cả những người không có triệu chứng. Bác sĩ phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về liều lượng thuốc, dinh dưỡng phù hợp, nhất là với những người có bệnh nền, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. 

Ở trong môi trường có nồng độ virus cao, các nhân viên y tế phải mặc bảo hộ kín bưng. Khu điều trị F0 có quy định không được bật điều hòa. Những hôm thời tiết oi nóng, các nhân viên y tế người nào cũng đầm đìa mồ hôi, cảm giác ngột ngạt, khó chịu không thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng họ không hề than vãn mà vẫn âm thầm kiên trì, nỗ lực hết mình vì sức khỏe người bệnh.

Trong khu điều trị F0, các nhân viên y tế không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn kiêm rất nhiều công việc khác như: chuyển đồ ăn cho bệnh nhân, lau dọn, khử khuẩn… Suất cơm của bệnh nhân như thế nào thì các nhân viên y tế cũng ăn như thế, không hề có sự phân biệt. “Nhiều trường hợp mắc Covid-19 khi vào đây mang tâm trạng lo lắng, chán nản. Lúc này chúng tôi lại phải trở thành một nhà tâm lý bất đắc dĩ để hỏi han, động viên họ giữ được sự lạc quan, yên tâm hợp tác điều trị”, bác sĩ Bình cho biết thêm.

Hy sinh thầm lặng

Mỗi nhân viên y tế tham gia ê kíp chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0 ít nhất cũng phải 21 ngày mới được ra ngoài. Họ cần thêm 14 ngày nữa để cách ly y tế, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 rồi mới được về nhà. Như vậy, để được gặp người thân họ sẽ phải chờ tới hơn 1 tháng. Điều đó đồng nghĩa họ phải hy sinh tình cảm gia đình vì nhiệm vụ.

Bác sĩ Lê Thị Hoa, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) từng tham gia nhiều đợt điều trị F0. Chồng chị cũng làm trong ngành y nên cả hai vợ chồng gần như dành hết thời gian cho công việc. Con trai lớn của chị năm nay học lớp 3, cháu thứ hai mới lên 5 tuổi. Không có thời gian bên cạnh chăm sóc các con, vợ chồng chị Hoa khi thì gửi con về nhà ông bà nội ở Bình Giang, lúc lại gửi con cho ông bà ngoại ở Ninh Giang. Cả ngày bận bịu công việc, chỉ đến tối chị mới có thời gian nói chuyện với các con qua điện thoại. “Nhiều lúc tôi thấy có lỗi vì bản thân chưa làm tròn trách nhiệm với bố mẹ và các con. Chỉ mong mọi người trong gia đình hiểu được rằng bệnh nhân Covid-19 rất cần bác sĩ bên cạnh, họ cần được quan tâm, chăm sóc cả về sức khỏe và tinh thần”, chị Hoa chia sẻ.

Nhiều F0 được điều trị khỏi, khi ra viện vẫn giữ liên lạc với các bác sĩ. Họ coi bác sĩ như người nhà, như ân nhân. Một người từng là F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh nói: “Bác sĩ luôn bên cạnh, giúp đỡ, cư xử với bệnh nhân như những người ruột thịt. Điều đó đã tạo động lực rất lớn giúp chúng tôi chiến thắng bệnh tật”.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị F0