Không giống với suy nghĩ của nhiều người, kem chống nắng ẩn chứa những 'bí mật' ít được nhắc đến.
Bác sĩ da liễu, BTV làm đẹp... vẫn luôn nói kem chống nắng là sản phẩm phải có trong chu trình chăm sóc da. Họ nhắc đi nhắc lại về việc thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng sẽ giúp ngăn ngừa không chỉ các dấu hiệu lão hóa mà còn cả ung thư da. Tuy nhiên, kem chống nắng bên cạnh đó cũng còn có những lầm tưởng mà không phải ai cũng biết.
Trang InStyle mới đây đã liên hệ với các bác sĩ da liễu nhằm hiểu thêm nhiều điều về kem chống nắng.
Sai lầm 1: Chỉ số SPF cao sẽ bảo vệ da 100%
SPF đo lường khả năng kem chống nắng bảo vệ da chống lại tia cực tím B (UVB) - nguyên nhân gây cháy nắng vào mùa hè. Nhưng, môi trường còn tồn tại tia UVA cũng có thể gây tổn thương da.
Tiến sĩ Melanie Palm, bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận đồng thời cũng là người sáng lập Art of Skin MD cho biết: "Có một đường cong lợi nhuận giảm dần khi nói đến SPF và tỷ lệ phần trăm chống tia cực tím. Chỉ số SPF 2 cung cấp khả năng bảo vệ khoảng 50%, SPF 15 - 93%, SPF 30 - 97%, SPF 50 - 98% và SPF 100 - 99%. Do đó, chỉ số SPF từ 30 trở lên mang lại khả năng chống tia cực tím tuyệt vời. Tuy nhiên, kem chống nắng thực sự khó mà bảo vệ da 100% khỏi tia UV với các công thức có sẵn trên thị trường."
FDA cũng phát hiện ra rằng chỉ số SPF cao không đồng nghĩa với việc kem chống nắng cung cấp cùng mức độ bảo vệ tia cực tím A (UVA). Tiếp xúc quá nhiều với tia UVA có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và các dấu hiệu lão hóa.
Sai lầm 2: Chỉ cần bôi kem chống nắng là đủ
Kem chống nắng đúng là sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư da, nhưng cách bạn sử dụng nó mới quyết định độ hiệu quả. Tiến sĩ Marina Peredo, bác sĩ da liễu và người sáng lập Skinfluence giải thích: "Để SPF phát huy hiệu quả, bạn cần thoa một lượng chính xác, khoảng một thìa cà phê cho mặt. Bạn cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống nắng khác như đội mũ rộng vành, đeo kính râm và ở trong những khu vực râm mát hơn."
Để bảo vệ da tốt nhất, Tiến sĩ Peredo khuyên bạn nên bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng và bôi lại sau mỗi hai giờ. Cô ấy nói thêm: "Nếu bạn thoa kem chống nắng không đúng cách, bạn có thể giảm chỉ số SPF 30 xuống còn SPF 7, điều này sẽ không bảo vệ bạn khỏi các tia có hại.
Sai lầm 3: Không cần thoa kem chống nắng khi ở nhà
Tiến sĩ Elizabeth Hale, bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận và phó chủ tịch cấp cao của Tổ chức Ung thư Da cho biết: "Có nhiều loại tia cực tím khác nhau ảnh hưởng đến da, đơn cử nhất là tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB). Mọi người thường nghĩ về tia UVB vì chúng là nguyên nhân gây cháy nắng vào mùa hè. Nhưng trên thực tế, tia UVA là nguyên nhân gây ra tổn thương do ánh nắng mặt trời bất kể mùa thời tiết vì chúng có bước sóng dài hơn xuyên qua các đám mây. Theo logic tương tự, tia UVA tia cũng xuyên qua cửa sổ". Bởi vậy, dù ở trong nhà hay những ngày râm mát, bạn vẫn cần bôi kem chống nắng.
Sai lầm 4: Kem chống nắng hóa học tốt hơn kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng hóa học vốn được ưa chuộng vì nó dễ sử dụng với lớp trang điểm vì nó tệp với tông màu của da. FDA phát hiện ra rằng nó chứa 6 hoạt chất phổ biến dễ hấp thụ vào da và đôi khi có thể gây những tình trạng không mong muốn. Thay vào đó, kem chống nắng vật lý được cho là ít gây kích ứng hơn.
Tiến sĩ Palm giải thích: "Kem chống nắng vật lý chứa oxit kẽm và titan dioxide, là những khoáng chất dễ hấp thụ và không có khả năng gây phản ứng trên da. Kem chống nắng vật lý hoạt động bằng cách phản chiếu ánh sáng trở lại môi trường, giống như một tấm gương. Ngược lại, kem chống nắng hóa học chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành nhiệt trên bề mặt da. Sức nóng trên bề mặt da có thể gây viêm nhiễm, dẫn đến hình thành sắc tố bất thường trên da'.
Sai lầm 5: Da sẫm màu không cần bôi kem chống nắng
"Da sẫm màu sẽ không dễ bị bỏng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không bị ảnh hưởng bởi tác hại của tia UV. Tia UV làm tăng sắc tố, hình thành nếp nhăn và tăng tỉ lệ ung thư da' - Tiến sĩ Chaneve Jeanniton, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và người sáng lập của Brooklyn Face and Eye đã nói với InStyle.
Ung thư có thể biểu hiện khác nhau ở một số tông màu da nhất định. Tiến sĩ Palm cho biết: "Một số loại da có sự phân bố không cân xứng về vị trí của khối u ác tính. Ví dụ, người da sẫm màu có nhiều khả năng phát triển khối u ác tính ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân hơn so với dân số chung." Trên thực tế, Tiến sĩ Palm chia sẻ rằng 21 ca chẩn đoán u ác tính mới của cô trong năm qua đều là người có màu da sẫm hơn. Bởi vậy, da sẫm màu cũng cần được chống nẵng kĩ và đúng cách giống như mọi loại da khác.
Theo Gia đình