Họ không chỉ làm nhiệm vụ chữa bệnh cho cây mà còn phải hướng dẫn nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Chị Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Cẩm Giàng hướng dẫn
nông dân cách nhận biết bệnh lở cổ rễ trên cây cà rốt
Nhiều người ví những cán bộ, kỹ sư bảo vệ thực vật là những “bác sĩ” của cây trồng. Họ không chỉ làm nhiệm vụ chữa bệnh cho cây mà còn phải hướng dẫn nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Phòng, trị bệnh cho cây “Có những năm sâu bệnh hoành hành nhưng nhờ các cán bộ BVTV sâu sát đồng ruộng, dự tính, dự báo và hướng dẫn nên nông dân phòng trừ kịp thời, không bị mất mùa”. |
|
Từng đợt gió mùa đông bắc thổi ào ào, đôi bàn tay đã tái nhợt vì lạnh nhưng chị Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Trạm, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Cẩm Giàng vẫn cặm cụi kiểm tra từng hốc cà rốt. Chị thở dài: “Năm nay, ông trời đỏng đảnh quá, nếu cứ mưa mãi như thế này thì công sức của nông dân đổ sông, đổ bể hết. Cà rốt đã lên quá gang tay, từng vạt xanh um vậy mà cây cứ úa dần rồi chết, phải nhổ bỏ, tiếc đứt ruột!”. Trời mưa rét, giữa bãi bồi bạt ngàn cà rốt chỉ mình chị Hạnh lom khom kiểm tra sâu bệnh. Chị bảo, thiên nhiên đã ban tặng cho bãi đất này phù sa màu mỡ nhưng mấy năm nay nông dân canh tác chưa hợp lý, bón phân không cân đối nên sâu bệnh cũng vì thế mà tăng lên. Vụ đông năm nay, thời tiết lại không thuận, nhiều loại sâu bệnh hoành hành, phá hại cây cà rốt, nhất là bệnh thối nhũn và lở cổ rễ gia tăng. Chị Hạnh và các cán bộ BVTV ở huyện Cẩm Giàng đã xác định được nguyên nhân gây bệnh lở cổ rễ trên cây cà rốt nên đang hướng dẫn nông dân thay đổi quy trình canh tác bằng cách tăng sử dụng phân vi lượng để đất tơi xốp, giúp phòng bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, họ cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm dùng một số thuốc để phòng trừ.
Chữa bệnh cho cây trồng không dễ bởi nhiều năm trở lại đây nông dân lạm dụng thuốc BVTV, phối trộn không theo khuyến cáo khiến sâu, bệnh kháng thuốc khó chữa. Ông Phạm Sỹ Viễn, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Thanh Hà cho biết: “Trước đây nông dân Thanh Hà chủ yếu cấy lúa còn bây giờ trồng đủ loại cây trồng. Càng nhiều cây thì càng có nhiều loại sâu bệnh. Ở Thanh Hà, nhiều năm nay, cây vải là cây trồng chủ lực nhưng ít nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nên thuốc BVTV dành cho cây vải không nhiều. Vì thế, bản thân mỗi cán bộ BVTV của trạm phải tự mày mò, tìm hiểu để có cách trị bệnh cho cây tốt nhất. Chẳng hạn, để xử lý lộc đông trên cây vải, ngoài hướng dẫn người trồng vải kỹ thuật khoanh cành, bón phân, các cán bộ BVTV huyện còn phải biết cách sử dụng thuốc với nồng độ bao nhiêu cho hiệu quả và an toàn. Thậm chí, để quả vải đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, chúng tôi phải “ăn nằm” ở vùng vải Thanh Thủy hàng tháng, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm theo khuyến cáo”.
Ngoài nhiệm vụ giúp nông dân trị bệnh cho cây trồng, những người làm công tác BVTV còn phải dự tính, dự báo chính xác thời điểm sâu bệnh phát sinh, gây hại để nông dân có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vụ xuân năm 2012, trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ trở thành đại dịch, ảnh hưởng đến năng suất lúa thì hàng nghìn ha lúa xuân ở tỉnh ta không bị sâu cuốn lá nhỏ nhờ dự báo chính xác và có biện pháp xử lý kịp thời của những người làm BVTV. Ông Vũ Đình Phiên, Phó Chi cục BVTV tỉnh phân tích: “Dự báo đúng sẽ giúp nông dân phòng trừ đúng thời điểm, sâu bệnh sẽ được trừ tốt hơn và ngược lại. Ngoài ra, mỗi cán bộ BVTV cũng phải như những "dược sĩ" biết kê đơn, bốc thuốc cho cây trồng hợp lý, hiệu quả. Thuốc sử dụng cho cây lúa khác với cây rau. Ở từng giai đoạn sinh trưởng, cây trồng lại phải dùng những loại thuốc khác nhau. Do đó, ngoài kỹ năng nhận biết sâu bệnh cán bộ BVTV còn phải thuộc tên thuốc, nhớ cách sử dụng để hướng dẫn nông dân làm cho đúng…”
Gắn bó cùng nhà nôngCông việc hằng ngày của những người làm công tác BVTV thầm lặng nhưng không kém vất vả, khó khăn. Họ như những người bạn của nông dân. Hằng ngày, hằng tháng cùng nông dân xuống đồng, chẩn đoán bệnh, hướng dẫn, tư vấn dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Bà Nguyễn Thị Ninh ở thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) kể: “Có lần cán bộ BVTV huyện xuống tập huấn, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Họ nhắc đi, nhắc lại chúng tôi phải dùng thuốc đúng thời điểm. Cán bộ cũng khuyến cáo phải một tuần nữa nông dân mới nên phun trừ bệnh đạo ôn. Vậy mà, mấy ông xóm tôi cậy có tí kinh nghiệm bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo của họ, ngay hôm sau phăng phăng mang bình thuốc đi phun. Rốt cuộc tiền thì mất mà sâu không chết”.
Với các cán bộ, kỹ sư BVTV, mỗi ngày đi làm của họ không phải là mang giày đen, tất trắng mà là những chiếc ủng, găng tay và khẩu trang. Họ lội ruộng, không ngại nắng, mưa để chẩn bệnh cho cây trồng. Anh Nguyễn Quang Hưng, một trong những kỹ sư BVTV trẻ của Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Nhiều người thắc mắc tôi không chọn nghề nào nhàn hạ lại đi chọn nghề chẳng khác nào nông dân. Nhưng tôi nghĩ mỗi nghề đều có một niềm vui. Tôi thấy vui khi được bà con trân trọng, tin tưởng khi tìm được cách cứu cây trồng khỏi bệnh hại, nông dân được mùa"… Ông Phạm Sỹ Viễn, Trạm trưởng Trạm BVTV Thanh Hà, người đã hơn 20 năm đồng hành cùng bà con nông dân chữa bệnh cho cây trồng đúc kết: “Đã xác định làm cán bộ BVTV phải yêu nghề, chấp nhận chân lấm, tay bùn, không ngại nắng, mưa, đi sớm về muộn. Thậm chí cũng phải lội ruộng, phơi nắng, dầm mưa như những nông dân thực thụ. Có như vậy, nói dân mới tin và làm dân mới học”.
Đối với mỗi cán bộ BVTV, nhiệm vụ chữa bệnh cho cây trồng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Vì thế, với họ công việc không phải trong phòng lạnh, nhà kính mà phải lăn lộn trên khắp các cánh đồng dù mưa hay nắng. Thậm chí để hướng dẫn nhà nông phun thuốc đúng cách, cán bộ BVTV còn phải xuống ruộng làm mẫu cho bà con học tập. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Sản xuất nông nghiệp thành công không chỉ cần giống tốt, nước đủ mà còn cần phải biết sâu nào, bệnh gì để phòng trừ hiệu quả. Các cán bộ BVTV là những người làm nhiệm vụ ấy. Có những năm sâu bệnh hoành hành nhưng nhờ các cán bộ BVTV sâu sát đồng ruộng, dự tính, dự báo và hướng dẫn nên nông dân phòng trừ kịp thời, không bị mất mùa”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 50 cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ BVTV. Mặc dù công việc vất vả, khó khăn, tình hình thời tiết, sâu bệnh ngày càng diễn biến phức tạp nhưng nguồn nhân lực của ngành BVTV tỉnh hiện còn rất mỏng. Những cán bộ BVTV rất cần được tạo điều kiện hỗ trợ phương tiện, thiết bị để giảm áp lực thiếu lao động, từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ “bác sĩ” của cây trồng.
HẢI MINH