Đang có sự nhiễu loạn thông tin về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York của Mỹ. Các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự an tâm khi vẫn còn những tín hiệu không chắc chắn từ thỏa thuận kết thúc thương chiến - Ảnh: REUTERS
Trong khi Bắc Kinh nói Washington đã nhất trí dỡ bỏ toàn bộ thuế quan hiện có theo từng giai đoạn, phía Mỹ lại nói không hề có chuyện này. Sự lạc quan rằng cuộc thương chiến đầy tốn kém giữa hai nước cuối cùng cũng đến hồi kết xuất hiện sau một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 7.11.
Thị trường chứng khoán lập tức phản ứng đầy tích cực, nhưng nhanh chóng chững lại và giảm xuống sau khi có thông tin Mỹ chưa hề đồng ý với Trung Quốc về khoản này. Sự thật thế nào?
Chỉ mình ông Trump biết
"Nếu thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết, Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng lúc dỡ bỏ mức thuế quan giống nhau. Đây là những gì mà hai bên đã nhất trí sau các cuộc đàm phán thận trọng và mang tính xây dựng suốt 2 tuần qua" - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố nhưng không đưa ra thời gian cụ thể.
Một quan chức Mỹ giấu tên sau đó xác nhận việc dỡ bỏ thuế quan là một nội dung quan trọng trong thỏa thuận sắp được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết.
Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham thể hiện sự thận trọng khi được hỏi về điều này và trả lời một cách chung chung rằng Mỹ đang "rất lạc quan sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và nếu như vậy thì có thể dỡ bỏ một số loại thuế quan".
Trong khi đó, ông Peter Navarro - cố vấn thương mại cấp cao của ông Trump - nhấn mạnh "chẳng có điều khoản nào liên quan tới loại bỏ các mức thuế quan hiện hành trong thỏa thuận giai đoạn 1".
"Trung Quốc rõ ràng đang muốn định hướng dư luận, lái vấn đề theo chiều của họ. Người duy nhất có thể đưa ra quyết định này là Tổng thống Trump và chỉ có duy nhất ông ấy" - ông Navarro nói thẳng.
Nhiều chuyên gia và giới phân tích đồng ý với nhận định của cố vấn Navarro, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Họ tin rằng ông Trump sẽ không dễ dàng đồng ý dỡ bỏ thuế quan, vốn được xem như vũ khí đã ép được Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán trong 16 tháng qua, tạp chí Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ bình luận.
"Trung Quốc đang lấy lại sự tự tin"
Đầu tuần này, truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ thuế quan với 112 tỉ USD hàng hóa sau khi ký kết thỏa thuận giai đoạn 1. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross không xác nhận nhưng cũng chẳng phủ nhận điều này, mà chỉ nói khi thảo thuận được công bố mọi người sẽ rõ.
Trong cuộc họp báo ngày 7.11, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục lập luận rằng cuộc chiến thương mại này là do Mỹ phát động, do đó Washington phải có trách nhiệm xuống thang căng thẳng trước, chứ không phải Bắc Kinh: "Thương chiến bắt đầu bằng việc tăng thuế, nên sẽ chỉ có thể kết thúc khi tất cả thuế quan bị dỡ bỏ".
Trong một động thái được cho là thể hiện sự thiện chí, Tân Hoa xã cùng ngày 7.11 thông báo Trung Quốc sẽ bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc nhập khẩu gia cầm từ Mỹ. Thực tế lệnh cấm này được đưa ra từ tháng 1.2015, khi dịch cúm gia cầm bùng phát ở Mỹ.
Ông Nick Marro, chuyên gia thương mại, nhận định các phát ngôn của người phát ngôn Cao Phong cho thấy Trung Quốc đang lấy lại sự tự tin và rằng ông Trump, chứ không phải họ, mới là người đang cần một thỏa thuận.
"Trung Quốc có lẽ đã bắt đầu nhận ra rằng về mặt chính trị, họ có ưu thế hơn ông Trump nên bắt đầu chơi rắn trở lại" - ông Marro bình luận với báo WSJ.
Sự tự tin của Bắc Kinh không phải không có cơ sở khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang đến gần và rõ ràng ông Trump đang cần lấy lại sự ủng hộ của cử tri nông dân tại các bang miền trung tây, nơi chịu thiệt hại trực tiếp trong cuộc thương chiến sau các động thái ngừng mua nông sản mang tính trả đũa của Trung Quốc.
"Trung Quốc đâu có đòi hỏi gì quá đáng đâu?" - giáo sư Shi Yinhong, một cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, chất vấn và lập luận rằng chuyện dỡ bỏ thuế quan là hoàn toàn hợp lý nếu Mỹ muốn Bắc Kinh mua 50 tỉ USD nông sản trong vòng 2 năm tới.
Theo Tuổi trẻ