Bác Hồ với Tuyên ngôn độc lập

02/09/2012 08:03

Bản Tuyên ngôn độc lập của Người là sự hội tụ bao tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại về tự do, độc lập, dân quyền.

Lâu nay chúng ta đã biết, chiều ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng còn quá trình dẫn đến bản Tuyên ngôn bất hủ ấy thì vẫn là điều mà mãi gần đây, qua hồi ức của những người từng giúp việc cho Bác Hồ ngày đầu cách mạng thành công, chúng ta mới biết và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện trọng đại này.

Ngày 19-8-1945, Hà Nội Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Chỉ một tuần sau, ngày 26-8-1945, Bác Hồ từ căn cứ cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang) về đến Thủ đô, ở nhà một thương gia yêu nước ở 48 phố Hàng Ngang. Theo ông Vũ Kỳ, người giúp việc cho Bác Hồ, trong cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng ngày 27-8-1945 bàn nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập dự định vào ngày 2-9 và Bác Hồ phụ trách soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập để hôm đó công bố trước quốc dân đồng bào. Thế là ngay hôm sau, ngày 28-8-1945, Bác Hồ tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Bên chiếc bàn con kê sát tường góc phòng tầng hai nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, suốt mấy ngày liền, Bác Hồ tập trung suy nghĩ, rồi tự đánh máy trên chiếc máy chữ xách tay Người mang từ chiến khu về. Đến ngày 30-8-1945, Bác Hồ hoàn thành bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Khi viết xong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ châm một điếu thuốc lá hút, rồi nói với những người xung quanh: “Trong đời, Bác đã viết rất nhiều tài liệu, nhưng sung sướng nhất, sảng khoái nhất là những giờ phút soạn thảo bản Tuyên ngôn này”.

Niềm sướng vui có thể nói là tột cùng của Bác Hồ sau khi viết xong Tuyên ngôn độc lập là có cội nguồn sâu xa. Bởi Tuyên ngôn độc lập 1945 là sự kết tinh từ “Nam quốc sơn hà nam đế cư” đời nhà Lý, thế kỷ 11, rồi “Bình ngô đại cáo” đời nhà Lê, thế kỷ 15, đến Tuyên ngôn độc lập thời đại Hồ Chí Minh, thế kỷ 20, khoảng cách dài ngót 10 thế kỷ. Nếu chỉ tính thời gian gần, từ khi Bác Hồ, lúc ấy mang tên Nguyễn Ái Quốc, viết bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi hội nghị Véc-xây (Pháp) năm 1919, rồi từ buổi đầu nhen nhóm phong trào cách mạng thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, và chỉ 5 năm sau, năm 1930, dưới sự tập hợp và lãnh đạo của Người, chính đảng đầu tiên của giai cấp công nhân nước ta bước lên vũ đài chính trị với sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... cho đến mùa thu lịch sử năm 1945, Bác Hồ ngồi viết Tuyên ngôn độc lập giữa Thủ đô Hà Nội, là cả một quá trình đấu tranh suốt mấy mươi năm của nhân dân ta, mà Bác Hồ là biểu tượng của sự hy sinh tranh đấu của cả dân tộc. Thế nên, không chỉ buổi chiều lịch sử 2-9-1945, mà đến hôm nay và mãi mãi mai sau, mỗi khi đọc câu văn đanh thép này trong Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” thì mỗi chúng ta đều thấy tự hào và ý thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nền độc lập, tự do dân tộc, và càng hiểu sâu sắc hơn niềm vui sướng tột cùng của Bác Hồ khi Người soạn xong Tuyên ngôn độc lập.

Cũng bởi Tuyên ngôn độc lập còn là kết quả của bao tháng năm Bác Hồ, với tầm nhìn xa, đã để công sức suy nghĩ về Tuyên ngôn lịch sử này. Mãi đến nay chúng ta mới được biết từ giữa tháng 7-1945, theo yêu cầu của Bác Hồ, một máy bay thuộc Không đoàn số 14 của Hoa Kỳ đã thả xuống sân bay Lũng Cò (Tuyên Quang) bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Qua đây, chúng ta càng thấy tầm nhìn xa của thiên tài Hồ Chí Minh, ngay khi chưa giành được chính quyền đã nghĩ tới một bản Tuyên ngôn độc lập cho dân cho nước. Tuyên ngôn độc lập hội tụ bao tinh hoa văn hóa của nhân loại về tự do, độc lập, dân quyền với đoạn mở đầu trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đến là câu dẫn từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Qua đây ta càng thấy ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của Tuyên ngôn độc lập không chỉ đối với dân tộc ta, nhân dân ta mà còn đối với nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước thuộc địa hồi bấy giờ. Bởi suy cho cùng, như Bác Hồ khẳng định với Pát-ti, người bạn Mỹ của Bác Hồ hồi Người ở Côn Minh (Trung Quốc): “Mục đích cao cả của cách mạng Việt Nam, của cách mạng Mỹ là vì hạnh phúc của con người. Chúng ta chiến đấu vì hạnh phúc của con người”. Cũng nên nói thêm, Pát-ti là người nước ngoài đầu tiên có mặt ở Hà Nội được Bác Hồ bảo thư ký của Người đọc cho nghe bản thảo Tuyên ngôn độc lập, sau khi được Thường vụ Trung ương tham gia góp ý kiến. Pát-ti không khỏi giật mình khi nghe câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...”.

Đấy cũng là ý nghĩa sâu xa và tầm vóc thời đại của Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân cả nước, công bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới, mà thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy sức lan tỏa ngời sáng của Tuyên ngôn độc lập 1945.

Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Bác Hồ đã nghĩ tới một bản Tuyên ngôn độc lập cho đất nước. Bản Tuyên ngôn độc lập của Người là sự hội tụ bao tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại về tự do, độc lập, dân quyền.


CAO NĂM

(0) Bình luận
Bác Hồ với Tuyên ngôn độc lập