Bác Hồ trọng dụng hiền tài

08/01/2012 13:49

Bác Hồ luôn coi đội ngũ trí thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bác thực hiện dân chủ thực sự đối với trí thức.



Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bia ghi danh các tiến sĩ đầu tiên ở
Việt Nam (29-1-1960) trong  Văn miếu Quốc Tử Giám


Hiền tài là người có đức hạnh và có tài năng hơn người. Tìm được người hiền tài ra làm việc nước là vô cùng quan trọng. Dân tộc nào, thời đại nào cũng vậy. Từ xa xưa, ông cha ta đã khắc vào bia đá ở văn miếu “Nhân tài là cái gốc mọi sự nghiệp".

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những bài học lịch sử quý báu về "Chiếu cầu hiền" được nâng lên tầm cao mới thành vấn đề: trọng dụng trí thức và nhân tài của Đảng ta mà Bác Hồ là người sáng lập và lãnh đạo. Ngày 20-11-1946, Báo Cứu quốc đăng bài: "Tìm người tài đức" của Bác Hồ, trong đó, có đoạn viết: ..."Trong số 20 triệu đồng bào Việt Nam chắc không thiếu người có đức có tài. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".

Bác Hồ luôn coi đội ngũ trí thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bác thực hiện dân chủ thực sự đối với trí thức. Người yêu cầu: "Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình, để góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của mọi người. Bác không hề định kiến với trí thức. Kể cả những người trước kia đã phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Điều này thể hiện rất rõ ở thành phần nội các của Chính phủ lâm thời năm 1945. Trong 14 vị tham gia Chính phủ lúc đó, phần lớn là nhân sĩ trí thức. Những vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh... hoàn toàn được Chính phủ và Bác Hồ tin cậy.

Bác chủ trương: đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ, công nông trí thức hoá, trí thức hoá công nông. Tất cả những trí thức Việt Nam đều tập hợp dưới lá cờ của Đảng. Kể cả những trí thức từ nước ngoài trở về như: Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông... là một bộ phận khăng khít của nhân dân lao động theo hướng "công nông hoá".

Bác Hồ đề cao việc trọng dụng nhân tài; đồng thời yêu cầu đề cao về đạo đức ở người trí thức. Theo Bác, đức là cái gốc, còn tài là cái quan trọng. Trong bài viết về cán bộ cách mạng, Bác tóm tắt về đạo đức cách mạng "Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân". Người giải thích: "Suốt những năm kháng chiến, chúng ta đã vượt mọi khó khăn, thu nhiều thắng lợi. Một trong những nguyên nhân căn bản là: cán bộ ta đã nhận rõ đánh giặc cứu nước là phải, rụt rè cầu an là trái", đã giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang. Do đó, cán bộ ta đã vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề, đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc".

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế trong công tác trí thức, rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết, đề ra hệ thống đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác trí thức của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, phát triển một đội ngũ trí thức Việt Nam hiện đại ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Việc quán triệt và triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn xã hội và của chính những người trí thức.

Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày nay, lực lượng trí thức đang làm việc trong tất cả các lĩnh vực; và khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới để tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức, thì vấn đề "xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh" đã trở thành chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Đó cũng chính là đường lối được Đảng ta kế thừa và phát huy.

NGUYỄN VĂN THANH

(0) Bình luận
Bác Hồ trọng dụng hiền tài