Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Dấu ấn của Người ở xứ sở sương mù

05/06/2021 18:38

Trong 30 năm tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã lưu lại Anh quốc 4 năm từ 1913-1917, quãng thời gian không dài nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình tư tưởng chính trị của Người.

Bac Ho ra di tim duong cuu nuoc: Dau an cua Nguoi o Xu so Suong mu hinh anh 1

Tòa nhà được xây dựng trên nền khách sạn Carlton cũ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong những năm tháng ở London. (Ảnh: TTXVN)

Cách đây 110 năm, vào ngày 5.6.1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, đã rời Bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình tìm đường giải phóng dân tộc.

Trong 30 năm tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã lưu lại Anh quốc 4 năm từ 1913-1917, quãng thời gian không dài nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình tư tưởng chính trị của Người.

Phóng viên TTXVN tại Anh đã có chuyến trải nghiệm đầy thú vị tới những địa danh tại London nơi Bác từng sống và làm việc.

Một sáng tháng 6 trong tiết đầu hè mát dịu, trời London trong xanh, nắng vàng như rót mật, tôi tới thăm khách sạn Drayton Court trên phố The Avenue thuộc quận Ealing, phía tây Thủ đô London.

Nằm thanh lịch tại một trong những vùng ngoại ô xanh và đẹp nhất London, Drayton Court là một trong những quán rượu lâu đời và lớn nhất ở Ealing, mở cửa vào năm 1894.

Với kiến trúc mặt tiền ấn tượng và lối trang trí cổ điển, tao nhã, nơi đây là địa điểm lý tưởng để tận hưởng một kỳ nghỉ thư giãn cuối tuần bên gia đình, hoặc thưởng thức đồ uống cùng bạn bè tại một trong những vườn bia lớn nhất tây London.

Song Drayton Court còn hấp dẫn du khách bởi đây là khách sạn duy nhất ở London từng có một nhân viên phục vụ sau này trở thành một lãnh tụ tầm vóc thế giới, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một tấm biển xanh gắn tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại toà nhà được xây dựng trên nền khách sạn Carlton cũ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong những năm tháng ở London. (Ảnh: TTXVN)

Trên trang web của Drayton Court, phần giới thiệu lịch sử khách sạn viết “Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của Việt Nam, đã làm việc vất vả tại bếp ăn của khách sạn vào năm 1914, trước khi ông tiếp tục hành trình thay đổi lịch sử của đất nước, đánh đuổi các lực lượng từ Nhật Bản, Pháp và Mỹ.”

Bước vào khách sạn với lối kiến trúc và trang trí cổ điển, lịch lãm, tạo cho du khách cảm giác thật thư giãn, tôi không khỏi xúc động khi mường tượng lại những tháng ngày lao động cực nhọc đến kiệt sức của người thanh niên mới ngoài đôi mươi Nguyễn Tất Thành tại đây hơn một thế kỷ trước.

Trò chuyện với nhân viên lễ tân của khách sạn, tôi được biết sau khi Drayton Court được tân trang vào năm 2011, khu bếp nơi Bác từng làm việc đã được xây mới hoàn toàn và trở thành một phần của khu vườn bia xanh mát, thoáng đãng nằm phía sau khách sạn.

Dạo quanh vườn bia nơi những người khách địa phương vui vẻ tận hưởng những ly bia cùng bạn bè, tôi như thấy thấp thoáng hình bóng người thanh niên Việt Nam mảnh dẻ không quản vất vả, miệt mài làm việc trong căn bếp xưa của khách sạn.

Mặc dù Drayton Court hiện không còn lưu dấu thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại đây, dấu ấn của Người dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Khi tôi đang loay hoay ngắm nghía các góc bên ngoài khách sạn để lấy được một khuôn hình ưng ý, một người đàn ông chừng 60 tuổi tới gần và hỏi: “Cô có biết tòa nhà này có điều gì đặc biệt không?”

Tôi vờ hỏi lại: “Là điều gì ạ?” “Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam từng làm việc.”

Trong tôi dâng lên cảm giác ngạc nhiên thích thú xen lẫn tự hào.Giữa cuộc sống hiện đại đầy bận rộn của London, một người dân Anh đã nhắc tới vị lãnh tụ của Việt Nam trong sự kiện lịch sử từ hơn một thế kỷ trước.

Tôi chưa kịp phản ứng thì ông đã tiếp tục: “Đây thực sự là một điểm đến thú vị và đặc biệt của Ealing. Rất nhiều du khách đã tới tham quan.”

Khách sạn Drayton Court tọa lạc trên con phố The Avenue yên tĩnh thuộc quận Ealing, phía tây London. (Ảnh: TTXVN)

Người đàn ông tên Brian cho biết ông sống tại khu nhà chung cư ngay cạnh khách sạn. Khi biết tôi là người Việt, ông hồ hởi nói đã gặp rất nhiều du khách Việt Nam tới đây, và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Hồ Chí Minh, người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

Rời Drayton Court với niềm vui xen lẫn tự hào, tôi tiếp tục hành trình của mình tới tòa nhà New Zealand nằm trên phố Haymarket.

Trái ngược với không gian tĩnh lặng của Drayton Court trên con phố The Avenue vắng vẻ, tòa nhà New Zealand hiện đại nằm cuối phố Haymarket nhộn nhịp ngay giữa trung tâm London, gần Quảng trường Trafalgar và Bảo tàng Quốc gia London.

Tòa nhà 19 tầng của Cao ủy New Zealand là tòa nhà cao tầng đầu tiên được xây dựng ở trung tâm London, trên nền khách sạn Carlton, một khách sạn hạng sang mở cửa từ năm 1899-1940 trước khi bị bom phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh.

Trong thời gian sống ở London, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phụ bếp tại khách sạn Carlton. Mặt trước của tòa nhà New Zealand có gắn tấm biển màu xanh hòa bình với dòng chữ “Năm 1913, Hồ Chí Minh (1890-1969) - người sáng lập nước Việt Nam - làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà từng nằm trên nền đất này.”

Nơi đây có lẽ là điểm đến nổi tiếng nhất ở London với du khách Việt. Các phái đoàn làm việc của Việt Nam tới London thường đề nghị Cao ủy New Zealand được ghé thăm tầng hầm bên dưới tòa nhà, nơi trước kia là khu bếp của khách sạn Carlton.

Năm 1914, Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ tại khách sạn Drayton Court tọa lạc trên con phố The Avenue yên tĩnh thuộc quận Ealing, phía tây London. (Ảnh: TTXVN)

Tòa nhà New Zealand cũng được nhiều người dân địa phương và du khách biết đến bởi sự đặc biệt của nó. Khi tôi đang chăm chú đọc tấm biển xanh bên ngoài tòa nhà, trước sự ngạc nhiên của tôi, một người đàn ông đạp xe ngang qua đã dừng lại, vui vẻ hỏi tôi có muốn ông chụp giúp một bức ảnh bên dưới tấm biển, bởi ông chắc chắn tôi là người Việt Nam.

Không những đồng ý ngay, mà tôi còn hỏi liệu ông có thể chụp cùng tôi một bức ảnh tại địa điểm đầy ý nghĩa này.

Cuộc trò chuyện chừng 10 phút giữa tôi và ông Steven giúp tôi hiểu được tình cảm đặc biệt ông dành cho Việt Nam.

Steven cho biết ông là người gốc London, sống tại khu Covent Garden, cách tòa nhà New Zealand chừng một cây số. Ông nói thực sự cảm phục lòng yêu nước của Hồ Chí Minh và cho rằng chính lòng yêu nước đó đã giúp Người tìm ra con đường giành độc lập cho dân tộc.

Steven khiến tôi thực sự cảm kích khi nói rằng bất cứ khi nào tôi hoặc bạn tôi đến Anh, hãy gọi cho ông. Ngồi ngay dưới vỉa hè, ông hì hụi ghi vào mẩu giấy nhỏ tên, địa chỉ và số điện thoại của mình, đưa tôi và nói rằng ông luôn chào đón những người bạn Việt Nam.

Tôi cảm thấy thật may mắn khi gặp được Steven, bởi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giúp tôi thấm thía rằng lòng yêu nước, sự can đảm và tầm nhìn của Hồ Chí Minh đã khiến cả thế giới biết tới sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Tháng 5.1913, Hồ Chí Minh rời Pháp đến Anh, đế quốc lớn nhất thế giới thời bấy giờ, để học tiếng Anh và tận mắt quan sát quyền lực thống trị của chủ nghĩa đế quốc.

Tại Anh, để trang trải cuộc sống và dành tiền học tiếng Anh, Người đã làm những công việc nặng nhọc như quét tuyết, đốt lò, phụ bếp tại khách sạn Drayton Court và rửa bát đĩa tại khách sạn Carlton.

Theo nhà văn, nhà sử học, Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Thư viện Marx ở London, John Callow, 4 năm ở London đã góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính tại đây, lần đầu tiên Người đã đọc các tác phẩm của Karl Marx và FriedrichEngels và đã áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập cho đất nước.

Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, làm thay đổi chiều hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, đồng thời ghi dấu ấn trong lịch sử thế giới hiện đại.

Từ một người yêu nước chân chính, Bác trở thành người chiến sĩ cộng sản, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước.

Với tôi, chuyến đi theo chân Bác ở London để lại những cảm xúc thật đặc biệt. Tôi thầm biết ơn Người bởi sự vĩ đại của Người đã giúp những người xa lạ như tôi, Steven và Brian trở thành những người bạn gần gũi.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Dấu ấn của Người ở xứ sở sương mù