Bác Hồ nói về người thầy thuốc

26/02/2011 22:04

Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các thầy thuốc nên cácthầy thuốc phải có chí học tập, rèn luyện để giỏi về chuyên môn, phảiluôn trau dồi tư tưởng chính trị là phục vụ nhân dân.


Bác về thăm Viện Quân y 7 năm 1957. Ảnh tư liệu

Vừa sau ngày tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam mới (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy một vấn đề hết sức quan trọng của toàn dân tộc lúc này là sức khỏe. 

Nước ta vừa mới ra khỏi sự đô hộ hơn 80 năm của hai đế quốc Pháp - Nhật, vừa thoát khỏi ách phong kiến ngàn năm, nền kinh tế đang ở tình trạng kiệt quệ, dân ta vừa có hơn hai triệu đồng bào chết đói. Sức khỏe của toàn dân bị sa sút nghiêm trọng. Trước tình hình ấy, ngày 27-3-1946, Người đã viết bài báo nổi tiếng Sức khỏe và thể dục nêu rõ vai trò của sức khỏe và kêu gọi mọi người dân "luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe": "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh, tức là cả nước khỏe mạnh". Ở một bài viết khác, Người nói: "... muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc. Như vậy, Bác Hồ đã coi sứ mệnh của người thầy thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc (giữ gìn dân chủ), "xây dựng nước nhà" và phát triển đất nước (gây đời sống mới). Người đã xác định cho người thầy thuốc làm "một nhiệm vụ rất vẻ vang": "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Ðó là một nhiệm vụ rất vẻ vang". Trong một đoạn văn ngắn, hai lần Người dùng hai chữ phó thác thật đắt vì nội hàm từ phó thác vừa có nét nghĩa "giao cho cái quan trọng" vừa có nét nghĩa "tin tưởng vào người nhận" . Câu nói của Người đã trở thành khẩu hiệu để rèn luyện ý chí, bản lĩnh người thầy thuốc: "Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi". Những lời Bác Hồ nói về người thầy thuốc rất cụ thể, sâu sắc, toàn diện và thật chí tình.       

Bác Hồ có một quan niệm mang tính chuẩn mực về sức khỏe: "khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe". Trong quan niệm của Người, sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, quan niệm này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978: "Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà còn là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội". Thế nên Người đã đề ra một nhiệm vụ vừa cụ thể vừa toàn diện cho người thầy thuốc: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu" - Người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền.

Chúng ta tìm thấy trong lời căn dặn của Người những lời nói thật ấm áp tình người, sâu đậm một giá trị nhân văn. "Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ. Người ta có câu "Lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền". Ðây là một đoạn mà chúng tôi trích ra từ Thư gửi Hội nghị quân y Người viết tháng 3 năm 1948 đăng trên báo Cứu quốc, số 908 ngày 23-4-1948. Nói rõ xuất xứ như vậy để chúng ta hiểu sâu hơn tư tưởng của Người: thầy thuốc phải hết sức cảm thông với "anh em quân nhân", phải thấu hiểu hoàn cảnh người bệnh, phải "cảm động cảm hóa" người bệnh bằng "lòng nhân loại và tình thân ái". Tư tưởng của Người đã gặp gỡ với ý nghĩa của một thành ngữ Hán Việt: "Lương y kiêm từ mẫu", Người mượn luôn thành ngữ này và dịch ra bằng ngôn ngữ thuần Việt: "Nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền".    

Nghề thầy thuốc là một nghề vất vả, khó nhọc. Bác Hồ đã từng dạy: "Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó". Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các thầy thuốc nên các thầy thuốc phải có chí học tập, rèn luyện để giỏi về chuyên môn, phải luôn trau dồi tư tưởng chính trị là phục vụ nhân dân.

Ðây là lời căn dặn cán bộ ngành y tế của Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng đến hôm nay vẫn đậm tính thời sự:

"- Về chuyên môn: Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta...
- Về chính trị: Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác. Ðặc biệt, Người luôn khuyến khích cán bộ y tế tự nghiên cứu, tìm tòi phát huy sáng kiến kinh nghiệm trong công tác:
"Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: Người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng" - Người thầy thuốc phải thật thà, đoàn kết.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng biện chứng: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công". Nói riêng với ngành y tế, Người cũng nhiều lần nhắc đến đoàn kết, chúng tôi xin trích ra ví dụ tiêu biểu: "... Phải thật thà, đoàn kết - Ðoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Ðoàn kết thì vượt qua được mọi khó khăn, giành nhiều thành tích.

Ðoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Ðoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân".

(0) Bình luận
Bác Hồ nói về người thầy thuốc