Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, một nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc. Những quan điểm giáo dục của Bác hàm chứa nhiều vấn đề lý luận sâu sắc.
Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh
căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong tư tưởng lớn lao của Người vào thời điểm mà đất nước đang tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là mối quan hệ giữa giáo dục và kinh tế.
Như chúng ta đã biết, trong học thuyết chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục có vai trò quan trọng đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội cũng đã xác định chức năng kinh tế của hệ thống giáo dục quốc dân: giáo dục vừa là mục đích, vừa là sức mạnh của kinh tế. Đó là bộ phận chủ yếu của đời sống tinh thần và là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Thấu hiểu sâu sắc vấn đề lý luận này, Bác Hồ đã vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước ta. Ngay từ những ngày đầu vừa mới giành được chính quyền cách mạng, Bác đã đặt mục tiêu của chế độ mới là làm cho mọi người “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Để đạt được mục đích đó, Bác đã đề ra ba nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Khi xem xét mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với giáo dục trong sự phát triển của xã hội, Bác nói: “Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nếu kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau”. Xem như vậy, chúng ta thấy giáo dục tạo ra tiềm năng trí tuệ để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và kinh tế tạo ra tiềm lực vật chất để hỗ trợ giáo dục phát triển. Thông qua việc đào tạo lao động cho các ngành sản xuất, giáo dục đã trở thành một bộ phận quan trọng có tác dụng mạnh mẽ đến sự vận động của hệ thống kinh tế các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
Trong mối quan hệ này, xét theo tính năng động của ý thức thì giáo dục phải đi trước một bước. Vì thế, Bác Hồ khẳng định: “Không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa". Bác mong sao, mỗi việc làm của giáo dục phải thấu suốt các yêu cầu kinh tế và ngược lại những công việc kinh tế phải nhằm đạt tới cả lợi ích vật chất lẫn tinh thần.
Nói một cách khái quát là mọi hoạt động đều phải hướng tới cả giá trị kinh tế lẫn giá trị giáo dục.
Bác đặc biệt quan tâm đến tính kế hoạch trong việc quản lý nền giáo dục quốc dân. Trong một lần nói chuyện với đại biểu toàn ngành giáo dục, Bác chỉ thị: “Trước kia mỗi công tác đều làm kiểu du kích. Bây giờ phải chuyển vào kế hoạch, chuyển vào chính quy. Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải ăn liền với kế hoạch kinh tế”. Vì rất coi trọng nguyên tắc khoa học trong việc xây dựng kế hoạch hóa giáo dục nên Bác khuyên: “Chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai, nhưng không thực hiện được”. Bác nhấn mạnh: "Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được” và “khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất, “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng”. Hơn nữa, cần phải bảo đảm cho kế hoạch “các việc phải ăn khớp với nhau”. Kế hoạch năm trước phải đặt nền tảng cho kế hoạch năm sau, bảo đảm cho sự “tiến lên nữa, tiến lên mãi”. Bác cho rằng khi hai mặt kinh tế và giáo dục trong một bản kế hoạch “đồng tâm, hiệp lực khắc phục khó khăn, thì kinh tế cũng thành công, giáo dục cũng thành công”.
Ngay trong phạm vi của nhà trường, mối quan hệ giữa kinh tế và giáo dục cũng phải được thể hiện. Bác nói: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia những công tác xã hội, ích nước, lợi dân”. Và đối với học sinh các lớp phổ thông lớn tuổi thì Bác khuyên nên đào tạo các em theo phương thức “vừa học tập, vừa lao động”.
Sự phát triển của giáo dục trong điều kiện kinh tế của xã hội ta hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Để giải quyết được các vấn đề đó trước hết chúng ta cần quán triệt những luận điểm cơ bản của Bác Hồ về mối quan hệ kinh tế và giáo dục. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Câu nói đó của Bác bao hàm ý nghĩa sâu sắc cả về mặt kinh tế lẫn mặt giáo dục. Đó là phương pháp luận chỉ đạo việc thực hiện chiến lược đào tạo con người trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.
TS. PHẠM TRUNG THANH