Bà Tư Nhiên

17/07/2011 10:30



Cứ giữa trưa bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau tụ tập dưới tán cây bàng ở giữa làng. Thằng Tiến, một thằng nhóc mập ú, khôn ngoan và lanh lợi nhất trong bọn, đứng ra cầm đầu chúng tôi. Nó phân chúng tôi ra thành hai nhóm. Xong đâu đấy, nó đưa ngón tay vào miệng huýt lên một hồi còi lập tức chúng tôi xông vào cuộc quần nhau chí tử với quả bóng được làm bằng một quả bòng non. Một lúc sau, Tiến lại đưa hai ngón tay vào miệng huýt lên một hồi còi nữa. Đó là hiệu lệnh bảo chúng tôi nghỉ, đến quán bà Tư Nhiên mua kẹo, mua đường "tẩm bổ". Lập tức đứa nào đứa nấy đều thò tay vào túi áo, túi quần lôi ra những đồng tiền nhàu nát mà chúng tôi cạy cục xin mẹ rồi chạy ù đi.
Quán bà Tư Nhiên là một cái chòi tranh rách nát được dựng lên trước mặt một ngôi nhà tranh vách đất cũng rách nát như vậy. Bà Tư Nhiên sống một mình. Trước đây bà sống với một cậu con trai nhưng con trai bà đã nhập ngũ và hy sinh. Nghe mọi người nói do bà khóc nhiều vì nhớ thương con nên mắt bà bị mù.

Chúng tôi nhao nhao:
- Bán cho con một cái kẹo đi, bà.

- Bán cho con cái kẹo lạc, bà.
Bà Tư run run đưa tay trái lên cầm tiền còn tay kia đưa kẹo cho chúng tôi. Bà nhận được tiền thì bỏ ngay vào cơi trầu đặt dưới bàn, hầu như không bao giờ bà đếm tiền, bà tin chúng tôi.
Trưa hôm đó, sau hiệu lệnh của thằng Tiến, tôi cho tay vào túi. Những đồng tiền lẻ mà mẹ cho tôi đã biến đâu mất. Tôi ngần ngừ một lúc, nhưng nỗi thèm kẹo đã khiến tôi lủi thủi đi theo sau đám bạn mong được "ăn ké" của một đứa nào đó. Giữa đường, nghĩ xấu hổ, tôi bèn quay lại.
- Sao mày không đi mua kẹo? - Thằng Tiến đi phía sau hỏi tôi.
- Tao không có tiền.
Thằng Tiến cười sằng sặc:
- Chứ từ trước đến nay tao đâu có tiền mà vẫn mua được kẹo?
Tôi ngạc nhiên:
- Thế mày mua bằng thứ gì?
Tiến không trả lời ngay. Nó kéo tôi ra một chỗ, rút trong túi ra mấy tờ giấy lộn được cắt gọn ghẽ như mấy đồng tiền, nó nói nhỏ:
- Tao chuyên đưa bà Tư những tờ giấy này. Bà ấy mù, bà ấy đâu có biết - Nó ngừng một lát rồi nói tiếp - Tao có ba tờ tao cho mày một tờ. Mày đợi bọn nó mua xong, rồi cuối cùng mình mới mua.
Tôi ngần ngừ một lát nhưng cuối cùng cũng cầm tờ giấy lộn. Tôi có cảm giác khi cầm đồng "tiền giả" của tôi, mắt bà Tư như có tia sáng lóe lên. Nhưng bà không nói gì, vẫn bỏ nó vào cơi trầu và đưa viên kẹo bi cho tôi.
Trưa hôm sau, sự việc vẫn lặp lại như lần trước. Nhưng khi tôi và thằng Tiến đến quán thì không có cảnh mua bán nào xảy ra cả. Đám bạn đến trước đều đứng túm lại giữa quán nhìn sững vào trong nhà bà Tư. Trong nhà có tiếng người lao xao. Một bác nông dân quen biết trong làng đang ngồi giở cơi trầu của bà Tư ra đếm tiền và nói vọng ra.
- Các cháu về đi. Bà Tư trúng gió chết hôm qua rồi.
Chúng tôi sững sờ, đứng im không nhúc nhích - Bác nông dân lẩm bẩm điều gì đó rồi quay vào nhà nói với ai đó:
- Số tiền này vừa đủ mua chiếu gói bà ấy đấy - Im lặng một lúc rồi bác nói tiếp - bà mù mà tinh thật, bọn xỏ lá đưa giấy lộn cho bà, bà cũng nhận rồi gói riêng ra.
Tôi và Tiến đứng như chôn chân dưới đất, sống lưng lạnh buốt.
Từ đó đến nay cũng đã nhiều năm trôi qua tôi vẫn không sao quên được chuyện cũ. Tôi đã chuyển nhà đến nơi khác để sinh sống và mỗi lần về thăm quê, tôi đều rủ Tiến ra thăm mộ bà Tư Nhiên. Cả hai đều đứng lặng im, miệng lầm rầm mong bà tha thứ. Trong cuộc đời mỗi con người, đều có những sai lầm mà không bao giờ ta có dịp để sửa chữa.

Tác phẩm dự thi lớp sáng tác trẻ năm 2011 của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh


Nguyễn Thị Việt Chinh (Lớp 10A1, Trường THPT Kinh Môn)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bà Tư Nhiên