Bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang) khóc "nức nở" tại tòa khi bổ sung lời bào chữa và nói "mang tiếng em ông Triệu Tài Vinh bao lâu nay.
Bị cáo Triệu Thị Chính
Sáng 18.10, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án gian lận thi THPT năm 2018 tại Hà Giang bước sang ngày thứ 5.
Mở đầu lời bào chữa trước HĐXX, bị cáo Triệu Thị Chính khóc nói: "Hôm nay tôi đứng đây, dù tòa tuyên án tội tôi thế nào, tôi vẫn ngẩng cao đầu nói với cả đất nước Việt Nam rằng tôi không phạm tội.
Những người muốn tôi vào tù tội, trong thâm tâm họ chắc chắn sẽ có lúc họ ăn năn hối lỗi, tôi sai, tôi chịu, tôi tin tưởng vào sự phán quyết của tòa, của cơ quan pháp luật của tỉnh. Tôi là người sống và làm việc thế nào chưa một lần nào cơ quan điều tra, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) từ khi tôi dính vào vụ việc này để nghe xem tôi làm như thế nào, tôi đã làm gì?
Hôm nay có đồng nghiệp tôi ở đây, có những người không thân thiết, có những người mong muốn tôi có thể bị nạn, tôi vẫn ngẩng cao đầu để nói với HĐXX".
"Tôi mang tiếng em ông Triệu Tài Vinh"
Bà Chính trình bày: Thứ nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) truy tố bà về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358 Bộ luật hình sự, bà đề nghị làm rõ ngay khái niệm này từ ban đầu thì mới truy tố được.
"Theo điều luật, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi nhận, hoặc sẽ nhận lợi ích nào dưới đây để sai khiến người khác. Điểm a, là vật chất, 'không buộc tội bất cứ bị cáo nào ở đấy, cái này để dư luận đánh giá, lên tiếng', còn điểm b, là phi vật chất, VKSND chỉ rõ cho tôi tất cả những người nhắn tin cho tôi, tôi không liên hệ trực tiếp với người nào và tin nhắn nếu có tôi trả lời chỗ nào thể hiện tội nhận lợi ích phi vật chất, tôi nhận và đòi nhận và người ta đáp trả phi vật chất là cái gì.
Trong khi đó tôi đã hết tuổi bổ nhiệm, thầy Sử, thầy Bình nói có cả những điều tế nhị 'năm nay chị hết nhiệm kỳ rồi, căng thẳng lắm, chị làm giúp em, cô làm giúp tôi, tôi sắp nghỉ hưu rồi'. Trong 7 thí sinh thầy Sử nhờ tôi thì tôi phải nhận lợi ích phi vật chất từ ông Sử, chứ tôi không nhận từ ông Triệu Tài Vinh.
Tôi mang tiếng em ông Triệu Tài Vinh bao lâu nay, tôi lên hiệu trưởng trường nội trú, lên phó giám đốc sở ông Triệu Tài Vinh có biết đâu. Tôi đề nghị VKSND chỉ rõ nhận phi vật chất là gì, nếu không chứng minh được sao lại buộc tội tôi", bị cáo Chính nói.
"Thương các cháu Hà Giang mình"
Bà Chính tiếp tục biện luận: "HĐXX nói rằng biên bản làm việc của Bộ GD.ĐT ngày 16.7, trong đó có tôi và Hoài, riêng biên bản của Bộ GĐ-ĐT làm việc của Hoài, VKSND vừa nêu lúc đó xảy ra trước khi Hoài bị truy tố, sau khi bị truy tố Hoài đều khai thống nhất.
Tại sao biên bản làm việc ngày 16.7 của tôi với Bộ GDĐT lại được vận dụng. Trong khi có ghi tôi nhờ nâng điểm 10 thí sinh và xem hộ cho 3 thí sinh, vậy càng mâu thuẫn với số lượng Hoài nêu ra là nhờ nâng điểm 12 thí sinh, xem điểm cho 1 thí sinh".
Bị cáo Chính cũng cho biết, từ ngày xảy ra sự việc bà không gặp một lãnh đạo nào, thậm chí bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) là người nhắn tin cho bị cáo để nhờ vả, bị cáo cho biết đến bây giờ còn không nhớ mặt bà Nga.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, VKSND công bố một loạt tin nhắn giữa bà Nga và bị cáo Chính: "Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu thi vừa rồi, bạn giúp mình với nhé". Sau đó, bà Nga nhắn một tin nhắn đầy đủ nội dung họ tên thí sinh, số báo danh, phòng thi.
Tiếp sau đó, bà Nga nhắn tin "cảm ơn bạn nhiều" gửi cho bà Chính và được bà Chính trả lời: "Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình". Ngoài ra, VKSND cũng công bố một loạt tin nhắn gửi đến số điện thoại của bà Chính để nhờ vả và được bà Chính đồng ý giúp.
Hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước bị xâm hại
Tranh luận với những ý kiến bác bỏ cáo trạng truy tố, bào chữa của luật sư, bị cáo Triệu Thị Chính, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Chính là lập danh sách 13 thí sinh.
"Theo quy định của luật, động cơ trục lợi về vật chất (tiền, tài sản) và lợi ích phi vật chất đã thể hiện rất rõ trong cáo trạng (bị cáo Chính đưa các con lãnh đạo tỉnh, cán bộ công tác trong Sở GD-ĐT, bị cáo đưa 2 cháu). Đại diện VKSND khẳng định đây là lợi ích phi vật chất, và là căn cứ để truy tố theo quy định của pháp luật", đại diện VKS nói.
"Luật sư cho rằng không có khách thể bị xâm hại trong vụ án này, đại diện VKSND khẳng định ở đây khách thể là hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong quá trình điều tra và phiên tòa, bị cáo Hoài luôn khẳng định sẽ nâng được điểm môn ngữ văn và bị cáo đã trình bày rõ những phương thức thực hiện và thời điểm nâng điểm, lời khai của bị cáo khẳng định việc đó thực hiện được.
Trên thực tế, rất nhiều nhân chứng tại tòa là đại diện Sở GDĐT, thanh tra Sở GDĐT, thanh tra Bộ GDĐT được hỏi có thể nâng điểm môn ngữ văn hay không họ cũng không dám chắc. Nhiều nhân chứng cũng nói thi trắc nghiệm trên máy nghĩ không có khả năng sửa điểm tuy nhiên Lương vẫn sửa được, thực tế tại Sơn La, Hòa Bình cũng đã nâng điểm", đại diện VKSND trình bày.
Đại diện VKS cho biết căn cứ vào tài liệu, căn cứ vào lời khai tại phiên tòa của các bị cáo và thẩm vấn các nhân chứng, đều khẳng định nhờ bị cáo Chính nâng cho con thi đỗ vào đại học. Như vậy, lời khai đó thể hiện trực tiếp việc nhờ bị cáo Chính. VKSND khẳng định việc truy tố bị cáo Chính là có căn cứ.
Theo Tuổi trẻ