Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Hà Nội bị "điểm tên" vì văn bản chống dịch thay đổi liên tục

20/10/2021 14:36

Văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương, vẫn có tình trạng một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Quochoi.vn

Nội dung trên được nêu ra trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 20.10.

Theo đó, trong công tác phòng chống dịch, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, kịp thời ban hành trên 100 văn bản để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế.

Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương. Có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng quyền hạn.

Đặc biệt, có những văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Đơn cử, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên COVID-19 chỉ trong vòng một ngày.

Hay ở tỉnh Hà Nam, chỉ sau vài giờ ban hành quyết định áp dụng Chỉ thị 16 toàn bộ TP Phủ Lý lại ban hành quyết định điều chỉnh, thu hẹp và giãn cách một phần của 12 xã, phường thuộc thành phố này. Còn tại Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường hay việc phân vùng dịch chưa phù hợp.

Trong chỉ đạo, điều hành còn lúng túng, thiếu thống nhất; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán; một số địa phương còn chủ quan; công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả. Việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện.

Cơ quan thẩm tra cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện là do Chính phủ chưa ban hành được chiến lược tổng thể về phòng chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu đưa vào nghị quyết kinh tế - xã hội để giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ như đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm nguồn lực tiêm chủng vaccine...

Tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30, chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có tính chất quy phạm có liên quan về công tác phòng chống dịch COVID-19. Huy động các kênh ngoại giao để tăng hợp tác, hỗ trợ phòng chống đại dịch.

Đồng thời, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng chống dịch; rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng chống dịch bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn.

Có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khen thưởng kịp thời. Đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Hà Nội bị "điểm tên" vì văn bản chống dịch thay đổi liên tục