Bà ngoại

03/06/2012 13:17

Gửi ngoại kính yêu của con!



Những chiều chủ nhật nhàn rỗi, tôi và đứa bạn thân thường vi vu ở các ngõ ngách của thành phố. Mấy hôm trước, Điệp bảo với tôi là nó đã phát hiện ra một nơi rất thú vị. Tôi gặng hỏi mãi nhưng nó chẳng chịu nói, chỉ nháy mắt và nói với giọng đầy bí ẩn: "Tớ muốn tạo bất ngờ cho cậu". Như đã hẹn, nó đợi tôi ở dưới chân cầu, nó phóng như bay khiến tôi phải gò mình đạp xe theo. Nó ngoảnh lại hét vang cả con đường:

- Nhanh lên cậu ơi, sắp tới nơi rồi!
Đến nơi quả thật là tôi rất bất ngờ vì khung cảnh nơi đó:

- Điệp ơi! Cậu thật tuyệt! Sao Hải Dương cũng có con đê quê thế này ư? Điệp toét miệng cười:
- Tớ phải tìm mãi mới thấy chỗ này đấy, giống y con đê quê cậu nhỉ?

Ôi! Con đê này giống quê ngoại thật, nó cũng có dẫy tre, con sông rộng lớn và đặc biệt cũng có khóm lau đung đưa trước gió... Điệp té nước sông mát rượi vào người tôi làm cắt dòng suy nghĩ vẩn vơ. Tôi đuổi theo nó, rồi chúng tôi thi nhau hét vang xuống mặt sông để quên đi mọi vướng bận trong lòng... Thật thú vị, những cơn gió cứ đùa giỡn mái tóc dài của chúng tôi, khiến chúng bay phơ phất trên cái nền vàng của buổi chiều. Giờ đây, không còn chỗ của tiếng xe cộ inh tai, không còn nhịp sống vồn vã, gấp gáp thị thành nữa... mà thay vào đó là tiếng chim hót thánh thót trên rặng tre xanh mướt, là cái dáng thong thả của con thuyền trôi... Nhưng đẹp hơn cả là những bông lau đang uốn mình theo gió, chúng mang vẻ đẹp mềm mại và màu trắng tinh khôi quá. Tôi ấn tượng với loài cỏ dại này không phải chỉ vì vẻ đẹp ấy mà còn vì nó quen thuộc. Bà ngoại! Đúng rồi, bà ngoại kết vòng cô dâu cho tôi bằng loài cỏ này, làm sao tôi có thể quên được! Hè mấy năm trước, Điệp về quê ngoại cùng tôi, nó cắt tóc ngắn nên phù hợp với vai chú rể, còn tôi đóng vai cô dâu. Nhớ lại thấy thật buồn cười. Nhà bà ngoại gần đê nên con đê gắn bao kỷ niệm tươi đẹp với tôi. Con đê quê ngoại là nơi tôi được thả diều với những đứa trẻ quê vô tư, hồn nhiên. Hè năm nào, ông ngoại cũng làm cho tôi cái diều sáo thật to để thả cùng lũ trẻ trong xóm. Con đê này giống đê ở quê ngoại tôi quá!

Nhớ bà ngoại, mùi bồ kết lại xộc lên sống mũi tôi. Lúc nào về quê tôi cũng được bà gội đầu bằng thứ nước này. Tôi thích cảm giác được gội đầu do bàn tay của bà và thích mùi hương dịu khó quên ấy. Tuy tay bà đã nhăn nheo và chai sạm nhưng khi gội đầu cho tôi, chúng trở nên êm ái và mềm mại biết bao. Quê ngoại là một phần tuổi thơ tươi đẹp của tôi. Quay sang cô bạn, tôi nói:
- Này cậu ơi! Ở đây có cảm giác như ở quê ngoại thật.

Nó cong cái môi lên:
- Chuyện, tớ đã nói rồi mà.

Tôi kể với nó kỷ niệm tôi và nó ở quê ngoại mấy năm trước, có cười vang rồi ngồi lặng thinh mặc tôi miên man trong dòng suy nghĩ. Ngoại ngày xưa khỏe lắm, chẳng bao giờ bà chịu đi dép. Bà bảo với con cháu: đó là thói quen của bà rồi, đi dép vướng víu lắm. Khi ấy, tôi thường bóp chân cho bà vì lý do trẻ con: sợ bà đi đất sẽ bị đau chân. Nhưng hiện giờ, bà ngoại không được khỏe như trước nữa. Mấy hôm trước bà bị ngã từ trên cây vải xuống, tôi phải thi nên không về thăm được. Vườn ông bà ngoại trồng nhiều giống vải, đến mùa thu hoạch ngoại không muốn phiền con cháu nên không nhờ ai cả mà một mình trèo lên cây để hái. Nhưng không may, ngoại bị trượt chân ngã từ trên cao xuống, xương bị gãy nhiều chỗ. Đến giờ bà vẫn chưa thể đi lại bình thường, tuổi bà đã cao nên rất khó có thể bình phục được. Tôi thấy bản thân mình thật đáng trách, từ hôm ngoại bị ngã tôi chưa về thăm. Tôi không làm được gì cho ngoại vui, chắc bà buồn vì tôi nhiều lắm. Gió tát vào mặt rát quá, cái màu vàng của buổi chiều ngày càng sẫm màu sao buồn đến thế... Điệp quệt tay lau nước mắt cho tôi:
- Cậu làm sao thế?
Chẳng nhìn vào mắt nó tôi đáp:
- Bà ngoại!


Đoàn Thị Hồng Nhung (lớp 11 văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bà ngoại