Bà Bùi Thị Lộc được nhiều người biết đến là một tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu.
Không chỉ tích cực tham gia đóng góp với địa phương, bà Lộc còn nhanh nhạy trong kinh doanh
nhà hàng ăn uống để phát triển kinh tế gia đình
Bà Bùi Thị Lộc ở thôn Cờ Đỏ, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) không chỉ được biết đến do có nhiều thành tích trong phát triển giao thông ở địa phương mà còn là một tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu.
Dẫn chúng tôi đi thăm con đường nối giữa làng Lê Xá và làng Vũ Xá, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc kể: "Nếu không có bà Lộc hỗ trợ thì không biết khi nào địa phương mới làm lại được con đường này. Con đường đã giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn nhiều". Con đường này nối từ thôn Lê Xá đến thôn Vũ Xá rồi ra cánh đồng dài hơn 900 m, trước đây là đường đất. Vào mùa mưa nhiều đoạn đường bị lầy lội, trơn trượt, trên đường hình thành nhiều vũng nước lớn, còn vào mùa nắng thì bụi bẩn. Nhiều người dân sinh sống ở khu vực này chấp nhận đi con đường khác xa hơn chứ không dám đi qua đây. Xã Cẩm Phúc cũng đã muốn làm lại tuyến đường này nhưng không thể do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn hẹp.
Nhận thấy con đường đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại và sản xuất của nhân dân nên bà Lộc chủ động đề xuất ý tưởng và xin ý kiến lãnh đạo xã Cẩm Phúc. Khi bà Lộc nói lên suy nghĩ của mình, có ý kiến nêu lên những khó khăn như nguồn kinh phí đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, với nhiệt tình của bà Lộc, UBND xã Cẩm Phúc đã tổ chức một cuộc họp để bà trình bày kế hoạch, nguồn kinh phí. Thấy khả thi, xã Cẩm Phúc đã thành lập Ban giám sát hỗ trợ bà Lộc trong quá trình làm lại con đường.
Để làm được tuyến đường liên thôn, bà Lộc và Ban giám sát phải đi đến từng nhà để vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hầu hết các gia đình có ruộng đều phấn khởi, nhất trí ủng hộ đất. Với những gia đình chưa đồng ý, Ban giám sát và bà Lộc phải đến nhiều lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về tầm quan trọng của con đường sau khi làm lại. Đối với một số gia đình không hiến đất, bà Lộc đã bỏ ra gần 30 triệu đồng mua đất để mở rộng con đường.
Sau một thời gian thi công, con đường dài hơn 900 m đã được xây mới, rộng trung bình từ 3 m trở lên, cách một đoạn lại có chỗ tránh xe, độ dày đạt 18 cm theo đúng chuẩn NTM. Tổng kinh phí làm đường trên 800 triệu đồng, đều do bà Lộc tài trợ, nhân dân 2 thôn Vũ Xá và Lê Xá hiến khoảng 600 m2 đất mở rộng đường. Đường làm xong, người dân ở đây rất phấn khởi. Anh Tăng Văn Thứ ở thôn Vũ Xá cho biết: "Trước đây đường xấu, chúng tôi đi ra đồng rất vất vả. Nay nhờ đường rộng nên chúng tôi có thể đi cả xe máy, xe ô tô xuống tận bờ ruộng, vận chuyển nông sản được dễ dàng. Nhiều công nhân ở xa cũng đi qua con đường này để đến khu công nghiệp Phúc Điền, so với trước đoạn đường gần hơn nhiều".
Nói về việc làm của mình, bà Lộc cho biết: "Là một người con của địa phương, tôi luôn trăn trở mình phải có một chút đóng góp để cho làng xóm thêm khang trang, sạch đẹp. Vì thế, sau khi bàn bạc với các con, gia đình tôi quyết định ủng hộ xây dựng một công trình gì đó có ý nghĩa. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy việc làm lại con đường này sẽ mang lại nhiều lợi ích nên quyết định thực hiện".
Không chỉ làm đường giao thông, bà Lộc còn tích cực ủng hộ các phong trào ở địa phương. Hằng năm, ngoài việc đóng góp theo quy định, bà Lộc đều ủng hộ quỹ của Chi hội Người cao tuổi thôn Cờ Đỏ, Quỹ người nghèo hàng triệu đồng, ủng hộ xây dựng lại chùa Quang Ninh (thôn Cờ Đỏ) gần 20 triệu đồng.
Bà Lộc còn là một trong những tấm gương tiêu biểu của địa phương về vượt khó vươn lên làm giàu. Năm nay 60 tuổi nhưng bà Lộc đã phải một mình nuôi con từ 30 năm trước. Để có thể nuôi 3 người con khôn lớn trưởng thành, bà đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả. Theo lời kể của bà, là phụ nữ nhưng trước đây bà lại chọn công việc nặng nhọc là chuyên chở vật liệu xây dựng thuê cho người dân trong làng, trong xã để có thêm thu nhập. Thế rồi, kinh tế phát triển, quốc lộ 5 được mở, với sự nhanh nhạy của mình, bà đã vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kinh doanh hàng ăn. Do biết tính toán, tiết kiệm trong chi tiêu nên việc kinh doanh ngày càng phát triển. Từ một quán ăn nhỏ, đến nay, bà Lộc đã có 3 nhà hàng kinh doanh lớn mang tên Phúc Lộc. Các nhà hàng này không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho bà mà còn giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Là người có điều kiện kinh tế nhưng sống rất chan hòa, giản dị, tình cảm với láng giềng, có trách nhiệm với địa phương nên bà Lộc được nhiều người quý mến.
PV