Tùng và Quang là hai bạn cùng phố, lại cùng học với nhau từ lớp một, nên rất thân nhau. Tùng là con cô giáo Thảo, dạy môn bóng bàn ở Nhà Thiếu nhi tỉnh. Bố Tùng là sĩ quan quân đội, đóng gần nhà. Kinh tế gia đình Tùng ổn định nên việc học hành của Tùng khá thuận lợi. Còn bố mẹ Quang đều là công nhân. Mẹ Quang lại bị bệnh tim bẩm sinh, hay ốm đau, chữa chạy rất tốn kém. Kinh tế gia đình Quang khó khăn.
Từ giữa lớp 4, Tùng và Quang đều tham gia tập bóng bàn ở Nhà Thiếu nhi tỉnh. Hai đứa đều yêu thích môn này và tích cực luyện tập. Tất nhiên, Tùng được mẹ quan tâm nhiều hơn nên tiến bộ rất nhanh. Mới hơn một năm luyện tập mà Tùng đã được chọn vào đội tuyển bóng bàn của thành phố để tham dự giải bóng bàn nhi đồng toàn tỉnh. Lần ấy, Tùng đoạt giải nhất đơn nam. Quang còn nhớ, lúc Tùng vào trận chung kết đơn nam, Quang đã đứng ngoài gào đến khản cổ: “Tùng ơi cố lên, Tùng ơi cố lên!”... Khi Tùng vừa nhận huy chương vàng đơn nam và bước ra khỏi bục danh dự thì Quang đã đến ôm lấy Tùng mà hét lên: “Tùng vô địch, Tùng giỏi lắm!”. Cậu cũng vui sướng không kém gì Tùng.
Sau lần thi ấy, tên tuổi của Tùng lừng lẫy trong trường. Bạn nào gặp Tùng cũng chúc mừng, thán phục. Nhưng cũng sau lần thi ấy, Tùng có vẻ ít luyện tập hơn. Mỗi khi vào luyện tập, Tùng chỉ đánh qua loa ít phút rồi ra ngoài ngồi chơi, dường như Tùng cho mình không còn đối thủ ở tỉnh này! Lên lớp 6 thì Tùng chuyển vào đội luân huấn và học ở Trung tâm Huấn luyện thể thao của tỉnh. Từ đấy Tùng và Quang ít gặp nhau hơn.
Còn lại một mình, Quang vẫn kiên trì luyện tập bóng bàn. Mỗi khi vào luyện tập, Quang rất tập trung tư tưởng và đánh hết mình. Cậu thường để ý xem cách đánh của các thầy, cô và các bạn để rút kinh nghiệm. Về nhà, lúc rảnh rỗi, tuy không có bàn bóng nhưng cậu vẫn tự hình dung và tập lại các động tác cơ bản, như đôi công, giật phải, giật trái, cắt bóng... Thỉnh thoảng Quang còn ra tập ở một số “lò” bóng bàn bên ngoài Nhà Thiếu nhi tỉnh. Ở đây, Quang học hỏi thêm ở các bạn và các chú, các anh lớn tuổi cách giao bóng xoáy ngang, xoáy lên, xoáy xuống, giao bóng nhanh, cách xử lý bóng của đối phương khi họ dùng vợt gai hay vợt phản xoáy... Các chú, các anh thấy cậu bé ít tuổi mà đã có ý thức cầu thị và chí hướng vươn lên như thế, đều tận tình hướng dẫn.
Quang cứ kiên trì luyện tập và chẳng bao lâu kỹ thuật bóng bàn của Quang đã tiến bộ trông thấy. Có người bảo: “Thằng Quang nay mai sẽ có giải tỉnh cho mà xem!...”
Hè năm lớp 6, lại đến mùa thi bóng bàn thanh, thiếu niên toàn tỉnh. Lần này, Quang được chọn vào đội tuyển của thành phố để thi đấu giải thiếu niên toàn tỉnh. Giờ thì Quang đã lớn và chững chạc hơn nhiều. Qua mỗi vòng thi đấu, các thầy cô, bạn bè trong trường đều sửng sốt về lối đánh biến hóa và thành tích vượt trội của Quang. Nhờ Quang vào vai chủ lực mà đội của Quang luôn giành phần thắng. Điều đáng chú ý là Quang đều hạ đối phương với tỷ số “ba không” khá nhẹ nhàng. Trận chung kết đơn nam thiếu niên năm ấy diễn ra giữa Tùng và Quang. Ai cũng nghĩ Tùng sẽ “ăn” Quang dễ dàng, vì Tùng là dân “chuyên nghiệp”, còn Quang là dân “nghiệp dư”. Quang cũng nghĩ mình sẽ thua Tùng vì Tùng được tập luyện bài bản, kỹ càng hơn và nếu có thua Tùng thì cũng là chuyện bình thường. Quang chỉ tâm niệm sẽ cố gắng thi đấu hết sức để xem khả năng của mình đến đâu mà thôi.
Nhưng khi vào thi đấu, mọi người đều ngỡ ngàng vì cả kỹ thuật và chiến thuật của Quang đều khá nhuần nhuyễn, vững vàng. Quang có những quả giao bóng rất khó. Quang còn có quả giật phải thuận tay ngay trên bàn rất chuẩn xác. Gặp những pha như thế, Tùng thường không đỡ được. Giằng co đến ván thứ 5 thì Tùng tỏ ra lúng túng thực sự và có phần bực tức vì một cây vợt “chuyên nghiệp” mà lại không “ăn” được một tay “nghiệp dư vớ vẩn” à! Nhưng cuối cùng thì Quang đã thắng với tỷ số sít sao 11/9. Cả hội trường vỡ òa. Các bạn của Quang tràn xuống sân bóng ôm lấy Quang mà gào hét, ca ngợi. Quang vô cùng hạnh phúc. Còn Tùng thì ỉu xìu, thất vọng. Cậu ta cắn chặt môi và nước mắt ứa ra.
Sau mùa giải ấy, cả Tùng và Quang đều ra sức luyện tập. Riêng Tùng, cậu ta nghĩ: “Mình sẽ phải trả món nợ này vào mùa giải năm sau, nếu còn gặp lại thằng Quang!”. Nhưng buồn thay cho Tùng, mùa giải năm sau, tức mùa hè năm lớp 7, Tùng lại tiếp tục thua Quang ngay ở vòng loại của giải đơn nam thiếu niên toàn tỉnh. Tùng đã khóc rất lâu! Còn Quang cũng không thể ngờ sao lại có thể thắng được Tùng, vì kỹ thuật của cậu ta cũng rất cao, rất cơ bản. Về nhà nằm nghĩ, Quang mới vỡ lẽ, cái yếu của Tùng là tuy có kỹ thuật cơ bản, nhưng Tùng ít cọ xát, thi đấu với nhiều đối tượng, nhất là với những “kiếm khách” - một cái tên mà làng bóng bàn hay gọi với những “cao thủ tự do”. Đó là những cây vợt đã từng được huấn luyện ở các đội “chuyên nghiệp” nhưng không đi theo nghề bóng bàn chuyên nghiệp, mà đi làm các nghề khác. Họ đánh bóng bàn với đủ các kiểu, đủ các loại vợt, kể cả vợt mút, vợt gai, vợt chuội... rồi đủ các tiểu xảo, mánh khóe để “ăn người”. Động tác của họ không cần đẹp, miễn là hiệu quả cao.
Sau giải này, nghe nói Tùng đã chán nản và hình như có ý định “bỏ nghề bóng bàn” không theo chuyên nghiệp nữa! Có lần gặp cô Thảo, mẹ Tùng, Quang thấy cô ấy buồn và phàn nàn về Tùng lắm. Cô ấy bảo: “Thằng Tùng nhà cô thiếu ý chí quyết tâm, luyện tập không tích cực. Nó bảo, giải tới nó không thắng được cháu thì nó không theo nghề bóng bàn nữa! Cả nhà đều chán nản vì nó!...”. Nghe nói thế, Quang cũng buồn lây và tự trách mình: “Thế nghĩa là vì mình mà Tùng định từ bỏ tương lai rộng mở của nó!”. Nhiều đêm Quang mất ngủ về chuyện ấy. Nhưng Quang cũng thấy lạ là tại sao Tùng lại quá quan trọng cái việc được, thua thế nhỉ? Trong thể thao cái chuyện thắng, thua là chuyện bình thường chứ! Ai đi thi cũng muốn nhất, vậy thì mỗi lần thi đấu phải cần bao nhiêu giải nhất đây? Quang đã định gặp Tùng để nói với nó chuyện này, nhưng ngại quá, cậu lại thôi.
Năm nay, lại đến mùa thi đấu bóng bàn toàn tỉnh. Theo nhận định của các nhà chuyên môn thì giải đơn nam thiếu niên năm nay nhiều khả năng tranh nhất nhì vẫn là Tùng và Quang. Quả đúng như dự đoán, điều đó đã diễn ra. Bước vào trận chung kết Quang rất thanh thản, còn Tùng thì tỏ ra căng thẳng vì bị áp lực rất lớn từ phía đội “chuyên nghiệp” và gia đình.
Nhìn khuôn mặt cô Thảo, Quang biết cô lo lắng lắm. Nếu lần này là lần thứ ba mà Tùng vẫn thua Quang thì nó sẽ “bỏ nghề bóng bàn”. Ước mơ cho con trai theo nghề bóng bàn và trở thành vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp, một cây vợt xuất sắc trong đội tuyển quốc gia luôn cháy bỏng trong cô. Nay nó mà bỏ thì cô đau khổ biết chừng nào! Quang nghĩ mà thấy thương cô Thảo quá! Và, nó cũng bùi ngùi cảm thông với bạn. Bỗng, một ý nghĩ lóe lên trong đầu Quang và cậu vụt đứng dậy, bước vào trận chung kết.
Đúng là, không thể nào khoan nhượng, Tùng đã vào trận với một quyết tâm rất cao và có cả một chút căm hờn. Ngay từ séc đầu tiên, Tùng đã đánh quyết liệt. Những quả giao bóng ác hiểm, những cú giật phải, giật trái như xé lưới, những quả đập bóng như trời giáng. Và, cứ mỗi điểm thắng, Tùng lại giơ nắm đấm lên trời và hét lên vui sướng. Còn Quang thì cứ lầm lũi, bình tĩnh chống trả không kém phần quyết liệt. Bên ngoài, khán giả hò reo ầm ĩ, nhất là các cổ động viên của hai đội. Ở đâu đó còn mang đến cả mấy bộ trống và kèn Tây, họ đánh trống, thổi kèn ầm ĩ, làm cho không khí trận đấu càng thêm hấp dẫn, sôi động.
Lúc này, hai cầu thủ đã giằng co tới séc thứ 5, tỷ số đang là 12/12. Đến lượt Quang giao bóng. Cậu ta bình tĩnh đập quả bóng xuống nền nhà mấy cái, rồi cầm lên ngắm nghía, chừng như tính toán nên giao bóng kiểu gì. Kia rồi, Quang tung bóng lên thật cao và tay vợt chém xuống. Khi quả bóng vừa nảy sang bàn bên kia, vượt khỏi lưới hơn gang tay thì Tùng dường như đã đoán được đường bóng, cậu ta né người giật một quả phải thật mạnh và chuẩn xác, quả bóng đi chéo sang góc bàn đối phương rồi bay ra ngoài. Quang nhoài người với theo đỡ bóng, nhưng không kịp. Tỷ số 13/12 nghiêng về phía Tùng. Cả hội trường lại ào lên và tiếng trống, tiếng kèn càng dồn dập. Tùng nhảy lên sung sướng. Đổi giao bóng sang phía Tùng. Mọi người lại căng mắt dõi theo từng động tác của Tùng, không khí hội trường lắng xuống giây lát. Mọi người nín lặng chờ đợi quả giao bóng của Tùng. Thời khắc này thật là hồi hộp không chỉ với Tùng và Quang, mà còn với tất cả khán giả có mặt trong nhà thi đấu. Người mong cho Tùng thắng, người mong cho Quang thắng, người thì mong hai bên hòa để đánh tiếp. Đây rồi, sau một vài giây suy nghĩ, Tùng đã tung quả bóng lên rồi giao thật thấp. Quang xô vào cắt bóng. Khi quả bóng vừa nhô lên khỏi mặt bàn thì có tiếng ai hét to: “Chết rồi! Sao lại cắt bóng cao thế kia!”. Tiếng kêu vừa dứt thì cũng là lúc Tùng vung vợt đập một quả mạnh như trời giáng, quả bóng đập vào cuối bàn bên kia, nẩy lên thật cao rồi bay ra ngoài. Quang chỉ còn kịp ngoái nhìn theo với vẻ tiếc nuối. “Thắng rồi! Tùng thắng rồi”. “Tuyệt vời! Tùng vô địch! Tùng vô địch rồi!...”. Cả hội trường ào lên, tiếng trống, tiếng vỗ tay vang dội. Tùng nhảy lên vui sướng. Trong giây phút quá phấn khích, cậu ném cả cây vợt ra phía đằng sau và nhảy ra ngoài khu vực thi đấu. Tùng nhào đến chỗ các bạn đội mình đang đứng cổ vũ. Còn Quang thì nhoẻn cười, cậu gật đầu chào khán giả rồi đi đến chỗ trọng tài, thong thả ký vào biên bản thua cuộc.
Lúc ra khỏi nhà thi đấu, Quang chợt gặp cô Thảo, mẹ Tùng. Cô bắt tay Quang thật chặt và nhìn cậu với ánh mắt trìu mến. Cô nói nhỏ đủ cho Quang nghe: “Cô cảm ơn cháu! Hôm nay, cháu đã thi đấu hết mình vì Tùng. Người khác có thể không biết, nhưng với cô, cô biết rất rõ, những séc cuối cháu đã đánh lỏng tay và nhường phần thắng cho thằng Tùng. Cháu đã giúp Tùng tiếp tục theo nghề bóng bàn mà cô luôn hy vọng!”.
Mặc cho mọi người xì xào, bàn tán, có người còn tiếc nuối cho kết quả của Quang, nhưng trong lòng Quang rất vui, một niềm vui thầm kín. Cậu bước đi chầm chậm, ngước nhìn lên bầu trời cao, xanh thăm thẳm và phía xa kia, hàng phượng vĩ đang nở hoa rực rỡ, đón chào một mùa hè mới, một mùa hè với bao niềm vui và kỷ niệm.
Truyện ngắn của KHÚC KIM TÍNH