Nhiều cơ sở thu mua phế liệu kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, tập kết phế liệu ngổn ngang, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Một cơ sở thu mua phế liệu ở thôn Tâng Thượng, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) tập kết phế liệu từ trong nhà ra ngoài đường, đống phế liệu chất cao gần sát đường điện
Nghề thu mua phế liệu mang lại lợi nhuận khá cao, kéo theo các cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ mọc lên như nấm ở cả thành thị lẫn nông thôn. Tại một số nơi như làng Bến Thôn (xã Thăng Long), khu Chợ Đọ (xã Lạc Long, cùng thị xã Kinh Môn); thôn Tâng Thượng (xã Liên Hồng, TP Hải Dương) đều có điểm thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Tại 1 cơ sở thu mua phế liệu ở khu Chợ Đọ, phế liệu tập kết ngổn ngang từ trong nhà ra ngoài đường, chủ yếu là các vật dễ cháy nổ như bao bì, túi ni lông, bìa các tông, nhựa, xốp, bình gas, bình ô xy, ti vi, tủ lạnh, điều hoà...
Ở thôn Tâng Thượng có sơ sở phế liệu chất thành đống cao ở ngoài cửa gần sát đường điện bên trên. Chỉ cần một sự cố cháy, chập điện thì nguy cơ "bà hoả" nuốt chửng cả cơ sở, nhất là trong những ngày trời nắng nóng, độ ẩm không khí thấp như hiện nay.
Khi hỏi một số chủ cơ sở về biện pháp phòng chống cháy nổ hay tập huấn phòng cháy chữa cháy thì gần như chỉ nhận được câu trả lời bằng sự im lặng và ánh mắt hoài nghi. Một chủ cơ sở thu mua phế liệu ở làng Bến Thôn cho biết họ kinh doanh nghề này đã lâu, nhưng chưa từng tập huấn về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời thể hiện quan điểm chủ quan rằng từ ngày kinh doanh đến giờ chưa xảy ra sự cố nào về cháy nổ.
Một số người dân sống xung quanh các cơ sở thu mua phế liệu này cũng lo lắng nếu xảy ra cháy nổ không xử lý kịp sẽ ảnh hưởng đến họ, khi đó có thể thiệt hại cả tài sản và người. Chưa kể, khi phế liệu để ngổn ngang, chất đống cả ra ngoài đường còn làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ ở những cơ sở thu mua phế liệu luôn hiện hữu
Thực tế cuối tháng 12.2020 vừa qua tại nhà tái chế phế liệu công nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vạn Hải Sơn ở khu 6, phường Phú Thứ (Kinh Môn) đã xảy ra vụ cháy. Đám cháy thiêu rụi khoảng 10 tấn phế liệu chủ yếu là cao su, vải vụn, mút xốp, nhựa… và nhiều tài sản bên trong xưởng. Toàn bộ nhà xưởng rộng 800 m2 bị đổ sập. Năm 2018 tại cơ sở thu mua phế liệu của 1 gia đình nằm cạnh đường tỉnh 391 thuộc thôn Ngọc Chấn, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) cũng bị cháy, thiêu rụi 200 m2 nhà xưởng và ảnh hưởng tới ngôi nhà của người dân 2 bên. Ví dụ này là hồi chuông báo động cho các cơ sở thu mua phế liệu.
Có thể thấy nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu là rất lớn do phế liệu chủ yếu là vật dễ bắt lửa. Trong khi đó, chủ cơ sở còn chủ quan, xem nhẹ mức độ nguy cơ cháy nổ, chưa quan tâm đến các biện pháp phòng chống cháy nổ, tập kết phế liệu chưa bảo đảm an toàn.
Được biết, các cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ không nằm trong danh mục quản lý cơ sở phòng cháy chữa cháy nên lực lượng cảnh sát chữa cháy không được tham gia vào công tác quản lý, kiểm tra điều kiện kinh doanh. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở này cũng gặp không ít khó khăn.
Để hạn chế rủi ro hoả hoạn, ngoài việc chủ cơ sở thu mua phế liệu tự ý thức để có biện pháp phòng chống cháy nổ thì chính quyền địa phương cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cháy nổ cho chủ các cơ sở này. Chính quyền các địa phương cần siết chặt quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
HOÀNG HÀ