Ba Đình tỏa nắng mùa thu

02/09/2022 06:03

Ngày 2.9.1945, Bác Hồ kính yêu đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên kỳ đài lộng gió giữa Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Và từ đây, Ba Đình tỏa nắng, rạng ngời ấm áp lòng người.

Tranh cổ động của HUY CHƯƠNG

Ánh nắng mùa thu ấy như vẻ đẹp lý tưởng soi sáng, ánh nắng chan hòa thân ái, ánh nắng hồi sinh sức sống mới, một hào quang mới. Đó là cái chất “diệp lục” khơi dậy tốt tươi, vươn dậy tốt tươi sức mạnh tiềm ẩn của con người và thiên nhiên xứ sở của miền nhiệt đới, của một đất nước sông núi chan hòa ruộng đồng xứ sở, của một dân tộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). 

Mỗi sáng mai trên Quảng trường Ba Đình lộng gió, lá cờ Tổ quốc được kéo lên, bay phần phật trong nắng sớm, hồn Tổ quốc tỏa lộng muôn phương. Và Lăng Bác như một đài hoa kỳ vĩ, xung quang lăng là muôn sắc màu hoa của mọi miền đất nước, hương thơm tỏa trong nắng Ba Đình. Đó là sắc nắng hòa bình, nắng của tự do, độc lập, nắng của ước ao muôn đời, nắng xua tan bóng tối để rạng rỡ bình minh, nắng đến với muôn người, đến từng ngõ xóm, từng miền quê. Và đẹp nhất là hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong sắc nắng Ba Đình rạng rỡ: “Hôm nay sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!!!/ Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây!” (Tố Hữu).

Để có Ba Đình tỏa nắng mùa thu, Bác Hồ đã từ bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, phía sau con tàu xé nước cuộn sóng trắng là ánh nắng ấm áp của quê hương để đến với những mùa đông xứ lạnh. Có lẽ trong những đêm trường thao thức, Bác đã nghĩ nhiều về Tổ quốc thân yêu để tìm ra ánh sáng từ bản Luận cương của Lênin, tìm ra con đường đi của cách mạng... Và niềm mong muốn vô bờ bến ấy đã thành hiện thực. Chắc có lẽ khi Người viết những dòng bản Tuyên ngôn độc lập được coi như là bản “Thiên cổ hùng văn” trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) thì âm vang của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công vẫn còn vọng lại. Và bản tuyên ngôn đó là sự kết tinh trầm tích quá khứ, cội nguồn lịch sử oai hùng của dân tộc ta đã từng đánh bại bao quân xâm lược. Bản tuyên ngôn đó cùng âm vang với hào khí bài thơ “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo” thuở trước. Bản tuyên ngôn đó còn âm vang lời thề “Sát thát”, tinh thần Hội nghị Diên Hồng thời Trần kháng chiến chống quân Nguyên Mông và lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô năm 1946. 

77 năm đi qua, trong lòng chúng ta vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc dâng trào, lòng tự hào khi lời Bác ấm áp dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Những lý lẽ sắc sảo có sức cuốn hút của một trí tuệ lớn, từ bản tuyên ngôn mở ra những luồng sáng của lương tri nhân loại, thức tỉnh mọi người: “Quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời của Bác là lời của cha ông ngàn xưa vọng về, lời của hàng triệu trái tim vang lên đồng vọng thiết tha. Đó cũng là lời nhắc nhở về quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời, làm chủ xã hội. Tại Lễ Quốc khánh này, hai chữ “đồng bào” được Bác gọi thật ân cần, gần gũi, khẳng định lại khối đại đoàn kết, truyền thống giống nòi nguồn cội tổ tiên chung bọc trứng của mẹ Âu Cơ. 

Bản Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn chặt chẽ, sắc bén đã nêu bật cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn, cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn, lời tuyên bố độc lập không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trên thế giới mà còn mở ra một thời  kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập trong những ngày thu lịch sử này ta lại càng thấy một trí tuệ lớn lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thể hiện tầm tư duy sâu sắc đối với sự phát triển của văn minh nhân loại khi Người trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt, để rồi với lập luận sắc bén có sức thuyết phục của mình, Bác đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Trong những ngày mùa thu nắng vàng, sắc thắm này trên khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào miền xuôi, miền núi nô nức và háo hức đón Ngày Quốc khánh - Ngày Tết độc lập của dân tộc trong niềm vui khi đất nước đã có nhiều đổi thay, phát triển. Những sắc màu của bộ mặt nông thôn mới rạng rỡ hơn, tươi thắm hơn bởi không chỉ đường làng, ngõ xóm khang trang rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng và sắc hoa tươi thắm trong nắng vàng mà lòng người hân hoan tràn trề sức sống mới, khí thế mới. Con đường từ sáng mùa thu năm ấy đã biến thành những đại lộ cao tốc rộng thênh thang, những đường bay hàng không nối liền với bạn bè quốc tế, những con tàu rẽ sóng ra khơi...

Thu này, ta lại càng nhớ Bác Hồ kính yêu, Người đã chọn một ngày thu nắng đẹp để về với thế giới “người hiền”, để lại bản Di chúc lịch sử: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Mùa thu nắng tỏa Ba Đình và từ Ba Đình tỏa nắng mùa thu. Một mùa thu lịch sử, mùa thu cách mạng, mùa thu sắc thắm nắng vàng như tình cảm dạt dào mà nhạc sĩ Vũ Thanh đã gửi gắm trong bài ca “Hà Nội mùa thu” đi cùng năm tháng: “Như bâng khuâng nghe gió đưa/ Vang vọng giữa Ba Đình/ Lời Người thu năm ấy/ Màu cờ thu năm ấy/ Vẫn đây xanh trời mây”. 

 NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ba Đình tỏa nắng mùa thu