Tết cổ truyền là dịp để bà con Công giáo Hải Dương thể hiện lòng thành kính yêu Chúa, biết ơn ông, bà tổ tiên, cha mẹ và sum họp cùng gia đình...
Tổ liên gia của gia đình anh Nguyễn Phú Tiến, phố Nguyễn Chí Thanh, thuộc giáo xứ Tân Kim, phường Tân Bình (TP Hải Dương) chiều 30 Tết Giáp Thìn 2024 nhộn nhịp hơn hẳn. Các gia đình trong tổ cùng chuẩn bị bữa tiệc tất niên. Anh Tiến cho biết, mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, bà con theo đạo đều lo dọn dẹp nhà cửa, bàn thời Chúa, bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, mong muốn năm mới bình an. Các gia đình, các tổ liên gia, nhóm bạn bè tổ chức gặp mặt tất niên...
Trước Tết khoảng 10 ngày, bà con giáo dân cùng với nhà thờ tổ chức dọn vệ sinh, trang hoàng khu vực nhà thờ với cành đào, cây quất, cây mai..., những loại cây đặc trưng của Tết cổ truyền. Tại mỗi gia đình, bà con cũng chuẩn bị mua sắm, trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, đồ xôi... “Bà con giáo dân đón Tết cổ truyền như mọi người Việt khác. Những ngày Tết, chúng tôi cũng đi thăm, chúc Tết người thân, họ hàng, chỉ không cúng cỗ mặn trên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết như bên lương”, anh Tiến nói.
Anh Hoàng Trọng Hiếu, cũng thuộc giáo xứ Tân Kim cho biết thêm vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, thường là từ ngày 25 - 30 tháng chạp, tất cả các gia đình Công giáo ở đây đều tất bật, dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ gia tiên và sắm sửa để đón chào một năm mới bình an. Các gia đình Công giáo sẽ đi ra đất Thánh (nghĩa trang) để dọn dẹp vệ sinh, quét sơn những ngôi mộ của gia đình, dòng họ... sau đó thắp hương, cắm hoa tưởng nhớ đến người thân đã mất. "Tối 30 Tết, các gia đình Công giáo sẽ thắp hương và nến tại bàn thờ gia tiên và bàn thờ Thiên Chúa. Trước thời điểm giao thừa, các gia đình Công giáo đều có thánh lễ đón giao thừa để tạ ơn Thiên Chúa và mẹ Maria tại nhà thờ. Những người già yếu không đi nhà thờ được thì ở nhà đọc kinh cầu nguyện" - anh Hiếu chia sẻ.
Những ngày này, không khí đón Tết Giáp Thìn 2024 của bà con công giáo ở Giáo xứ Ngọc Lý, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) cũng rất rộn ràng. Trước ngày mồng 1 Tết, bà con giáo dân quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăng đèn điện, đèn LED, kết hoa tại khu vực nhà thờ. Mỗi gia đình cũng tất bật chuẩn bị hoa đào, quất, cây cảnh, hoa tươi trang hoàng nhà cửa, mua sắm thực phẩm...
Linh mục Hoàng Văn Thịnh, giáo xứ Ngọc Lý cho biết trong những ngày Tết, nhà thờ tổ chức nhiều hoạt động. Đêm 30 Tết có thánh lễ đón giao thừa. Sáng mùng 1 Tết, nhà thờ sẽ tổ chức lễ cầu bình an cho năm mới đến với bà con giáo dân. Ngày mồng 2 Tết là ngày lễ cầu cho ông bà, tổ tiên, là ngày rất đặc biệt với người Công giáo, vì đây là dịp để tất cả con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà tổ tiên sớm được về nơi Thiên đàng. Ngày mồng 3 Tết là ngày lễ thánh hóa công ăn việc làm, dành những lời cầu nguyện tốt nhất cho công việc làm ăn trong năm mới.
“Đối với người Công giáo, ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết là những ngày đặc biệt trong năm. Tất cả giáo dân mặc những bộ trang phục đẹp nhất, trang trọng nhất với tâm hồn thư thái, hạnh phúc đến nhà thờ để bày tỏ lòng cảm ơn đức Chúa trời đã ban cho mình những điều tốt đẹp. Mồng 4 Tết sẽ tổ chức lễ tân niên, xin năm mới và ngày mồng 5 Tết sẽ là ngày lễ xin sám hối (ngày này người Công giáo giữ chay và kiêng ăn thịt). Sau những buổi lễ thánh, bà con giáo dân trở về nhà đi thăm, chúc Tết gia đình, họ hàng, làng xóm. Đặc biệt, hòa chung không khí Tết cổ truyền dân tộc, ngày 30 Tết, giáo xứ tổ chức gói chánh chưng, đi thăm, chúc Tết bà con giáo dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ”, linh mục Hoàng Văn Thịnh chia sẻ.
Linh mục Vũ Văn Công, giáo xứ Đồng Bình, xã Ninh Hải (Ninh Giang) cho biết nếu như bà con lương dân thường làm cơm cúng tổ tiên trong những ngày Tết thì bà con Công giáo không cúng lễ mà chỉ thắp hương để tưởng nhớ. Các con cháu trong gia đình tụ họp tại nghĩa trang để sửa sang mộ phần cho ông bà, cha mẹ.
“Chúng tôi không quan niệm “trần sao, âm vậy”, các giáo dân chỉ thắp nén tâm nhang, đặt hoa tươi và đọc lời cầu nguyện. Người Công giáo cũng không kiêng kị và không có quan niệm chọn ngày xông nhà đầu năm. Với bà con, mọi ngày đều là ngày đẹp nếu như mình luôn làm việc lành, ăn ở nhân đức”, linh mục Vũ Văn Công nói.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 43 giáo xứ, 79 giáo họ với gần 42.000 giáo dân. Những năm qua, bà con giáo dân luôn đồng hành cùng với chính quyền địa phương nơi sinh sống, tích cực hưởng ứng, thực hiện các cuộc vận động do địa phương phát động. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bà con Công giáo ở Hải Dương vừa có chung niềm vui đón Tết cổ truyền dân tộc vừa đón Tết với những nét độc đáo riêng, đầy màu sắc.
HÀ VY