Hầu hết các trường học hiện nay đều treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Ở các trường tiểu học, THCS, THPT còn có bảng “5 điều Bác Hồ dạy”. Trường nào cũng có nội quy, trong đó có những điều quy định về đạo đức. Các nhà trường đều có buổi chào cờ đầu tuần, các lớp mỗi tuần có một tiết sinh hoạt vào thứ bảy. Ngoài ra còn có các phong trào thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26.3, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12... Nội dung đầu tiên của các buổi sinh hoạt, các phong trào thi đua đều nói về đạo đức. Đó là chưa kể đến cuộc thi đua lớn của cả nước là Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Chúng ta phải thừa nhận đa số học sinh là ngoan (ngoan theo khái niệm truyền thống). Song cũng còn không ít học sinh hư như không biết vâng lời, ương bướng, chống đối, vô kỷ luật, nghiện ngập, lười và trốn học, gây bè phái, đánh nhau, thậm chí là trộm cắp, trấn lột, hiếp dâm, cướp của, giết người. Một số em mắc vòng lao lý và bị pháp luật trừng trị. Có người nói đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Nói thế không sai. Song không thể coi thường được. Một cái mụn nhỏ trên cơ thể biết đâu lại là khởi đầu của ung thư.
Vậy tại sao chúng ta có nhiều biện pháp giáo dục đạo đức như thế mà vẫn còn nhiều học sinh hư? Trả lời câu hỏi này trên bình diện rộng, ta dễ đổ lỗi cho khách quan như đạo đức xã hội xuống cấp, gia đình các em ít quan tâm, ảnh hưởng của phim ảnh, mạng xã hội... Tạm gác các nguyên nhân khách quan lại để bàn về nguyên nhân chủ quan của chính nhà trường. Tôi nghĩ có mấy vấn đề sau:
Một là, chúng ta giáo dục đạo đức cho học sinh vẫn theo lối mệnh lệnh, áp đặt chủ quan mà thiếu thực tế. Khi kẻ xong khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hoặc treo bảng “5 điều Bác Hồ dạy”, phổ biến xong nội quy về đạo đức, thậm chí khi giảng xong một bài về giáo dục công dân... ta coi thế là xong. Cứ thế là học sinh thực hiện, học sinh sẽ ngoan... Liệu đã có mấy ai tự hỏi xem cảm xúc của học sinh hiện nay ra sao khi nhìn thấy khẩu hiệu ấy, thấy 5 điều Bác dạy kia? Các em nhận thức thế nào sau khi học những bài học ở trên lớp? Các em có thái độ gì trước những hành vi sai trái của bạn? Các em có cảm tưởng gì trước những lời nhận xét, phê bình của thầy cô? Nhìn chung, chúng ta mới đưa ra những quy ước, nguyên tắc yêu cầu các em phải làm theo. Nếu học sinh nào sai thì thầy cô mới dạy dỗ bằng cách: nhẹ thì góp ý, bắt làm kiểm điểm; nặng thì mời phụ huynh đến trường để thông báo rồi tùy theo lỗi lầm mà phê bình, kỷ luật. Liệu đã có mấy thầy cô nghĩ xem vì sao học sinh mắc khuyết điểm ấy? Em học sinh ấy đáng thương ở điểm nào hay chỉ đáng ghét và sau kỷ luật thì tình cảm, thái độ của học sinh ấy ra sao?
Hai là, chúng ta mắc bệnh quan liêu, xa rời thực tế trong việc giáo dục đạo đức cho học trò. Mỗi học sinh có một hoàn cảnh sống riêng. Bối cảnh xã hội hiện tại, môi trường xung quanh nhà trường cũng đầy biến động. Tất cả đều tạo nên sức va đập lớn với các em. Vì xa rời thực tế học sinh nên chúng ta không phát hiện được những thay đổi trong tính tình và hành động của các em nên không kịp ngăn ngừa. Các vụ việc vi phạm đạo đức đều xảy ra rồi, lúc ấy nhà trường mới giải quyết. Những vụ học sinh đuối nước tập thể mà thông tin đã đưa, nếu thầy cô giáo nắm được khu vực ấy có nguy hiểm gì, những em nào sống gần đó mà cảnh báo cụ thể thì chắc chắn sẽ không xảy ra tai họa đau lòng ấy. Vào năm 2006, ở huyện Thanh Hà từng xảy ra vụ tự tử tập thể của 5 em đều là học sinh nữ lớp 7 của một trường THCS gây chấn động dư luận. Các em đều để lại thư tuyệt mệnh rồi buộc tay nhau cùng nhảy xuống sông Thái Bình tìm đến cái chết. Quá trình học hành, chơi bời, bàn bạc, viết thư, rủ nhau đi... không thể nói là ít thời gian, không thể nói là các em giữ được bí mật tuyệt đối mà không có biểu hiện tâm lý, hành động nào. Vậy mà không ai hay biết gì. Có phải cả gia đình và nhà trường đều đã quá quan liêu, vô cảm với các em hay không?
Ba là, vị trí gương sáng của nhiều thầy cô giáo hiện nay đang bị mờ đi. Có người vì thiếu biện pháp giáo dục mà “sợ” học sinh cá biệt rồi làm ngơ. Không ít thầy cô vì tiền mà ép buộc học sinh học thêm bằng mọi cách... Những điều ấy đã phá vỡ mối quan hệ gần gũi, thân thương và có phần thiêng liêng giữa thầy và trò. Vì thế, tiếng nói của thầy mất dần sự thuyết phục, thầy nói trò không nghe.
Ai cũng biết rằng mỗi con người chịu ba môi trường giáo dục. Đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong ba môi trường ấy thì nhà trường là quan trọng nhất vì nhà trường không chỉ giáo dục đạo đức cho học sinh mà còn nâng cao trí tuệ, tri thức cho các em. Ba phạm trù đạo đức, tri thức và trí tuệ luôn đi liền với nhau, hỗ trợ nhau. Muốn giáo dục đạo đức có kết quả thì không thể không nâng cao trí tuệ và tri thức. Nhà trường quản lý độ tuổi từ ấu thơ đến trưởng thành của một con người nên rất dễ định hình cho các em một đạo đức, một lối sống. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đang trở nên vô cùng cấp thiết. Khi chúng ta đã chỉ ra được ba nguyên nhân làm hạn chế tác dụng của giáo dục đạo đức trong nhà trường thì cũng có nghĩa là ta đã tìm ra ba biện pháp tích cực. Đó là: tránh lối giáo dục áp đặt, tránh việc quan liêu trong giáo dục và hãy lấy lại tấm gương sáng từ thầy cô để các em soi chung.
VĂN DUY(Kinh Môn)