Pháo đài bay B-52H đã bay suốt 28 tiếng từ bang Louisiana (Mỹ) tới Biển Đông tập trận với hai tàu sân bay Mỹ trước rồi mới hạ cánh ở đảo Guam.
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Không quân Mỹ tập trận trên Biển Đông cùng các máy bay của tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan ngày 4.7. Ảnh: AFGSC
Rạng sáng 6.7 (giờ Việt Nam), Bộ tư lệnh không kích toàn cầu (AFGSC) thuộc Không quân Mỹ xác nhận một máy bay ném bom chiến lược B-52H đã tham gia tập trận chung với hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan trên Biển Đông.
Chiếc B-52H nói trên đã cất cánh từ căn cứ không quân Barksdale thuộc bang Louisiana và bay suốt 28 tiếng tới Biển Đông rồi mới hạ cánh xuống căn cứ Andersen trên đảo Guam ngày 4.7.
Tại Biển Đông, "pháo đài bay" của Mỹ đã có màn phô diễn sức mạnh khi dẫn đầu đội hình 12 máy bay gồm 10 chiếc F/A-18 và máy bay cảnh báo sớm E-2C.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ nhấn mạnh sự xuất hiện của B-52H sau một hành trình dài cho thấy "cam kết của Washington đối với hòa bình và ổn định của khu vực".
Màn trình diễn cho thấy sự phối hợp của Không quân và Hải quân Mỹ trong việc chuyển thông điệp tới Trung Quốc. Bắc Kinh đã ngang ngược tổ chức tập trận quy mô lớn 5 ngày ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - một động thái lập tức vấp phải sự lên án của Việt Nam, Mỹ và Philippines.
Trung tá Christopher Duff, chỉ huy Phi đội ném bom 96, nhấn mạnh chiếc B-52H nói trên đã cho thấy "khả năng của Mỹ trong việc triển khai nhanh chóng máy bay ném bom chiến lược tới tiền phương và thực hiện tấn công tầm xa".
Chiếc B-52H hạ cánh ở đảo Guam sau khi tham gia tập trận. Ảnh: AFGSC
Đây không phải là lần đầu tiên B-52H xuất hiện trong khu vực nhưng sự kiện lần này dường như đã chọc tức Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc.
Chưa đầy 30 phút sau khi AFGSC xác nhận sự việc, tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Mỹ "phô diễn sức mạnh cơ bắp trắng trợn". Nhưng lần này, tờ báo có quan điểm diều hâu chỉ trích dẫn ý kiến của một "chuyên gia" quân sự Trung Quốc, thay vì hai hoặc ba người như vẫn thường thấy.
Vị chuyên gia Wang Ya'nan khẳng định với Hoàn Cầu thời báo rằng không có chuyện máy bay và tàu sân bay Mỹ cùng gặp nhau trên Biển Đông là "trùng hợp".
Theo ông này, việc Mỹ cho B-52H lượn lờ trên Biển Đông là để "nhắc nhở" Trung Quốc về năng lực tấn công tầm xa. Hồi tháng 4, thông tin Washington rút toàn bộ máy bay ném bom chiến lược khỏi Guam đã dẫn tới các suy đoán trên báo Trung Quốc rằng Mỹ đang sợ tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh.
"Bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Mỹ rõ ràng đang muốn cho Trung Quốc thấy họ đang có gì tại khu vực", Wang lập luận với Hoàn Cầu thời báo.
Dù có lịch sử vận hành lâu đời, B-52H vẫn là bộ ba máy bay răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ cùng với B-1B và B-2. Không quân Mỹ đã liên tục nâng cấp pháo đài bay và trang bị cho nó các loại vũ khí tấn công tầm xa thế hệ mới.
Theo Tuổi trẻ