Nếu được công nhận, đền Tranh (Ninh Giang) sẽ trở thành di tích quốc gia đặc biệt thứ năm của tỉnh Hải Dương.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ xây dựng hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đền Tranh
Chiều 22.3, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự họp đã nhất trí chủ trương lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đền Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang).
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chỉ đạo huyện Ninh Giang chủ trì xây dựng hồ sơ. Hồ sơ cần có cách tiếp cận phù hợp, làm nổi bật được giá trị của di tích. UBND huyện Ninh Giang chủ trì, phối hợp rà soát diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về quản lý đất đai, quy hoạch. Lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực tốt. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ di tích có sự tham gia của các nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân... để đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ nhằm thực hiện tốt công việc này.
Lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang cho biết huyện đang khẩn trương phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đền Tranh
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, là một ngôi đền cổ nằm ở gần bến đò Tranh. Theo truyền thuyết, vào thời nhà Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Đền ban đầu là ngôi miếu nhỏ, còn gọi là Tranh Giang Đại Vương cổ miếu, nằm sát bến sông nên thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên.
Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền, năm Tự Đức thứ năm (1852), ngôi đền được trùng tu tôn tạo trên quy mô lớn, với những mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, có tượng Quan Lớn Tuần Tranh. Năm 1887, Pháp chiếm Hải Dương và Ninh Giang, chúng đóng quân ở thành Đô Giang (nay thuộc thị trấn Ninh Giang) và sử dụng một số công trình kiến trúc để làm nơi đóng quân, trong đó có đền Tranh, mặc dù vậy chúng cũng không dám phá đền vì nghe danh đền rất thiêng. Sau này nhân dân xây một đền Tranh mới ở giữa phố của thị trấn Ninh Giang theo kiểu nội công ngoại quốc, có tam quan do ông Đào Lạng ở xã Văn Hội cung tiến. Đền có tổng số 127 gian trên khu đất rộng 4 mẫu Bắc Bộ. Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền bị phá chỉ còn 3 gian cung cấm.
Năm 1954, đền Tranh được phục dựng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong nhân dân. Đến năm 1966, do nhu cầu mở rộng doanh trại quân đội, nhân dân địa phương cùng Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) chuyển ngôi đền về địa điểm ngày nay.
Đền Tranh thờ thuỷ thần sông Tranh gọi là Quan lớn Tuần Tranh. Đây là tín ngưỡng dân gian của những người làm nghề sông nước, sau đó lan ra những người buôn bán, mong mọi việc thông đồng, bén giọt, làm ăn gặp nhiều may mắn. Thông qua hình thức tín ngưỡng giúp chúng ta hiểu thêm cuộc đấu tranh chống thiên tai của ông cha ta.
Đền Tranh hiện là di tích cấp quốc gia và mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc đặc sắc
Ngày 25.3.2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đền Tranh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Một năm đền Tranh có 2 kỳ lễ hội mùa xuân và lễ dâng hương mùa thu. Diễn xướng hầu Thánh và hát văn đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Tranh - những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Nghệ thuật hát chầu văn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã trở thành một trong những nét văn hóa nổi bật tại lễ hội đền Tranh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất từ tháng 5 - 9.2023 sẽ lập hồ sơ khoa học di tích đền Tranh, tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến của các nhà khoa học Trung ương và địa phương tham gia góp ý hoàn thiện hồ sơ. Từ tháng 10 - 11.2023, hoàn thiện hồ sơ, gồm bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, lý lịch di tích, sơ đồ bài trí hiện vật, phim, ảnh tư liệu... Tháng 12.2023, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
TIẾN HUY