[Audio] Vì sao thu tiền sử dụng đất đạt thấp?

18/07/2023 06:02

Việc đấu giá quyền sử dụng đất trong các khu dân cư tạo nguồn rất khó khăn, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Đây là tình trạng chung tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương.

00:00



Theo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh, tỷ lệ đấu giá thành công bình quân của các dự án từ đầu năm đến nay đạt thấp. Trong ảnh: Người dân đi xem thực địa dự án khu dân cư ở Nam Sách sau buổi đấu giá

Vắng người tham gia đấu giá đất

8 giờ sáng 13.4, dự án khu dân cư tập trung Thờ Nợ ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) chính thức đón tiếp người dân đến xem thực tế khu đất để thực hiện đấu giá. Theo thông tin từ chính quyền xã Đoàn Tùng, dự án được đấu giá là khu đất rộng gần 10.800 m2 gồm 126 lô đất có diện tích từ gần 84 m2/lô đến 117 m2/lô. Mức giá khởi điểm đấu giá khi đó từ 15-17 triệu đồng/m2.

Ông Lê Văn Sang ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) là một trong những người đã nghiên cứu về dự án này và dự định đấu giá. “Suy đi tính lại, gia đình tôi nhận thấy mức giá tương đối cao, thị trường bất động sản thời gian này lại trầm lắng, nếu chúng tôi tham gia đấu giá thì hiệu quả kinh tế sẽ thấp”, ông Sang nói. 

Nhiều người dân khác cũng chung suy nghĩ như ông Sang. Vì vậy, ngày 22.4, thời điểm thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất dự án trên, chỉ 7 lô đất trúng đấu giá, chiếm 5,5% tổng số lô đất được đưa ra đấu giá.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng nhận định tình trạng ế ẩm trong đấu giá đất là điều có thể dự báo trước. “Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng từ nửa cuối năm trước, giá đất hiện đưa ra đấu giá vẫn ở mức cao. Người dân có xu hướng chờ đợi mức giá giảm xuống, đồng thời nghe ngóng tín hiệu phục hồi của thị trường nhà đất mới đưa ra quyết định. Để nâng cao hiệu quả lần đấu giá tiếp theo, thiết nghĩ nên điều chỉnh mức giá khởi điểm phù hợp thực tế thị trường”, ông Tuấn cho biết.

Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVII (ngày 12-13.7 vừa qua), Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Trương Đức San đã nêu khó khăn trong việc đấu giá đất trong các khu dân cư tạo nguồn. “Gần như không có người đến đấu giá. Các doanh nghiệp cũng ít đầu tư vào các dự án khu đô thị”, ông San nói.

Ế ẩm đất đấu giá là tình trạng không riêng tại Hải Dương mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, chủ yếu do thị trường bất động sản vẫn trong thời kỳ “nguội lạnh”, nhiều doanh nghiệp, cá nhân gặp khó trong huy động nguồn lực tài chính. 


Thị trường bất động sản trầm lắng, giá đất đưa ra đấu giá vẫn ở mức cao khiến đa số cuộc đấu giá đất trở nên ế ẩm. Trong ảnh: Dự án khu dân cư tập trung Thờ Nợ ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện)

Giải pháp nào?

Theo số liệu báo cáo tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVII, trong 16 khoản thu ngân sách, thu tiền sử dụng đất là 1 trong 6 khoản thu đạt thấp so với dự toán. Hết 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất đạt gần 1.188 tỷ đồng, bằng 32% dự toán cả năm, bằng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 5 địa phương có số thu đạt rất thấp, chỉ từ 1-5% dự toán cả năm.

6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh đã phối hợp tổ chức đấu giá hàng trăm lô đất tại TP Hải Dương và các huyện Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Nam Sách. Trong đó chỉ có 13 lô đất ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương), 46 lô đất ở xã Hưng Long (Ninh Giang) đạt tỷ lệ đấu giá thành công 100%. “Số lô đất còn lại đạt tỷ lệ đấu giá thành công thấp. Chênh lệch giữa giá khởi điểm với giá bán cũng thấp, chỉ 14,7%. Trong khi đó, toàn bộ tài sản đấu giá thông qua trung tâm chúng tôi năm 2022 đạt 100%, chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá bán 41,4%”, ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh cho biết.

Theo ông Sơn, để cải thiện hiệu quả đấu giá đất, các dự án cần nghiên cứu, đưa ra mức giá phù hợp, sát thị trường theo hướng người mua có nhu cầu thực tế chấp nhận được.

Một nguyên nhân khác khiến nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh đạt thấp đó là tình trạng doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị đã được cơ quan thuế ra thông báo nộp thuế. Thị trường bất động sản trầm lắng khiến doanh nghiệp gặp khó về đầu ra, dẫn đến khó khăn về tài chính. Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, đến ngày 14.7.2023 mới chỉ có 4 trong tổng số 10 doanh nghiệp nộp một phần tiền vào ngân sách, số phải nộp còn lại hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó số tiền cam kết nộp đến hết năm 2023 là 933 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Công Tiến, Cục trưởng Cục Thuế cho biết ngành thuế tỉnh phấn đấu hoàn thành 3.700 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất trong năm nay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các khu đất, thửa đất nằm trong các khu dân cư, khu xen kẹp, xác định diện tích đất đủ điều kiện quy hoạch để phối hợp tham mưu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giúp tăng thu ngân sách. Ngành thuế cũng sẽ tăng cường công tác thu nợ thuế, nhất là với 10 doanh nghiệp nêu trên”, ông Tiến nói.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
[Audio] Vì sao thu tiền sử dụng đất đạt thấp?