[Audio] Vì sao người trẻ cũng rối loạn tiền đình?

11/08/2023 06:02

Số người trẻ ở Hải Dương mắc chứng rối loạn tiền đình ngày càng tăng. Không ít người bị tái đi tái lại nhiều lần gây ra nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ.

00:00


Bệnh nhân Vũ Thị Giang (quê Thanh Miện) dù mới 31 tuổi nhưng đã nhiều năm mắc bệnh tiền đình, phải điều trị kéo dài tại bệnh viện 

Phổ biến

Khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tháng tiếp nhận trung bình 250 lượt bệnh nhân, trong đó 80 trường hợp bị rối loạn tiền đình. Khoảng 20-25% số bệnh nhân bị chứng bệnh này là người trẻ, nhiều người mới 17-18 tuổi. “Rối loạn tiền đình thường gặp ở những người trung và cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người trẻ mắc bệnh này ngày càng phổ biến, không ít người phải điều trị nhiều lần”, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó Trưởng Khoa Thần kinh thông tin.

Được điều trị tích cực tại Khoa Thần kinh nhưng sức khoẻ của chị Vũ Thị Giang (quê Thanh Miện) chuyển biến khá chậm. Khuôn mặt chị đờ đẫn, cảm giác buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh liên tục xuất hiện. Hai bàn tay, chân, hai bên má của chị luôn có cảm giác tê bì. "Tôi năm nay 31 tuổi nhưng đã bị tiền đình nhiều năm trước. Trước khi phát hiện ra bệnh, tôi thường xuyên mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi. Từ năm ngoái đến nay tôi đã 2 lần phải lên đây nằm điều trị”, chị Giang thông tin. 

Chị Nguyễn Diệu My (26 tuổi, ở TP Hải Dương) cũng đã nhiều lần phải đến gặp bác sĩ vì chứng rối loạn tiền đình. Áp lực công việc nhiều, thường xuyên phải thức khuya kết hợp với chuyện không vui từ gia đình là nguyên nhân khiến chị sớm mắc căn bệnh này. “Có lần tôi đang đi ở cầu thang thì thấy mặt mũi tối sầm, đầu óc quay cuồng, thế là ngã vật ra. May mắn chỉ bị trầy xước nhẹ ngoài da. Nói chung giờ cứ phải sống chung với thuốc, cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều”, chị My nói.

Theo các bác sĩ, tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh có vai trò duy trì cân bằng cơ thể. Khi hệ thống này hoạt động kém hiệu quả, nghĩa là cơ thể và môi trường xung quanh không có được sự cân bằng thì người bệnh sẽ rơi vào trạng thái mất thăng bằng tư thế dẫn đến một số triệu chứng phổ biến như ù tai, chóng mặt, hoa mắt, đi lại khó, buồn nôn hoặc nôn... Rối loạn tiền đình có thể chỉ xảy ra trong một vài ngày song cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. 

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc bệnh này. Qua thực tế thăm khám và điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận thấy nguyên nhân chủ yếu do họ gặp nhiều áp lực từ những chuyện không vui trong cuộc sống; khối lượng công việc, học tập lớn khiến tâm lý ảnh hưởng nặng nề, thiếu ngủ, ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài làm cho hệ thống thần kinh bị rối loạn chức năng. Nhiều người trẻ lười vận động, ít đi lại, ngồi nhiều trong phòng, tiếp xúc nhiều với ti vi, máy tính, điện thoại, chơi điện tử trong nhiều giờ... lâu dần cũng bị rối loạn tiền đình.

Không chủ quan


Học hành, thi cử áp lực, căng thẳng trong một thời gian dài mà không được nghỉ ngơi hợp lý có thể khiến các bạn trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình (ảnh minh họa)

Không ít người chủ quan cho rằng tiền đình là bệnh lành tính, không đe dọa tới tính mạng. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, tiền đình nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những tác động xấu tới sức khoẻ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, làm việc hằng ngày. Đặc biệt, nếu để xảy ra biến chứng thì vẫn có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. “Khi bị tiền đình, người bệnh nôn nhiều sẽ mất nước, rối loạn điện giải, hạ kali và nồng độ natri trong máu. Hạ natri gây mệt mỏi, thờ ơ, hạ kali gây ngừng tim và có thể dẫn tới tử vong. Do đó, người bệnh không được chủ quan, kể cả người trẻ có cơ thể khoẻ mạnh”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Người trẻ muốn tránh xa căn bệnh trên cần xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh. Khi gặp phải những vấn đề căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cần tìm biện pháp giải tỏa như chia sẻ với những người xung quanh, chơi thể thao, xem phim, đi du lịch… để tinh thần dễ chịu hơn. Những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với máy tính, làm việc lâu trong môi trường có nhiều tiếng ồn cũng cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, thả lỏng cơ thể để hệ thần kinh được nghỉ ngơi, sức khoẻ được tái tạo… Đặc biệt, không nên sử dụng điện thoại cũng như chơi điện tử quá nhiều mà dành thời gian tập thể dục, thể thao sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng.

Bệnh tiền đình có thể chữa khỏi bằng 2 biện pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc. Song, dù là biện pháp nào thì cũng cần có bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, không tự ý mua thuốc về uống.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
[Audio] Vì sao người trẻ cũng rối loạn tiền đình?