[Audio] Thân thương ngõ nhỏ

28/06/2023 09:26

Ngõ nhỏ trong phố cổ của TP Hải Dương luôn chất chứa những nét riêng khác biệt và nơi đó luôn ấm áp tình người.

00:00


Trong những ngõ nhỏ ở các phố cổ như Bắc Kinh, Xuân Đài, Sơn Hòa, Tuy An... của TP Hải Dương, người dân đã quen với cảnh nhiều gia đình cùng dùng chung không gian để nấu nướng

Giữa những ồn ào, tất bật, trong lòng TP Hải Dương vẫn có những phố nhỏ, ngõ nhỏ lặng lẽ, bình yên. 

Nét riêng phố cổ

Chưa ai đếm được ở TP Hải Dương còn bao nhiêu ngõ nhỏ nhưng nếu một lần ghé qua những phố cổ như Bắc Kinh, Sơn Hòa, Mạc Thị Bưởi, Ngân Sơn, Xuân Đài, Tuy An, Tuy Hòa… thì sẽ thấy có rất nhiều ngõ nhỏ san sát nhau, sâu hun hút. Những ngõ nhỏ ấy nhiều thì có vài chục hộ ở, ít thì chỉ một vài nhà gắn bó lâu dài. Nhiều người gọi những ngõ nhỏ ấy là “đặc sản” của phố cổ Thành Đông. Chỉ ở những nơi ấy mới có những ngõ nhỏ đến vậy. Nhỏ đến nỗi nhiều người thường gọi vui là “ngõ một chiều” hay “ngõ chạm mặt”. Bởi nếu ai đó đi từ đầu ngõ vào thì người từ trong ra sẽ phải dừng lại nhường đường. Sự nhường nhịn là một đặc trưng ở ngõ.

Tới những ngõ nhỏ ở phố Bắc Kinh, Sơn Hòa, Tuy An, Tuy Hòa, cảm giác như lạc vào mê cung. Có những con ngõ rộng chưa đầy 1m. Nơi được cải tạo, nơi vẫn mang dáng dấp của những ngày xưa cũ với xà gỗ, thanh chắn cổng đã nhuốm màu thời gian. Tuy cũ kỹ và chật chội nhưng mỗi ngõ nhỏ ở TP Hải Dương có những thú vị riêng. Chẳng hạn như ở các phố Bắc Kinh, Sơn Hòa có những ngõ luôn rộng cửa đón người tới thăm thì cũng có những nơi được thiết kế cổng chung đề phòng trộm cắp như một số ngõ ở phố Quang Trung, Xuân Đài. Có những con ngõ lại khiến người lần đầu tới không khỏi bất ngờ bởi khi vừa đi qua những hành lang tối sâu thăm thẳm thì ngay sau đó lại mở ra một khoảng sân rộng mênh mông ở giữa, xung quanh cây cối um tùm, xanh mát. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ.


Ngõ ở phố Sơn Hòa, Bắc Kinh đa phần nhỏ hẹp, đi lại phải nhường nhau

Ở đó còn có biết bao nhà cổ, trải qua năm tháng mái ngói đã phủ rêu, cũ kỹ nhưng lại là những chứng tích bền bỉ dõi theo những đổi thay của đô thị Hải Dương. Còn đó những dãy cầu thang gấp khúc, loanh quanh, nơi check-in, sống ảo của không ít bạn trẻ yêu sự cổ kính của những góc phố giấu mình sau sự ồn ào, náo nhiệt. Ở những con ngõ nhỏ đó có những hộ sở hữu diện tích vài trăm mét vuông nhưng cũng có những nhà chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông. Có những nơi gần như những hộ sinh sống bên trong ngõ cùng một dòng họ như ở ngõ 13, phố Tuy An cùng mang họ Lương Văn. Hay ở phố Bắc Kinh hầu như ngõ nào cũng gắn liền với một hiệu thuốc Bắc có tuổi đời ngót nghét trăm năm…

Bà Nguyễn Thị Hồng năm nay gần 90 tuổi, cũng chừng ấy thời gian sinh sống và gắn bó với phố Bắc Kinh kể: “Phố này trước đây còn có tên là phố Khách. Phố buôn bán sầm uất và rất nhiều người Hoa sinh sống. Sau đó, người Pháp đến đây cải tạo lại phần nào. Sau giải phóng, Nhà nước thu lại phân cho nhiều gia đình đến ở. Trước đây, phố bán đủ thứ từ quần áo, giày dép, thực phẩm đến cả bốc thuốc Bắc". Nghề tiếp nghề, ngày nay những người dân sống ở đây vẫn chủ yếu kinh doanh, buôn bán gắn liền với khu chợ Bắc Kinh sầm uất.

Nhiều ngõ nhỏ của TP Hải Dương còn là nơi có những đặc sản nổi tiếng. Ở phố Bắc Kinh đầu các ngõ nhỏ thường là nơi kinh doanh của những hàng thực phẩm nổi tiếng với món cá kho, thịt quay, bún ngan, bún vịt. Ngay đầu ngõ 13, phố Tuy Hòa là quán bán món bánh đa cua gia truyền ông Đà nổi tiếng, níu chân thực khách nhiều năm qua. Nhiều con ngõ ở Xuân Đài, Tuy An, Quang Trung đã trở thành "thánh địa" của kẹo lạc, trà đá, bánh bao, bánh rán, vịt quay, cháo quẩy…


Những người ở ngõ 13, phố Tuy An phần lớn cùng một họ Lương Văn

Ấm tình người

“Ngõ hẹp nhưng lòng người rộng”, bà Nguyễn Thị Hoài (ở ngõ 24 phố Bắc Kinh) nói. Ngõ có 15 hộ sinh sống, đông vui, quần tụ. Hễ nhà nào có việc hiếu, hỷ thì người dân cùng đến hỗ trợ. Mỗi người một việc, không ai bảo ai phân công nhau làm nhiệt tình, nền nếp. Nhà nào có người ốm đau, hoàn cảnh khó khăn đều được người trong xóm giúp đỡ. “Gia đình bà Nguyễn Thị Nhình, chồng mới mất, cuộc sống khó khăn, thường xuyên ốm đau, bệnh tật cũng được những người trong xóm chăm nom, giúp đỡ. Ở đây tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, thương yêu và trách nhiệm”, bà Hoài nói.


Nhiều nhà ở các ngõ nhỏ của phố Bắc Kinh có tuổi đời gần 100 năm

Ở những ngõ nhỏ của thành phố, người dân đã quen với cảnh nhiều gia đình cùng dùng chung không gian để nấu nướng, có chung hành lang nhỏ hẹp để đi lại. Nhiều hộ đã sống ở nơi đây vài chục năm, với nhiều thế hệ cứ thế cùng nhau lớn lên. Ngõ nhỏ vẫn luôn ở đó chứng kiến hạnh phúc lứa đôi từ lúc hẹn hò, tổ chức đám cưới đến khi những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. “Ngõ phố, đời người quả không sai. Bao nhiêu người ở ngõ là bấy nhiêu số phận, bấy nhiêu tình thương dành cho nhau trong sự chật hẹp đáng yêu này”, ông Lương Văn Triệu (ở ngõ 13, phố Tuy An) nói.

Đô thị TP Hải Dương sẽ có nhiều thay đổi. Những phố cổ, ngõ nhỏ sẽ được chỉnh trang, tái thiết nhưng tôi tin sẽ không bao giờ mất đi những nét riêng biệt, thú vị của nó.

BẢO ANH




(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Thân thương ngõ nhỏ