Hải Dương đang nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đông dân nhất cả nước. Điều này mang lại nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho tỉnh.
Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở Hải Dương cao nhưng chất lượng chưa cao
Lợi thế lớn
Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, đến thời điểm này, dân số của tỉnh ước gần 2 triệu người, đứng thứ 8 cả nước; tăng gần 300.000 người so với năm 2011. Chất lượng dân số của tỉnh từng bước được cải thiện. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được nâng lên rõ rệt. Tính đến hết năm 2022, tuổi thọ trung bình của người Hải Dương đạt 74,9 tuổi, cao hơn mức bình quân toàn quốc 1,3 tuổi…
Cùng với cả nước, Hải Dương đang ở thời kỳ “dân số vàng” khi số người trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) cao gấp đôi số người phụ thuộc (dưới 15 và từ 65 tuổi trở lên). Cụ thể, toàn tỉnh có trên 24% số dân là trẻ em dưới 15 tuổi, khoảng 65% dân số trong độ tuổi từ 15-64 tuổi. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của tỉnh tính đến hết năm 2022 là gần 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 29,7%. Dân số trong tỉnh ngày càng có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Lợi thế dân số đông, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao sẽ là thời cơ lý tưởng để Hải Dương hội nhập, phát triển và hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Dân số đông sẽ khiến cho các hoạt động của nền kinh tế trở nên sôi động hơn. Lực lượng dân số trẻ của tỉnh cũng đang ở mức cao, ngày càng có sự am hiểu sâu rộng về công nghệ, khoa học kỹ thuật… sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển và hội nhập của tỉnh.
Ông Chen Chi Kun, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam (Thanh Miện) nhận xét: “Nguồn lao động ở Hải Dương dồi dào. Ưu điểm của họ là cần cù, học việc nhanh, chi phí nhân công rẻ. Tôi cho rằng đây là lợi thế lớn trong việc thu hút các dự án công nghiệp lớn vào địa bàn”.
Dự báo dân số Hải Dương tiếp tục tăng trong những năm tới và tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đông dân cư nhất cả nước.
Dân số của toàn tỉnh Hải Dương hiện có gần 2 triệu người, đứng thứ 8 trong cả nước
Không ít trở ngại
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, mặc dù Hải Dương đang trong thời kỳ “dân số vàng” song thực tế dân số cũng bắt đầu có sự già hoá nhanh. Nếu như năm 2018, tỷ lệ người cao tuổi (65 tuổi trở lên) trong tỉnh chiếm 10,3% thì hết năm 2022 đã tăng trên 11%. Hải Dương sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già” khi tỷ lệ này đạt 14%. Các chuyên gia dự báo “cơ cấu dân số vàng” tại Việt Nam sẽ kết thúc và chuyển sang giai đoạn “dân số già” vào năm 2036, song tại Hải Dương thời điểm này có thể đến sớm hơn từ 5-7 năm. Điều này sẽ khiến tỉnh gặp nhiều thách thức khi lực lượng lao động trẻ sụt giảm, lao động trung tuổi (trên 50 tuổi) tăng cao, không phù hợp với hoạt động sản xuất công nghiệp đòi hỏi cường độ lao động cao.
Sự gia tăng về dân số cùng với sự già hoá dân số đang diễn ra nhanh sẽ gây ra những áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục... Hiện quy mô các trường THPT chưa đáp ứng được nhu cầu tốt nghiệp cho học sinh THCS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được đào tạo ngành nghề theo nhu cầu xã hội. Mặc dù tỉnh đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng chưa “vàng về chất lượng”, làm ảnh hưởng tới những mục tiêu trước mắt của quá trình công nghiệp hoá.
Việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân của tỉnh đang phải đối diện với không ít áp lực do cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở y tế đã xuống cấp nghiêm trọng. Khi tỉnh bước vào thời kỳ “già hoá dân số” cũng đồng nghĩa những áp lực đối với ngành y tế sẽ càng nặng nề hơn. Sự gia tăng về dân số còn kéo theo nhiều hệ luỵ liên quan đến môi trường, an sinh xã hội, gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp…
Nhiều ý kiến cho rằng Hải Dương cần tranh thủ tối đa thời cơ nhằm phát huy dư lợi “dân số vàng” như hiện nay để phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tích lũy các nguồn lực thích ứng trước khi bước vào thời kỳ “già hóa dân số”. Cần tính toán tạo ra nhiều việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng phù hợp với cơ cấu độ tuổi lao động, cơ cấu trình độ chuyên môn. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hoạt động đào tạo, tiến tới xây dựng lượng lao động chất lượng có tay nghề, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc trong điều kiện mới. Thực hiện tốt các giải pháp duy trì mức sinh thay thế, vừa bảo đảm kéo dài thời kỳ “dân số vàng”, vừa trì hoãn quá trình già hóa dân số…
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng cần quy hoạch và xây dựng thêm trường học, tạo điều kiện để các trường tư thành lập, duy trì hoạt động. Quan tâm cải thiện cơ sở vật chất của các bệnh viện và chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhân viên y tế để họ yên tâm công tác. Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, phát triển các lĩnh vực hiện còn yếu như du lịch để tạo thêm việc làm cho người dân. “Cần có sự đánh giá tổng quát về tình hình biến động dân số của tỉnh để quy hoạch phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực. Các chính sách mới nhất quán, đồng bộ và phù hợp với sự biến động dân số sẽ tạo sự ổn định, phát triển cho đời sống người dân”, đồng chí Việt Nga nói.
BÌNH MINH