[Audio] Nhiều thách thức “ngáng đường” sản phẩm OCOP

09/04/2023 06:00

 Nhiều sản phẩm OCOP của Hải Dương đã và đang vươn tầm ra thế giới. Nhưng hành trình ấy vẫn còn nhiều khó khăn...

00:00


Hạn chế về nhà xưởng nên sản phẩm mật ong của Công ty CP Ong mật Việt Ý chưa thể xuất khẩu trực tiếp mà phải thông qua doanh nghiệp khác (Ảnh cơ sở cung cấp)

Quy trình chế biến chưa bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phụ thuộc vào tính mùa vụ... là những thách thức "ngáng đường" sản phẩm OCOP vươn ra thị trường thế giới.

Phụ thuộc nhiều yếu tố

Công ty CP Ong mật Việt Ý (Chí Linh) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Hải Dương tìm cách khai thác các sản phẩm từ ong mật tự nhiên. Hiện doanh nghiệp này có 2.000 đàn ong mật, ngoài ra còn liên kết với nhiều trang trại ong mật lớn ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước với hơn 3.000 đàn ong theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của châu Âu. Mỗi năm, doanh nghiệp khai thác khoảng 20 tấn mật ong, gần 5 tấn phấn hoa, 2 tấn sữa ong chúa... với 18 sản phẩm mang thương hiệu Việt Ý. Hiện công ty có 4 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP gồm: sữa ong chúa, tổ sáp ong đặc biệt, mật ong đặc sản Chí Linh và mật ong sữa chúa. Các sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn châu Âu với thiết kế bao bì đẹp mắt. Nhiều sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn không thể xuất khẩu trực tiếp do những rào cản về quy trình, kỹ thuật chế biến và đóng gói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty CP Ong mật Việt Ý chia sẻ: “Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu nhà xưởng đạt tiêu chuẩn. Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng và mở rộng nhà xưởng để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, việc xuất khẩu hàng vẫn phải thông qua một doanh nghiệp khác khiến sản lượng xuất khẩu không nhiều, giá trị hàng hóa giảm”.

Với những sản phẩm nông nghiệp đã đạt chứng nhận OCOP thì khó khăn lớn nhất lại ở yếu tố thời vụ. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho biết: “Sản phẩm OCOP cà rốt tươi là sản phẩm chủ lực của địa phương. HTX đã được đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sơ chế, đóng gói sản phẩm để đạt chất lượng xuất khẩu sang nhiều nước. Thế nhưng, những dây chuyền này chỉ sôi động vào mùa vụ thu hoạch với hàng chục nghìn tấn cà rốt. Còn các thời điểm khác trong năm thì hầu như phải đắp chiếu vì không có nông sản phù hợp để sản xuất”.

Hiện nay, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì của sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ. Các chủ thể đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu hạn chế, lại phụ thuộc vào thời vụ nên chưa đáp ứng được yêu cầu lớn của thị trường.


Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu nên Công ty TNHH một thành viên Vũ Công ở xã Nam Trung (Nam Sách) duy trì sản xuất ổn định

Chủ động nguồn nguyên liệu

Cũng trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản với nhiều sản phẩm OCOP nổi bật nhưng Công ty TNHH một thành viên Vũ Công ở xã Nam Trung (Nam Sách) lại chủ động nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất. Vẫn phụ thuộc vào mùa vụ nhưng chỉ bằng cách đa dạng các sản phẩm và mở rộng vùng nguyên liệu, doanh nghiệp này đã tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Đơn vị hiện có 8 sản phẩm sấy khô gồm các nguyên liệu hành lá, hành củ, hành tây, đậu bắp, cà rốt… Trong đó, 3 sản phẩm gồm hành lá, đậu bắp và hành thái lát đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, ngay từ đầu vụ, công ty thường ký hợp đồng sản xuất với nông dân trên quy mô lớn. Ngoài vùng nguyên liệu tại địa phương, doanh nghiệp còn mở rộng sang các tỉnh, thành phố khác và nhập một phần nguyên liệu từ Trung Quốc. Các sản phẩm sau khi thu mua sẽ được bảo quản trong kho lạnh để sản xuất dần. Mỗi năm, sản lượng xuất xưởng của doanh nghiệp đạt hơn 100 tấn, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, một phần được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Toàn tỉnh hiện có 226 sản phẩm còn trong thời hạn đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Có thể thấy, Chương trình OCOP là một chủ trương hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo ra thay đổi lớn cho bộ mặt kinh tế nông thôn. Dù vậy, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại… nên chưa đủ điều kiện phát triển với số lượng lớn. Trong khi đó, nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP của các HTX là rất lớn. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp lớn có lợi thế lại chưa quan tâm đúng mức, trong khi đó các HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và thị trường tiêu thụ.

Theo bà Phạm Thị Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp nên mang tính thời vụ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi đó, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi các sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hoá ngày càng cao về chất lượng và số lượng. Nhiều sản phẩm dù đạt chứng nhận OCOP nhưng vẫn yếu về điều kiện sản xuất, các chỉ tiêu công bố chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, bảo vệ môi trường… Đây cũng là rào cản để đưa sản phẩm OCOP vươn ra thế giới.

Để khắc phục khó khăn, các chủ thể cần chủ động hơn nữa trong phát triển vùng nguyên liệu địa phương, xây dựng chuỗi giá trị nhằm kiểm soát chất lượng đầu vào; đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đào tạo nghề cho lao động và nâng cao năng lực của cộng đồng sản xuất, xây dựng câu chuyện sản phẩm và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Nhiều thách thức “ngáng đường” sản phẩm OCOP