[Audio] Nhiều doanh nghiệp gặp khó

23/06/2023 05:42

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tại Hải Dương rời thị trường tương đối lớn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan suy thoái kinh tế toàn cầu thì còn do tiềm lực của doanh nghiệp hạn chế.

00:00

\
Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát (TP Hải Dương) phải thu hẹp quy mô sản xuất do gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Lan

Trước những tác động tiêu cực, biến động của tình hình trong nước và thế giới, không ít doanh nghiệp ở Hải Dương phải tạm dừng sản xuất, rời thị trường. 

Nhiều khó khăn

Từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát (TP Hải Dương) phải cắt giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất do gặp khó trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Thời gian trước, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng may mặc xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… nhưng hiện tại số lượng chỉ bằng một nửa. Anh Hà Văn Mạnh, Tổng Giám đốc công ty cho biết chưa khi nào doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Sau đại dịch Covid-19, những tưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phục hồi, đạt được kết quả tích cực thì khủng hoảng, xung đột, lạm phát toàn cầu lại kéo nền kinh tế đi xuống. Các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp nên thời gian qua phải co kéo để duy trì hoạt động.

“Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bất lợi bủa vây, nếu như không có điểm tựa hỗ trợ thì doanh nghiệp khó có thể trụ vững để vượt qua”, anh Mạnh nêu quan điểm.

Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm (Kinh Môn) đã phải dừng sản xuất từ đầu năm 2023 dù trước đó doanh nghiệp này hoạt động tương đối hiệu quả, thuận lợi. Chuyên về lĩnh vực chế biến sâu nông sản, đơn vị đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế biến động, thị trường thu hẹp, hàng làm ra không xuất được nên doanh nghiệp quyết định ngừng sản xuất để hạn chế rủi ro, thua lỗ.

Theo Giám đốc Công ty Trần Đình Khiêm, doanh nghiệp không chỉ “ngấm đòn” bởi đại dịch mà còn đang mắc kẹt giữa chuỗi cung ứng khi nguyên liệu đầu vào tăng cao mà đầu ra vừa bó hẹp thị trường, vừa giảm giá thành sản phẩm. Ông Khiêm cho biết: “Dừng sản xuất nhưng công ty vẫn duy trì đóng bảo hiểm cho công nhân, người lao động để chờ đợi cơ hội phục hồi. Mặc dù vậy, với tình hình hiện nay thì không mấy khả quan”.


Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm phải dừng sản xuất từ đầu năm 2023 do thị trường thu hẹp (ảnh tư liệu)

Tìm giải pháp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện Hải Dương có 18.595 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 216.000 tỷ đồng. Các chỉ số phát triển doanh nghiệp của tỉnh đứng ở tốp khá cao so với cả nước. Song doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp. Do tiềm lực hạn chế nên khi gặp tác động tiêu cực từ bên ngoài, doanh nghiệp khó thích ứng, dẫn tới phải rút khỏi thị trường. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.800 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ cơ quan thuế, số doanh nghiệp hoạt động thực tế và có doanh thu chỉ hơn 5.600 doanh nghiệp, chiếm 30% tổng số doanh nghiệp đăng ký. Những con số này cho thấy, các doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động chưa thật sự ổn định, bền vững, cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục tình trạng này.

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tại Hải Dương rời thị trường tương đối lớn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế toàn cầu thì còn do năng lực, nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế. Nhất là khi nhiều doanh nghiệp trưởng thành, đi lên từ hộ sản xuất, kinh doanh. Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh nhận định doanh nghiệp chấp nhận dừng sản xuất, giải thể là vì chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ về thị trường. Các doanh nghiệp này chưa linh hoạt, chủ động trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Không lường trước được khó khăn khiến doanh nghiệp lao đao, giảm "sức đề kháng" trước những bất lợi từ bên ngoài.

“Một trong những lý do khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ trong thời gian qua là chưa quan tâm đúng mức tới sản xuất, kinh doanh để củng cố tiềm lực mà chạy theo "bong bóng" bất động sản. Vì thế khi quả bóng xì hơi, doanh nghiệp cùng lúc chịu nhiều sức ép, thua lỗ kéo dài, rồi phá sản”, ông Nghệ phân tích.

Bên cạnh hạn chế, khó khăn thì phát triển doanh nghiệp của Hải Dương cũng có tín hiệu tích cực khi 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động đã giảm 24% so với cùng kỳ năm nước. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng khả quan hơn trước. Dù vậy, mục tiêu thành lập mới doanh nghiệp tăng 15%/năm sẽ khó đạt được nếu không thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phát triển doanh nghiệp.

Thời gian tới, với mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững, Hải Dương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tập trung tháo gỡ nút thắt về thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực để tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Nhiều doanh nghiệp gặp khó