[Audio] Ngăn ma túy "tấn công" công nhân

15/08/2023 06:02

Ma túy len lỏi vào từng khu nhà trọ và khiến không ít công nhân Hải Dương vào con đường nghiện ngập, phạm tội.

00:00


Công đoàn ngành xây dựng phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống ma túy cho công nhân (ảnh tư liệu)

Công nhân, lao động là những người có nguy cơ cao bị các đối tượng lôi kéo sử dụng trái phép, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. 


Rủi ro cao

Anh H.H.T. quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trọ tại khu dân cư Xuân Dương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) vừa trở lại Hải Dương tìm việc sau gần 1 năm phải đi cai nghiện ma túy. Anh T. kể, khu nhà trọ nơi anh ở có tổng cộng 10 phòng, chủ yếu là công nhân đến từ các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Yên Bái. Ban đầu do công ty nhiều việc, bận tăng ca nên anh T. rất ít có thời gian tụ tập, giao lưu với những công nhân khác cùng xóm trọ. Khi công ty ngày càng ít việc, thời gian rảnh rỗi nhiều nên anh bắt đầu theo các bạn cùng xóm đi chơi và dần bị dụ dỗ dùng ma túy đá lúc nào không hay. “Nhàn rỗi sinh hư, kiến thức về ma túy còn hạn hẹp cộng với không làm chủ được bản thân nên tôi đã dính vào ma túy”, anh T. nói.

Hải Dương hiện có hơn 300.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, trong đó có gần 20% số lao động tỉnh ngoài phải ở trọ. 

Thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) gần khu công nghiệp Phúc Điền nên có rất nhiều công nhân đến thuê trọ. Cả thôn hiện có hơn 300 nhà trọ cho hơn 3.000 công nhân thuê, chủ yếu là công nhân tỉnh ngoài. Theo thiếu tá Phạm Văn Phương, Phó Trưởng Công an xã Cẩm Phúc, do có nhiều công nhân ở trọ nên thôn Lê Xá cũng là địa bàn phức tạp về ma túy. Đa số công nhân ở trọ đều còn trẻ, sống xa gia đình. Ði làm về, họ chỉ biết quẩn quanh trong khu nhà trọ, ít tiếp cận với các thông tin giải trí lành mạnh. Do đó dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng, thậm chí mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tháng 6 vừa qua, Công an xã Cẩm Phúc bắt quả tang N.V.Đ. quê ở Hà Giang, thuê trọ tại thôn Phúc Cầu chứa chấp 9 công nhân, lao động quê ở Sơn La và Yên Bái sử dụng trái phép chất ma túy. Hầu hết những công nhân này làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phúc Điền. Nhiều thanh niên dân tộc vốn đã từng nghiện hút nên ngay khi xuống Hải Dương đã tìm cách móc nối với các đối tượng bán ma túy để thỏa cơn nghiện. Một số còn trực tiếp buôn bán chất gây nghiện này.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng công nhân, người lao động nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, nhưng theo Công an tỉnh, ma túy đang len lỏi vào từng khu trọ và lôi kéo nhiều người rơi vào con đường nghiện ngập, phạm tội. Khi bị nghiện công nhân dễ bỏ việc, trộm cắp tài sản của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, lôi kéo thêm lao động khác sử dụng trái phép chất ma túy, gây mất trật tự an toàn xã hội.


Các thành viên tổ “Doanh nghiệp và nhà trọ an toàn về an ninh trật tự" của xã Cẩm Phúc trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn kịp thời tội phạm ma túy ở các khu nhà trọ

Tăng sức "đề kháng"

Để ngăn ma túy vào các nhà máy, xí nghiệp, khu nhà trọ, Công an tỉnh cùng với các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm nói chung, ma túy nói riêng ở địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Gần đây, các doanh nghiệp trong tỉnh chú ý hơn đến việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ làm gắn với tuyên truyền về tác hại ma túy cho công nhân. Tại các địa phương có nhiều công nhân, lao động tạm trú đã có những cách làm hay và hiệu quả để bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn ma túy, tiêu biểu như mô hình “Nhà trọ tự quản về an ninh trật tự” tại phường Việt Hòa (TP Hải Dương), "Doanh nghiệp và nhà trọ an toàn về an ninh trật tự" tại huyện Cẩm Giàng.

Ở nhiều nơi, các chủ nhà trọ còn trở thành “tai mắt” giúp công nhân tránh xa ma túy. Ông Lê Văn Hùng, chủ nhà trọ ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc cho biết: “Nhà tôi luôn có khoảng 300 công nhân ở trọ nên phải thường xuyên theo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng người để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời. Tôi đã lắp 12 camera cho 9 dãy trọ. Khi phát hiện hoạt động nào nghi vấn là tôi nhắc nhở hoặc theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện và báo cáo với lực lượng công an xã xử lý kịp thời”.

Tại các khu công nghiệp có đông công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp với công đoàn của doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin mới về diễn biến tội phạm ma túy, giúp họ nhận biết mối nguy hiểm từ đó chủ động phòng ngừa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt dự án “Tăng cường phòng chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện dự án này, Tổng Liên đoàn Lao động phát triển nhiều mô hình tổ công nhân tự quản tại các khu trọ với sự tham gia của chính quyền địa phương, công đoàn doanh nghiệp và chủ các nhà trọ. Những người tham gia mô hình vừa tuyên truyền, vừa phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn tội phạm ma túy tiếp cận công nhân, người lao động. Năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai chương trình phòng chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với thông điệp “Vì một cộng đồng công nhân lao động khỏe mạnh và an toàn, tránh xa ma túy”.

BẢO ANH

(0) Bình luận
[Audio] Ngăn ma túy "tấn công" công nhân