[Audio] Nâng chất lượng na Chí Linh

25/07/2023 11:14

Nhờ trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP và tăng cường kết nối tiêu thụ nên cây na ở Chí Linh ngày càng được nâng cao chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường.

00:00


Cán bộ Hội Nông dân (bên phải) thường xuyên xuống các vườn để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP

Do áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác na, đặc biệt là quy trình trồng na VietGAP rải vụ nên chất lượng na Chí Linh tăng cao và xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Na VietGAP

Những đồi cây ăn quả rộng lớn, xanh ngút ngàn đang là niềm tự hào của người dân phường Bến Tắm. Đây là một trong những vựa quả lớn ở TP Chí Linh với đủ loại cây ăn quả từ nhãn, thanh long ruột đỏ... nhưng na vẫn là cây trồng có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhất. Hiện địa phương này có khoảng 200 ha trồng na. Năm 2021, na Bến Tắm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. 

Ông Bùi Văn Nhương (ở khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm) có vườn na rộng 1,4ha, được đánh giá cao cả về năng suất và chất lượng ở địa phương. Theo ông Nhương, mấy năm gần đây, thời tiết kém thuận lợi nên năng suất na không cao như trước nhưng bù lại chất lượng tăng. Năm nay, năng suất na của gia đình ông đạt khoảng 13 tấn/ha, cao hơn các hộ trồng na khác trong vùng. Từ khi chăm sóc theo quy trình VietGAP kết hợp cắt tỉa cành để na ra quả thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau từ 10-15 ngày, giá trị và năng suất na tăng rõ rệt. Mỗi năm, ông thu lãi gần 300 triệu đồng/ha từ cây na.

Khác với na ở Bến Tắm, những đồi na ở phường Hoàng Tiến được trồng từ những năm 2000 nên một số vườn cây đã già nhưng không vì thế mà chất lượng quả giảm sút. Nhà ông Nông Văn Lý (ở khu dân cư Tân Tiến) có 1,8 ha, có những vườn na đã trên 15 năm, vườn cây trẻ nhất cũng đã trên 10 năm. Dù vậy, chất lượng quả vẫn bảo đảm. Theo ông Lý, để na có tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp, bí quyết chính là công đoạn thụ phấn cho na. Công đoạn này phải làm thủ công hoàn toàn. “Bình quân mỗi năm nhà tôi thu từ 9-10 tấn/ha na chính vụ và khoảng 4 tấn/ha na đông. Dù năng suất không cao như những vườn na mới trồng nhưng quả to, tròn và đều. Được chăm bón theo tiêu chuẩn VietGAP nên na ở vườn nhà tôi ngọt và được thương lái ưa thích”, ông Lý cho biết.

Kết nối tiêu thụ

TP Chí Linh có gần 900 ha na, trồng tập trung ở các phường Hoàng Tiến, Bến Tắm… Tại các địa phương này đã hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Trong đó có hơn 200 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Na chính vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8. Sau đó, nông dân tập trung vào chăm sóc vụ na đông. Dù năng suất chỉ bằng 1/3 so với na chính vụ nhưng chất lượng và giá bán tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Vụ này, năng suất na chính vụ ở Chí Linh ước đạt khoảng 12-13 tấn/ha, tương đương vụ trước, gấp đôi so với na ở các vùng khác trong tỉnh. 

Năm 2016, na Chí Linh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đó, hầu hết các hộ trồng na đều áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo được vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Để thương hiệu na Chí Linh ngày càng được nâng tầm, các địa phương và ngành nông nghiệp thành phố đã quan tâm chỉ đạo sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. 


Với 1,4 ha trồng na, ông Bùi Văn Nhương (ở khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm) ước thu khoảng 15 - 16 tấn na chính vụ 

Ông Hà Tuấn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bến Tắm chia sẻ: “Năm 2021, na Bến Tắm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi đạt chứng nhận, thành phố đã hỗ trợ và kết nối tiêu thụ cho sản phẩm na của địa phương. Một phần sản lượng na đã được tiêu thụ trong các siêu thị và cửa hàng hoa quả sạch với giá bán cao. Nhờ vậy, thương hiệu na Chí Linh ngày càng được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố biết tới bởi hương vị thơm ngon. Địa phương cũng có kế hoạch nâng hạng sao cho sản phẩm na Chí Linh trong vài năm tới”.

Theo chị Lê Thị Huế, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh, do phù hợp với đất đai vùng đồi núi, cộng với kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên cây na đã sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và chất lượng nổi trội hơn hẳn na trồng ở các vùng khác trong tỉnh. Đặc biệt, na không chịu áp lực về thời vụ nhiều như các cây ăn quả khác, thu rải vụ quanh năm nên có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ. Na Chí Linh được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… Chỉ còn khoảng chục ngày nữa, nhiều diện tích na của thành phố bắt đầu cho thu hoạch. Do vậy, thành phố đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp đến thu mua nông sản. Với việc mở rộng thị trường qua nhiều kênh bán hàng, mặc dù lượng tiêu thụ chưa nhiều nhưng sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản của Chí Linh trong thời gian tới.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
[Audio] Nâng chất lượng na Chí Linh