Nhằm đánh thức tiềm năng, bắt kịp xu thế và thích ứng biến đổi khí hậu, Hải Dương đang nỗ lực gây dựng một nền nông nghiệp xanh bền vững.
Nông dân Tứ Kỳ canh tác hữu cơ tại khu vực bãi sông Thái Bình để khai thác rươi, cáy tự nhiên. Ảnh: Thành Chung
Từ những cách làm hiệu quả...
Vốn là đặc sản của mảnh đất xứ Đông song có thời kỳ cây vải thiều bị người dân thờ ơ vì điệp khúc được mùa, mất giá. Gần đây, vải thiều Thanh Hà đã dần lấy lại vị thế, chiếm lĩnh các thị trường khó tính. Không những vậy, đặc sản này còn đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua du lịch sinh thái. Người khai mở hướng đi này là vợ chồng chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà).
Để xây dựng được mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, thay vì sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen, chị học hỏi kỹ thuật VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của quả vải. Cùng với sản xuất sạch, từ năm 2015, chị bắt đầu trồng hoa quanh lối đi để khu vườn bắt mắt, hấp dẫn hơn. Dưới bàn tay của vợ chồng chị Liêm, khu đồng hoang bèo tây giăng kín lối sau hơn 20 năm đã thành tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn với điểm nhấn là vườn vải đỏ rực, trĩu quả đạt chuẩn VietGAP. Mỗi mùa vải chín, hàng chục nghìn du khách từ mọi nơi về đây tham quan, trải nghiệm, thưởng thức hương vị ngon ngọt của vải thiều Thanh Hà. Họ vui vẻ mua vé tham quan, bỏ ra số tiền lớn hơn để được nếm thử vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Đắc Viêm ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) không chỉ có quy mô “khủng” mà còn được đánh giá là hiện đạị nhất Hải Dương với quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín. Hiện nay, ngoài đáp ứng khoảng 50% lượng con giống bố mẹ cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh, anh Viêm còn là bạn hàng tin cậy của nhiều chủ trang trại ở các tỉnh, thành phố lớn phía Bắc. Với gần 1.000 con lợn giống ông bà nhập khẩu từ các nước Mỹ, Bỉ, Canada, Đan Mạch… mỗi tháng anh Viêm cung cấp khoảng 500 con lợn nái và 2.000 con lợn thương phẩm. Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, trang trại của anh cũng không bị ảnh hưởng. Để có kết quả này, anh Viêm đã nghiêm túc áp dụng quy trình sản xuất sạch.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Viêm đầu quân cho một doanh nghiệp sản xuất cám có tiếng trong tỉnh. Xuống từng hộ dân để tiếp thị sản phẩm, anh nhận thấy thất bại trong nuôi lợn đa phần là do chủ quan, người chăn nuôi lệ thuộc quá nhiều các yếu tố bên ngoài, thiếu chủ động trong sản xuất. Năm 2012, anh quyết định nghỉ việc về làm kinh tế trang trại. Không chỉ khắt khe về kỹ thuật chăn nuôi, trang trại của anh Viêm còn đi đầu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Toàn bộ lợn giống đều được gắn chip nhằm xác định thể trạng của từng con, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong chế độ ăn uống, sinh hoạt. Chip cũng giúp phát hiện bệnh dịch nhanh chóng, giúp các kỹ sư xử lý kịp thời, tránh được thiệt hại không đáng có. Khâu cho lợn ăn và vệ sinh chuồng trại cũng hoàn toàn tự động. Lượng thức ăn được tính toán phù hợp với trọng lượng từng con để không lãng phí. Quá trình sinh trưởng, phát triển của lợn sẽ được lưu giữ trong hệ thống camera giám sát được lắp đặt xung quanh chuồng trại.
Phát triển nông nghiệp xanh tại Hải Dương không chỉ dừng lại ở các mô hình đơn lẻ mà đã tạo được sự lan tỏa lớn. Nông dân huyện Tứ Kỳ chính là điển hình như vậy khi luôn gìn giữ, bền bỉ khai thác những ưu đãi từ tự nhiên. Từ những năm 1999-2000, nông dân ở những nơi có vùng đất bãi do phù sa sông Thái Bình bồi đắp của huyện đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ở vùng khai thác rươi, cáy tự nhiên ngoài bãi sông Thái Bình. Thời gian gần đây, người dân chấm dứt hoàn toàn với phương thức canh tác hóa học, chuyển sang làm hữu cơ để tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy sinh sôi.
Vùng đất bãi sông Thái Bình được nông dân Tứ Kỳ quý hơn vàng do giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Nông dân canh tác thuận tự nhiên, trồng lúa hữu cơ để dưỡng đất cho rươi, cáy sinh sôi. Ngoài khai thác ngoài bãi, nông dân còn đưa nước dẫn dụ rươi, cáy phát triển trong đồng. Trên mảnh đất đó, nhiều nông sản mang đặc trưng riêng được vun đắp, xây dựng, trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của cả tỉnh. Gạo hữu cơ, chuối hữu cơ, rươi, cáy tự nhiên của Tứ Kỳ được người tiêu dùng biết đến, nhắc đến nhiều hơn. Uy tín của sản phẩm, niềm tin của khách hàng càng được củng cố khi hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp tại huyện được công nhận đạt chuẩn các tiêu chí về sản xuất hữu cơ.
Nông dân Thanh Hà bắt đầu phát triển nông sản đặc sản theo hướng đa giá trị khi kết hợp sản xuất sạch gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: Thành Chung
HOÀNG LINH
Đồ họa: TUẤN ANH