Tuy là bệnh lành tính nhưng thủy đậu cũng có thể gây tử vong ở những người suy giảm đề kháng miễn dịch hoặc để lại những di chứng như viêm não, màng não, phổi nếu không được chăm sóc đúng cách.
Học sinh Trường Mầm non xã Kim Anh rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi ra về nhằm hạn chế mầm bệnh thuỷ đậu bùng phát, lây lan
Thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm lành tính nhưng nếu không được chăm sóc, chữa trị đúng cách, kịp thời thì bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng rất nguy hiểm.
Lượng bệnh nhân gấp hơn 10 lần năm ngoái
Ngày 21.2, một trẻ 3 tuổi học Trường Mầm non thị trấn Thanh Hà bị mắc thuỷ đậu. Chỉ trong vài ngày, trường này có thêm 4 trẻ nữa mắc bệnh này. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của y tế địa phương, một loạt các biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng được triển khai. Hơn nửa tháng đã qua, trường không có thêm học sinh nào mắc thuỷ đậu, tất cả bệnh nhân đều khỏi bệnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhà trường chủ quan. Hằng ngày, toàn bộ khuôn viên, nhà lớp học được quét dọn, lau nước sát khuẩn. Đồ dùng, đồ chơi cũng được lau chùi kỹ càng. Trên nhóm Zalo của từng lớp, nhà trường gửi nhiều nội dung cho phụ huynh về cách phòng tránh bệnh thuỷ đậu cho trẻ theo hướng dẫn của ngành y tế.
“Trên lớp, các giáo viên có nhiệm vụ giám sát, theo dõi sức khoẻ của từng trẻ. Chúng tôi không thể chủ quan vì dịch bùng phát không chỉ gây nguy hại đến sức khoẻ của các con mà còn làm gián đoạn các hoạt động chăm sóc, giáo dục của nhà trường”, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thanh Hà Hoàng Thị Vân Anh thông tin.
Từ đầu năm đến nay, Trường Mầm non xã Kim Anh (Kim Thành) có 8 học sinh được phát hiện mắc thuỷ đậu tại nhà. Mặc dù chưa có ca bệnh nào trên lớp song việc phòng chống dịch đã và đang được nhà trường đặc biệt quan tâm. Kết thúc giờ học buổi chiều, giáo viên cho từng trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi được cha mẹ đến đón. Sàn nhà lớp học, dãy cầu thang, hành lang được lau chùi sạch sẽ. Các loại đồ dùng, đồ chơi cũng được thu gom và ngâm cùng nước hoà với dung dịch khử khuẩn. Mỗi khi có người đến đón trẻ, các giáo viên lại nhắc nhở họ quan tâm chăm sóc trẻ lúc thời tiết giao mùa để tránh mắc các loại dịch bệnh, trong đó đặc biệt lưu ý cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng thuỷ đậu nếu chưa tiêm.
Chị Phan Thị Thuỳ Linh có con học tại Trường Mầm non xã Kim Anh vừa khỏi thuỷ đậu cho biết: “Nhiều gia đình chưa đưa con đi tiêm vaccine phòng thuỷ đậu nên việc các cô giáo nhắc nhở như vậy cũng rất cần thiết".
Việc các trường học nói chung, cha mẹ học sinh nói riêng quan tâm đến phòng bệnh thuỷ đậu là rất cần thiết. Từ đầu năm đến ngày 8.3, toàn tỉnh ghi nhận 114 trường hợp mắc thuỷ đậu ở 7 trong tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố, tăng 10,3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (11 trường hợp). Tất cả bệnh nhân đều là trẻ em và hầu hết chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh thuỷ đậu có nguy cơ bùng phát và lây lan. Đáng lo ngại là hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng thuỷ đậu.
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Thanh Hà hằng ngày lau sàn nhà lớp học bằng dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh thuỷ đậu cho trẻ
Tiêm phòng là phương pháp hữu hiệu nhất
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Hải Dương đã điều trị cho không ít bệnh nhân gặp biến chứng do mắc thuỷ đậu, phổ biến là viêm da nhiễm trùng. Đa số những trường hợp này đã điều trị tại nhà nhưng không khỏi mới nhập viện. Mặc dù viêm da nhiễm trùng không đe dọa tới tính mạng nhưng gây đau đớn và để lại những vết sẹo lớn trên da của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Vinh (Bệnh viện Nhi Hải Dương) cảnh báo mặc dù tỷ lệ trẻ gặp biến chứng do thuỷ đậu không cao nhưng thực tế đã có những bệnh nhân bị di chứng như viêm não, màng não, phổi. Những biến chứng này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề như động kinh. “Tiêm vaccine là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thuỷ đậu hiệu quả và lâu dài. Đa số người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Những ai đã tiêm phòng mà vẫn bị thuỷ đậu thì cũng chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ”, bác sĩ Vinh khuyến cáo.
Bệnh thuỷ đậu sẽ xuất hiện từ 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, thường khởi phát với triệu chứng như nổi mụn nước trên da, sốt, đau đầu, đau cơ, biếng ăn, quấy khóc. Bệnh này có thể điều trị tại nhà song các bác sĩ lưu ý cha mẹ không tự ý mua thuốc về chữa bệnh cho con mà cần liên hệ ngay với y tế nơi gần nhất để được tư vấn cách điều trị hiệu quả, hạn chế nguy cơ trẻ gặp biến chứng. Quan niệm khi mắc thuỷ đậu phải kiêng gió, kiêng nước là sai lầm. Bệnh nhân mắc thuỷ đậu vẫn cần tắm rửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày kết hợp với bôi thuốc để tránh nhiễm trùng da...
Giá dịch vụ tiêm vaccine phòng thuỷ đậu từ 850.000-890.000 đồng/mũi
Có 2 loại vaccine phổ biến đang được các cơ sở tiêm chủng sử dụng để tiêm phòng thuỷ đậu là Varivax (nhập khẩu từ Mỹ tiêm sau khi trẻ được 12 tháng tuổi trở lên) và Varilrix (nhập khẩu từ Bỉ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên). Tuy nhiên, đa số cha mẹ lựa chọn vaccine Varivax vì trẻ chỉ phải tiêm 1 mũi thay vì 2 mũi nếu chọn vaccine Varilrix. Giá dịch vụ tiêm các loại vaccine này không quá cao, từ 850.000 - 890.000 đồng/mũi. Mức giá này được đánh giá là hợp lý vì mỗi người cũng chỉ cần tiêm 1 lần vaccine phòng thuỷ đậu trong đời. |
BÌNH MINH