Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, trở thành điểm tựa pháp lý quan trọng cho nhiều người, đặc biệt là người nghèo.
Luật sư của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý tại một phiên xét xử
Hỗ trợ kịp thời
Khoảng 22 giờ ngày 24.6.2022, V.V.H. ở xã Vĩnh Hưng đi xe máy qua xã Hùng Thắng (cùng huyện Bình Giang) đã nảy sinh lòng tham, lấy đi 20 bao thóc của một người dân để ở rìa đường. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, V.V.H. đã bị Toà án Nhân dân huyện Bình Giang tuyên phạt 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Sau khi tuyên án, V.V.H. kháng cáo lên Toà án Nhân dân tỉnh xin hưởng án treo do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều năm liền là hộ nghèo. Bố mẹ mất trong thời gian bị khởi tố điều tra, V.V.H. là lao động chính trong nhà phải chăm sóc 2 anh trai khuyết tật và nuôi dưỡng 2 con nhỏ, vợ đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, bị cáo còn mới ủng hộ Quỹ Khuyến học tại địa phương.
Trường hợp của V.V.H. thuộc diện chế độ chính sách nên trợ giúp viên pháp lý Phạm Văn Điều thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh được cử tham gia tố tụng bào chữa cho bị cáo. Với tình tiết V.V.H. chủ động ra trình diện cơ quan công an, cùng với hoàn cảnh khó khăn nên bản án phúc thẩm xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, xử phạt bị cáo mức án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Còn bà L.T.T. ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) thuộc hộ nghèo có tranh chấp đất đai với người khác. Được sự hướng dẫn của Tòa án Nhân dân huyện Thanh Hà, bà tìm đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ về các trình tự thủ tục, nhờ trung tâm cử luật sư tham gia tố tụng. Khi đến trung tâm, bà T. được cán bộ trợ giúp tận tình hướng dẫn cụ thể.
Ông Phạm Văn Điều cho biết nhiều người vì thiếu hiểu biết pháp luật, nông nổi, có người lại vì lợi ích trước mắt mà phạm pháp... Đối với người nghèo, người yếu thế, khi có yêu cầu sẽ luôn được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Từ sự vào cuộc tích cực của trợ giúp viên pháp lý, nhiều cá nhân đã có thêm cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội...
Dân không hỏi thì tự tìm đến
Những người yếu thế, đặc biệt là những người nghèo khi gặp sự việc liên quan đến pháp lý thường gặp khó khăn về tài chính, đi lại, thiếu nhận thức về pháp luật... Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh có nhiệm vụ TGPL miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại xã Đoàn Tùng, Thanh Miện (ảnh tư liệu)
Với mục tiêu hướng về cơ sở, các trợ giúp viên pháp lý của trung tâm đã lặn lội đến nhiều địa phương để truyền thông, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân. Vào năm 2022, khi biết tin có đoàn truyền thông của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh về trợ giúp pháp lý, nhiều bà con xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đã tranh thủ đến sớm. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo được các trợ giúp viên pháp lý thông tin quy định pháp luật mới, trực tiếp tư vấn pháp luật theo yêu cầu của người dân về các lĩnh vực dân sự, đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân gia đình…
Năm 2022, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp 1.068 vụ việc, tăng 167 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021, tham gia tố tụng 382 vụ. 745 lượt người được TGPL, trong đó có 341 lượt người thuộc hộ nghèo. Trung tâm tổ chức 52 cuộc tuyên truyền về TGPL cho trên 3.500 lượt người dự; phát miễn phí 5.700 quyển tài liệu pháp luật.
Bà Phạm Hương Lan, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết ngoài việc cung cấp thông tin về TGPL niêm yết tại UBND cấp xã, trụ sở cơ quan tố tụng, trung tâm tăng cường tuyên truyền đến tận cơ sở với phương châm “dân không hỏi thì tự tìm đến” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới, trung tâm nâng cao hiệu quả công tác TGPL giúp cho các đối tượng, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế.
THÀNH ĐẠT